Ham muốn là một chủ đề mà ở đó, góc nhìn đúng đắn chỉ có thể đạt được bằng cách đảo ngược gần như hoàn toàn những quan điểm thông thường của đám đông. Vậy thực chất thì tại sao chúng ta muốn thứ ta muốn?

Chúng ta ngập chìm trong ham muốn gần như trong mỗi phút giây ta thức. Nếu chúng ta ngủ thì ham muốn tạm thời được chế ngự, trừ khi chúng ta mơ và những giấc mơ có thể sẽ được định hình bởi những ham muốn của chúng ta. Kỹ năng hình thành ham muốn của chúng ta thật phi thường. Chẳng có ai dạy chúng ta cách làm việc đó. Hơn thế nữa, nó còn là một kỹ năng mà chúng ta có thể luyện tập cả đời mà không biết mệt mỏi. Khi nói đến ham muốn, ai cũng là chuyên gia. Nếu có một giải Olympic về môn ham muốn thì tất cả chúng ta sẽ có mặt trong đội tuyển tham dự. Đau ốm và tuổi già có thể thay đổi thứ mà chúng ta ham muốn, nhưng chúng không khiến ta dừng ham muốn.

Hãy thử chặn dòng chảy của ham muốn trong giây lát. Bạn sẽ phải ngừng bắn người, ngừng gõ những ngón tay hay siết chặt các ngón chân; bạn sẽ phải thả lỏng lưỡi trong khoang miệng và để mi mắt khép lại; bạn sẽ ngồi ngả người ra ghế hoặc nằm xuống bất động; trong khả năng của mình, bạn sẽ phải từ bỏ sự kiểm soát đối với hơi thở và để cho tâm trí trở nên trống rỗng. Nói cách khác, bạn sẽ phải bước vào trạng thái mà chúng ta gọi là thiền định. Và ngay cả thế, bạn vẫn không thể xoá sạch được ham muốn của bản thân bởi bạn sẽ không ở trong trại thái này trừ khi bạn không ngừng ham muốn duy trì điều đó. Người ta cần phải có ham muốn để cố gắng dập tắt ham muốn, mà thường là không thành công.

Nếu thử trải nghiệm trên thì bạn sẽ phát hiện ra tâm trí của mình gần như không bao giờ trống rỗng. Những ý nghĩ mới sẽ nảy sinh, nhiều ý nghĩ trong số đó thể hiện sự ham muốn. Bạn có thể thấy mình đang đói và muốn ăn, hay bạn đang cảm thấy khó chịu và muốn cựa quậy. Bạn có thể trải qua cảm giác tức giận bởi nỗi thất vọng về những ham muốn trước đây, hoặc cảm giác lo âu bởi những ham muốn về tương lai. Thử nghiệm này cũng giống với thiền định, hay còn được biết tới là tọa thiền. Bằng cách thực hiện thiền định, các thiền sư thấu tỏ được quá trình mà những ham muốn âm thầm hình thành bên trong chúng ta.

Ham muốn làm thế giới này trở nên sinh động. Nó hiện diện nơi đứa bé đang khóc đòi sữa, nơi bé gái đang loay hoay giải một bài toán, người phụ nữ gặp người mình yêu và quyết định có con sau đó, và bà cụ khom người trước khung tập đi, dịch chuyển từng bước chậm chạp dọc theo hành lang của viện dưỡng lão để nhận bức thư của mình. Khi tước bỏ ham muốn khỏi thế giới này, bạn sẽ ở một nơi mà sự sống đóng băng, con người không có lý do gì để sống và chẳng có lý do nào để chết.

Vì chúng ta liên tục trải nghiệm sự ham muốn nên chúng ta không nhận ra sự hiện diện của chúng. Cũng giống như tiếng ồn do quạt máy vi tính tạo ra. Tiếng ồn luôn có mặt ở đó, một tiếng thì thầm nhỏ, và bởi vì nó luôn có mặt ở đó nên chúng ta không để tâm tới nó. Tương tự như thế, chúng ta luôn lờ đi những ham muốn của mình, sự thăng trầm và vai trò của chúng trong cuộc sống của ta. Chỉ khi nào ham muốn của chúng ta trở nên dữ dội (như khi chúng ta bước vào tình yêu) hoặc khi xảy ra xung đột (như khi chúng ta thèm ăn một bát kem nhưng chúng ta lại ước mình không thèm nó nữa vì ta đang ăn kiêng) thì chúng ta mới chú ý đến những ham muốn của mình, cùng với sự pha trộn giữa cảm giác bối rối và bực bội. Và bởi chúng ta không nhận ra hoạt động của ham muốn bên trong mình nên chúng ta có đầy rẫy những quan niệm sai lầm về nó.

Đọc “Bàn về ham muốn” có thể giúp bạn để tâm đến sự vận hành của ham muốn trong mình. Khi đó, bạn sẽ nhanh chóng có nhận thức đầy kinh ngạc rằng ham muốn của bạn có một cuộc đời riêng. Chúng chợt lóe lên trong đầu bạn, gần như là từ trên trời rơi xuống. Thực sự, trong nhiều trường hợp, bạn không lựa chọn những ham muốn của mình nhiều bằng việc phát hiện thấy chúng tồn tại trong bạn. Bạn cũng sẽ hiểu rõ mức độ mà những ham muốn không mời mà đến này định đoạt cách mà bạn sống mỗi ngày và về lâu về dài là cách mà bạn sống hết cuộc đời mình.

H.Chi

Phụ Nữ Hiện Đại hân hạnh đồng hành cùng Thaihabooks.

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc