Mới đây, nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An đã tự tử vì bạo lực học đường. Chia sẻ về vấn đề này với truyền thông, luật sư Phùng Huyền (Hãng luật A+) nhận định, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình hơn, kịp thời hỗ trợ để tránh trường hợp đau lòng xảy ra.
–Trong một năm, số vụ trẻ em bị bạo lực học đường ngày càng tăng, nhiều em bế tắc nên đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Với vai trò là luật sư đã thụ lý nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, chị hãy chia sẻ quan điểm của mình?
Luật sư Phùng Huyền
Luật sư Phùng Huyền: Trước hết, xin cho tôi chia sẻ nỗi đau với gia đình của em ấy, và chia sẻ tới tất cả cha mẹ nào đã rơi vào tình cảnh tương tự. Nạn bạo lực học đường đã tồn tại từ lâu. Cụm từ “bạo lực học đường” nghe thì quen nhưng ít ai hiểu được nó bao gồm những gì.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP thì “bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập”.
Theo tôi, tất cả những tác động tiêu cực liên quan đến quá trình đứa trẻ học trong môi trường nhà trường và cả gia đình dẫn tới sự đau khổ cho đứa trẻ đều nên coi là bạo lực học đường. Một trong những điều tác động đến tâm lý, dẫn dắt những suy nghĩ tiêu cực, cuộc sống không vui của trẻ chính là sự kỳ vọng mà nhà trường và cha mẹ dành cho chúng. Thậm chí, ngay cả việc hù nói nghỉ chơi với bạn nào cũng tạo nên tâm lý đau buồn cho nạn nhân, cũng nên coi là bạo lực học đường.
–Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc đau lòng nạn nhân của bạo lực học đường tuổi học sinh ngày càng biến động, cụ thể là tăng cao?
Luật sư Phùng Huyền: Gốc rễ là “cái tôi”. THCS, THPT là thời kỳ các con hình thành và chứng tỏ “cái tôi” của mình. Giáo dục hiện nay chỉ chú trọng những kiến thức học thuật đơn thuần, giúp đứa trẻ tư duy. Nhưng lại không giáo dục các em cách kiểm soát, nhìn thấy suy nghĩ, cách ngừng suy nghĩ, dẫn tới đứa trẻ đồng nhất bản thân với suy nghĩ của mình.
Đặc thù của “cái tôi” là mâu thuẫn, vừa muốn cộng đồng (nhóm, lớp, trường) yêu thương, chấp thuận, vừa muốn mình khác biệt; cái tôi thích được ghi nhận, thích được khen. Thuật toán vui, hạnh phúc của cái tôi sẽ được kích hoạt nếu bạn khen ngợi hoặc ghi nhận. Ngược lại thuật toán buồn đau cũng sẽ được bật nếu bạn chê bôi hoặc làm xấu hình ảnh của nó. Và nó cũng có thể hành động khiến cơ thể tự sát khi nó không còn động lực duy trì sự sống của chính cái tôi. Ở lứa tuổi học trò, các em chưa biết cách nhìn thấy cái tôi, kiểm soát cái tôi của mình, thậm chí muốn chứng tỏ nó nên dễ dẫn tới đồng nhất bản thân với suy nghĩ, và nếu đó là suy nghĩ tiêu cực, khi lên tới đỉnh điểm, cái tôi sẽ chấm dứt sự sống.
Một tin nhắn cảm ơn của khách hàng gởi đến Luật sư Phùng Huyền
–Khi nhận tư vấn và xử lý vụ việc tương tự, điều mà chị quan tâm nhất là gì?
LS Phùng Huyền: Đó là tâm lý của trẻ. Trước hết, nhiệm vụ của tôi là giúp các con thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực, khai phóng bản thân. Vì không phải cứ luật sư tham gia vào, cứ khăng khăng chuyển lớp, chuyển trường là xong. Tôi trao đổi để tất cả những người có thẩm quyền đưa ra giải pháp đặt trẻ em làm trung tâm, chứ không phải những khó khăn cơ học mà người lớn có thể xử lý được.
Với vai trò là luật sư, chị đã giải quyết các trường hợp này như thế nào?
Luật sư Phùng Huyền: Trước khi đưa ra hướng giải quyết thì cần xem vấn đề cần cần giải quyết ở đây là gì. Một là, Đứa trẻ đang bị suy nghĩ bủa vây, thậm chí không ngừng được suy nghĩ tiêu cực của mình, bị tổn thương và nếu không can thiệp kịp thời thì có nguy cơ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Hai là, Cách xử lý việc chuyển lớp, trường, giáo viên như thế nào? Ba là, Kiểm soát dư luận sau đó kể cả khi con đã được chuyển lớp, trường ra sao? Và cuối cùng là, Những tổn thương của con khi đối diện sự đổ vỡ.
Luật sư chúng tôi sẽ giúp các con và gia đình thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Khi con ổn định tâm lý thì tôi liên hệ người có thẩm quyền để thảo luận cách giải quyết lấy trẻ làm trung tâm. Sau khi sự việc xong rồi, tôi vẫn đồng hành với con, giúp con thoát khỏi những mâu thuẫn nội tại.
Ta cần hiểu rằng, không hẳn cứ chuyển lớp, chuyển trường là xong. Cần nhìn sự kiện đó như cuộc chia tay, đó là sự đổ vỡ. Đối với những vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự thì chúng tôi sẽ triển khai theo quy định của pháp luật.
–Những dấu hiệu nào khi xuất hiện ở trẻ em thì các quý phụ huynh cần tìm luật sư để can thiệp?
Luật sư Phùng Huyền: Trong một gia đình, cha mẹ quan tâm con đều cảm nhận được năng lượng nặng nề khi con suy nghĩ tiêu cực. Một trong những biểu hiện là con ít tiếp xúc với cha mẹ, đắm chìm trong điện thoại, thường xuyên cáu giận và buồn bực. Những gì hiển thị ra bên ngoài là phóng chiếu từ bên trong, do vậy, khi thấy các biểu hiện tiêu cực này, phụ huynh không nên coi nhẹ, lơ là. Sau khi con kể sự việc, nếu phụ huynh không biết cách xử trí thì nên nhờ luật sư. Nhờ Luật sư không có nghĩa phải là làm những án lớn, nghiêm trọng. Có những vụ việc tôi chỉ cần nhắn tin cho cô giáo thì sự việc được giải quyết ổn thoả, khúc mắc các bên được tháo gỡ.
Đội ngũ luật sư của Hãng luật A+ nhận được nhiều vụ việc về bạo lực học đường
–Có vụ việc nào chị đã can thiệp kịp thời để không xảy ra điều đáng tiếc?
Luật sư Phùng Huyền: Có sự việc nghiêm trọng, đó là em học sinh THPT bị cô giáo và nhóm bạn cô lập, miệt thị ngoại hình, lập group nói xấu khiến em ấy suy sụp, đau buồn. Tôi bắt đầu giúp em khai phóng bản thân, thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực để tránh dẫn tới tình trạng đau lòng. Song sau đó, tôi làm việc với hiệu trưởng để trình bày rõ hậu quả nghiêm trọng của sự việc và cách triển khai để không tạo dư luận xấu cho bạn ấy trong suốt quá trình xử lý và sau đó sự việc được giải quyết. Thiết nghĩ, khi luật sư làm việc phù hợp thì không có nhà trường nào có thể làm ngơ, mà nếu làm ngơ thì chúng tôi sẽ dùng biện pháp pháp lý mạnh để xử lý triệt để.
–Các bậc phụ huynh cần làm gì khi con mình bị bạo lực học đường?
Luật sư Phùng Huyền: Bạo lực học đường là vấn đề nghiêm trọng, thậm chí vết hằn này có thể theo con suốt đời. Vì vậy, điều phụ huynh cần làm là hãy nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia, trong đó có luật sư.
Xin cảm ơn chị!
Minh Minh
(CLB Phụ Nữ Hiện Đại)