Xã hội phát triển, cha mẹ trẻ thường bận bịu với cơm áo gạo tiền, những cuộc vui thú triền miên nên nhiều gia đình thiếu quan tâm, thậm chí “khoán” cho người giúp việc trong việc chăm sóc và cả nuôi dạy con cái. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến các chứng rối loạn tâm thần ở trẻ em như tự kỷ, rối loạn kiểm soát hành vi, điên loạn thần tượng…
Khoán gọn cho ôshin
T.H, một doanh nhân nữ khá nổi tiếng trong ngành truyền thông cùng chồng là một doanh nhân thành đạt trong giới bất động sản đã có một kinh nghiệm để đời về nuôi dạy con. Do cả hai vợ chồng T.H đều thành đạt trong nghề nghiệp của mình nên như một thách thức, cả hai vợ chồng “ganh đua” nhau trong việc kiếm tiền. Sẵn tiền nên T.H thuê liền 2 người giúp việc trong căn biệt thự cao cấp ở Phú Mỹ Hưng để chăm sóc cậu con trai quý tử. Người giúp việc cứ đến giờ là cho cậu bé ăn, ốm thì cho uống thuốc theo đơn, cả ngày nhốt cậu bé trong phòng cho… an toàn. Có những thời điểm do bận công tác vào cuối năm, cả tháng trời con trai T.H không gặp ba, mẹ. Bởi vậy nên dần dần cậu bé ngày càng lầm lì, thích trốn trong phòng kín. Đến khi hơn 3 tuổi cậu bé ngày càng ít nói, ngại giao tiếp, chỉ thích xem tivi và chơi một mình thì chị T.H mới nhận ra sự bất thường của con nên đưa đến bác sĩ khám bệnh thì phát hiện cháu mắc chứng tự kỷ khá nặng.
Tự kỷ, bệnh tâm thần ở trẻ em đang tăng nhanh trong xã hội Việt Nam (ảnh minh họa)
Không “hoành tráng” như T.H, chị Phương ở Phú Thượng, Quận Tây Hồ cũng gặp một phen tá hỏa khi con trai nhỏ bị viêm phổi nặng. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự tin tưởng của chị Phương bởi gia đình đã thuê ôshin. Để tìm người giúp việc chị Phương đã thực hiện một cuộc tuyển chọn hơn cả tuyển nhân viên cho công ty. Nhờ các công ty giới thiệu việc làm, chị loại hàng chục hồ sơ, thử việc đến dăm người mới tìm được một cô khá đứng tuổi có đầy đủ cả chứng chỉ quản gia, có kinh nghiệm chăm sóc em bé…
Từ ngày có người chuyên nghiệp, chị Phương rảnh rang hẳn để đi chăm sóc sắc đẹp, tập thể dục thẩm mỹ… Khi thấy cháu T chỉ húng hắng ho và hâm hấp sốt chị Phương cho rằng chỉ “viêm họng vớ vẩn” nên chỉ dặn người giúp việc cho cháu uống thuốc đúng “lịch”. Đi làm về chị lượn phố mua sắm, tô vẽ móng tay đến tối mịt mới về nhà. Đúng lúc ấy bé Tùng sốt cao, co giật chị Phương mới vội vàng đưa vào bệnh viện cấp cứu thì phát hiện cháu đã viêm phổi rất nặng. Quay sang trách móc người giúp việc thì nhận được câu trả lời là đã hoàn thành những việc chị giao khoán như uống thuốc, cho ăn, đi ngủ đúng giờ…
Khi điều trị bệnh thấy con càng ngày càng lầm lì, ít nói, chị Phương “tiện thể” cho con khám tâm bệnh thì lại được phen ngã ngửa ra là con mắc chứng “loạn thần”. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Những lúc trẻ ốm đau không được quan tâm đầy đủ rất dễ dẫn đến các sang chấn tâm lý khiến trẻ tổn thương đến tâm thần. Trẻ em không chỉ cần cho ăn, tặng những đồ chơi đắt tiền, hiện đại mà cần sự quan tâm, giải đáp những vấn đề về tâm sinh lý mới có thể phát triển đầy đủ, không để lại những hậu quả khó lường, đáng tiếc”.
Hai trường hợp trên chỉ là những ví dụ điển hình về tình trạng đang ngày càng phổ biến trong việc nuôi con theo kiểu “khoán gọn”. Người giúp việc dù có chuyên nghiệp, tận tình đến đâu cũng chỉ là người chăm sóc về thể chất mà không có tính máu mủ. Cho nên cha mẹ không thể phó mặc con cho họ.
Cuồng tín thần tượng
Bên cạnh sự phát triển nhanh về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ trong lứa tuổi mẫu giáo, ở lứa tuổi thanh thiếu niên, hội chứng “điên loạn thần tượng” theo bác sĩ tâm lý cũng là một dạng biểu hiện của bất thường trong phát triển tâm lý trẻ em. Vậy nên một lần nữa càng cần khẳng định lại: Cha mẹ nhất thiết phải chăm lo cho con đặc biệt là về tinh thần.
Trẻ thiếu quan tâm sẽ xuất hiện “lỗ hổng tâm lý” nên tự tìm sự bù đắp. Hội chứng “thần tượng” chính là sự bù đắp tự nhiên đó. Trẻ sẽ tự huyễn hoặc từ thần tượng bằng tất cả sự phù phiếm, lệch lạc… Miếng gép “lấp chỗ trống” tâm lý ấy dần dần “đầu độc tâm hồn”, khiến trẻ sống lệch lạc không định hướng. Chính vì vậy khi những thần tượng “sụp đổ” rất nhiều fan đã nhanh chóng lâm vào tình trạng khủng hoảng, tự hủy hoại bản thân.
Đề cập đến vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em, Tiến Sĩ Trần Thanh Tú, Giám đốc Viện Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em khẳng định: “Trong khi trẻ em ở nông thôn, miền núi nước ta vẫn đang thiếu thốn về thuốc men, phương tiện y tế chăm sóc sức khỏe nhưng sức khỏe tinh thần lại đặc biệt tốt bởi các em được gần gũi thiên nhiên, cuộc sống đơn giản ít áp lực. Ngược lại ở các thành phố lớn, tình trạng sức khỏe tâm thần trẻ em đã lên đến mức báo động. Áp lực từ học tập, sự thiếu quan tâm của gia đình khiến trẻ dễ lâm vào những chứng bệnh như tự kỷ ám thị, tâm thần phân liệt, cuồng loạn… có thể tự hủy hoại bản thân, nguy hiểm hơn nữa là tự sát. Đã đến lúc cần lên tiếng báo động về tình trạng ngày càng gia tăng số lượng trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần”.
Có thể nói, xã hội càng phát triển thì việc quan tâm đến sức khỏe tâm sinh lý của trẻ em ngày càng được coi trọng. Muốn trẻ phát triển tốt, cha mẹ cần chăm sóc cân bằng cả về sức khỏe thể chất lẫn tâm thần.
Nguồn: Báo Năng Lượng Mới