“Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng…” với tình yêu thương, sự hy sinh, nỗi vất vả, hàng trăm mối lo toan… không sao kể xiết. Nuôi con nên vóc nên hình đã khó, chăm lo sức khỏe tin thần cho con cái còn khó hơn nhiều mà trên thực tế, không ít các bậc cha mẹ vô cùng lúng túng.
BKTSG xin giới thiệu loạt hai bài viết của bác sĩ Kiều Thanh Hà – bác sĩ tâm lý đang làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 2 về vấn đề này.
Bạo lực với trẻ em không nên hiểu chỉ theo nghĩa đen là roi vọt, đánh đập mà còn bao gồm cả bạo lực tinh thần.
Bé Linh, 4 tuổi, ngay từ nhỏ đã khó nuôi, bệnh vặt triền miên nên thể tạng ốm yếu, thấp còi. Mẹ sốt ruột nuôi ăn nhưng bữa ăn nào đối với bé cũng là cực hình vì mẹ luôn miệng nói, hết so sánh “ăn giỏi coi, ăn giỏi để cao như bạn Hoàng, mẹ mua xe đạp cho mà chạy”, đến dọa nạt: “Nuôi mày phát chán, lo đút ăn thôi là hết thời gian làm chuyện khác, chắc tao bỏ đói luôn cho mày chừa…”.
Bé Tùng, cũng 4 tuổi, mỗi khi ra đường là lo sợ ngó trước ngó sau xem có các “mối đe dọa” mà bà vẫn kể không. Đó là ông Sâm râu quai nón chuyên đi bắt trẻ con về bán, là bà Thuấn bán gạo hễ thấy trẻ con là nhét ngay vào bị… Cả cậu thanh niên bệnh down tính tình hiền lành ở gần nhà cũng bị đem ra dọa. Đôi khi những “ông kẹ” này nhìn thấy thằng bé kháu khỉnh, muốn chơi đùa nhưng Tùng thì khóc thét, luôn mồm đuổi “đi ra” khiến họ và cả người nhà của bé đều ngượng ngùng.
Bé Tùng sợ nhất là công an và bác sĩ, bởi hễ khóc nhè hay không nghe lời sẽ bị bác sĩ chích, bị chú công an đến bắt và giam luôn trong đồn không cho về… Có lần đi dạo với mẹ trên vỉa vè, mải tíu tít kể chuyện, đến góc phố, Tùng mới chợt nhận ra chú công an đứng ngay trước mặt. Cậu bé kinh hoàng chạy tọt xuống lòng đường đầy xe cộ khiến mẹ bé một phen đứng tim!
Khi trẻ lên 2 tuổi, trẻ không chỉ cần phát triển trí khôn và ngôn ngữ mà cần phát triển đồng thời cả bốn kỹ năng, gồm trí tò mò (ham hiểu biết), năng lực trí tuệ, ngôn ngữ và giao tiếp xã hội. Đây là thời điểm dễ nảy sinh “mâu thuẫn” giữa người lớn và trẻ con. Bởi nhiều khi để bảo vệ trẻ, người lớn đã vô tình cản trở sự tìm hiểu thế giới xung quanh của trẻ, thông qua việc cấm đoán và trừng phạt, nhiều nhất là đánh vào đôi bàn tay trẻ. Nếu trẻ thường xuyên bị cấm đoán, đe nẹt, lớn lên, trẻ sẽ mất tự tin và kém sáng tạo, ngược lại, trẻ sẽ thấy rất vui và thích thú nếu được thỏa mãn nhu cầu. Đôi tay chính là “phương tiện” để đứa bé tìm hiểu thế giới đồ vật xung quanh. Thông qua đôi tay, trí não bé sẽ có nhiều sự sáng tạo hơn với các đồ chơi xung quanh mình.
Như vậy, sức khỏe tâm thần của trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào người lớn – những người có thể trợ giúp trẻ về mặt tâm lý cũng như có thể đưa trẻ vào những sang chấn tâm lý nếu thiếu hiểu biết.
Mỗi đứa trẻ sinh ra và lớn lên đều có quá trình phát triển khác nhau. Nếu như đứa con của bạn phát triển chậm hơn về mặt thể chất hay tâm lý, bản thân trẻ đã cảm nhận được sự thua thiệt của mình so với bạn bè cùng tuổi. Vì vậy, cha mẹ đừng nên so sánh con với những đứa trẻ khác khiến cho sự đau khổ của trẻ thêm nặng nề.
Hay vấn đề của mẹ con chị Thanh. Từ ngày cơ quan cho giảm biên chế, công việc của chị Thanh không ổn định. Cuộc sống mệt mỏi, bực tức, nhiều lúc không kiềm chế được, chị trút cơn giận lên đứa con. Có khi chỉ vì những nguyên nhân rất nhỏ như cháu làm đổ cốc nước, làm rơi mấy hạt cơm ra áo…, chị cũng quát mắng, thậm chí đánh con. Bị mắng, bị đòn nhiều, con bé trở nên sợ hãi khi đứng trước chị. Nó giật mình thon thót mỗi lúc chị nói to. Con bé ngày càng trở nên nhút nhát, sống khép kín và ngày càng tránh xa mẹ.
Các ông bố, bà mẹ đánh đập con vì nhiều nguyên nhân, nhưng nhiều khi là “giận cá, chém thớt”. Hậu quả để lại là trẻ có thể bị oan, lỗi nhỏ nhưng chịu hình phạt lớn, sợ hãi và xa lánh cha mẹ. Quan trọng hơn, điều mà trẻ học được từ những trận đòn là những bài học xấu, rằng nếu như không thỏa thuận được thì bạo lực là cách giải quyết.
Nhiều trường hợp trẻ gặp những vấn đề tâm lý như tự kỷ, hung hãn, phụ thuộc, bi quan… không phải do thiếu sự giáo dục mà là do cách giáo dục không đúng của người lớn. Giáo dục nghiêm nhưng lưu ý không làm tổn thương thể chất hay tinh thần của trẻ.
Cuối cùng, sự căng thẳng tâm lý thường trực khiến trẻ em hiện nay tiềm ẩn nguy cơ… không bình thường.
Ranh giới giữa một trẻ bình thường và không bình thường là rất mong manh. Sẽ có hai khả năng xảy ra: trẻ có hệ thần kinh yếu thì dễ mắc chứng tự ti, trầm cảm; còn trẻ có hệ thần kinh mạnh thì dễ trở nên hung tính hoặc mắc chứng nổi loạn, tính thiện dần mất đi, nhân cách cũng dần bị thoái hóa.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn online