Cuộc trò chuyện thân mật giữa BS dinh dưỡng Minh Hạnh và bạn đọc báo Thế Giới Tiếp Thị về Dinh dưỡng với thực phẩm sạch (TPS) kỳ này là những kiến thức phổ thông rất cần thiết cho những bà nội trợ, nhưng không phải ai cũng hiểu cặn kẽ.

Chị Thanh Thuý, hội trưởng hội quán Các bà mẹ, một bà nội trợ ngày ngày phải đối diện với nỗi lo về bữa cơm gia đình thổ lộ: “Mối lo rất lớn của hầu hết các gia đình hiện nay chính là làm thế nào tìm được cho gia đình nguồn thực phẩm ngon và lành.

“Có khi thực phẩm rất ngon nhưng không lành, có khi nhìn không ngon nhưng lại rất lành… hầu như bất cứ thành viên nào trong gia đình tôi đều có những thắc mắc liên quan đến thực phẩm ngon và lành”.

BS Minh Hạnh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được đến phiên chợ Xanh Tử Tế. Với tư cách không chỉ là một người làm dinh dưỡng, mà còn là người chăm lo bữa ăn cho gia đình, tôi cũng có những băn khoăn làm sao để có bữa ăn an toàn cho gia đình.

“Và vì vậy, tôi rất thích trò chuyện với các nhà nông nghiệp, mỗi lần có dịp gặp đều hỏi han rất kỹ việc nuôi trồng thế nào để có được TPS và cách nhận diện TPS.

“Thời gian gần đây, ở Việt Nam, thực phẩm bẩn tràn lan là vấn nạn rất lớn. Phiên chợ xanh gợi lên một vấn đề là làm sao nhà nông có tình thương đồng loại, mới tạo ra những sản phẩm sạch như thế này”.

Kiến thức cơ bản nhất để chọn TPS?

Theo BS Minh Hạnh, TPS là thực phẩm không chứa hoá chất độc hại như phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, kể cả những tạp chất…

Tuy nhiên, tạp chất thì có thể nhìn thấy được, nhưng hoá chất thì không thể nhận biết bằng mắt thường. Ngày xưa, đi mua thực phẩm chỉ cần lựa chọn những loại rau trái tươi ngon, đẹp mắt, phù hợp với gia đình là được.

Bây giờ, thứ tự lựa chọn thực phẩm, trước tiên không phải bằng cảm quan, mà phải là thương hiệu có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, sau đó mới xem hàng tươi ngon như thế nào?

Chị Thanh Thuý chia sẻ: “Với người tiêu dùng (NTD), có tới ba bốn xu hướng, có người sử dụng hữu cơ hoàn toàn, có người sử dụng những chứng nhận VietGAP, còn lại gặp đâu mua đấy. Nhiều NTD hiện nay cho rằng rau sạch, rau an toàn, rau hữu cơ rất đắt, vì thế họ “lơ” luôn chuyện ăn sẽ mắc bệnh, để đến khi bệnh mới chữa thì có khi quá muộn.

“Cũng có người thì cho rằng nếu muốn ăn thức ăn sạch thì ăn bớt đi, mua bớt lại, tinh lọc hơn, có chất hơn thì vừa không quá mức tiêu hàng ngày, lại vừa ngăn ngừa bệnh, bác sĩ nghĩ sao về những sự lựa chọn này?

“Nhiều người có tiền nhưng vẫn luôn muốn mua những thứ rất rẻ. Liệu có nên cư xử như thế với người nông dân không? Làm sao để khuyến khích việc trồng trọt tử tế?”

BS Minh Hạnh cho rằng sự tử tế để có được TPS không chỉ đòi hỏi ở nông dân, mà còn cả ở NTD. Nông dân làm ra sản phẩm sạch rất công phu và tốn kém nhưng không bán được hoặc phải chịu lỗ; thì đến lúc nào đó, khi không nuôi sống được bản thân và gia đình thì có khi họ sẽ phải làm khác đi.

Thế nên, nếu chúng ta không chịu bỏ ra một khoản chi phí theo đúng giá trị của TPS và an toàn, thì sẽ rất khó để tồn tại TPS.20-21_Gia dinh_R_Morasse_OK.indd

Giữ hàm lượng dinh dưỡng cho thức ăn?

Theo BS Minh Hạnh, điều quan trọng là phải mua được thịt cá lúc còn tươi, chia thành từng phần vừa đủ để chế biến cho một bữa ăn của gia đình và cất ngay vào ngăn đông thì có thể ăn dài ngày.

Khi nào dùng thì mang từ ngăn đông sang ngăn mát để rã đông từ từ rồi mới sử dụng để chế biến. Còn nếu thịt cá không tươi thì dù bảo quản tốt cách gì thì cũng không thể giữ được sự an toàn và hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm.

Hoặc khi dự trữ thực phẩm quá nhiều khiến nhiệt độ trong tủ lạnh không đạt yêu cầu, khí lạnh cũng không được lưu thông đều sẽ khiến cho thực phẩm không được bảo quản tốt.

Đối với rau củ, sau khi mua về sẽ cắt bỏ rễ, nhặt bỏ lá sâu, héo hoặc úng, sau đó gói vào giấy hút ẩm hoặc cho vào bao nilông có đục lỗ và cất vào ngăn mát của tủ lạnh. Khi cần sử dụng sẽ mang ra để rửa sạch trước khi dùng.

Nếu chúng ta để rau ướt và cất vào tủ thì sẽ không thể bảo quản lâu được vì sẽ dễ bị úng, hư. Đối với trái cây thì tuỳ từng loại mà chúng ta có thể rửa sạch, để ráo nước, cho vào bao nilông có đục lỗ và cất vào tủ lạnh.

Khi ăn sẽ lấy ra từng phần để cắt gọt, đối với nho thì nên cắt từng nhánh để ăn chứ không lặt từng trái từ một chùm lớn, vì sẽ dễ làm héo phần còn lại. Thực phẩm sống và thực phẩm chín phải để riêng biệt trong tủ lạnh, tránh để nhiễm khuẩn chéo.

Chuyện đơn giản nhất hàng ngày là rửa rau thế nào cho an toàn, rau nấu thế nào cho giữ được chất dinh dưỡng, cũng là một thách đố?

BS Minh Hạnh tư vấn: “Nên lặt rời rau ra, rửa nhiều lần cho sạch đất cát, sau đó ngâm trong chậu nhiều nước để hoá chất nếu có sẽ tan ra trong nước. Việc ngâm nước muối không thể làm mất đi hoá chất đã có trong rau mà chỉ có thể làm trứng giun sán rơi ra”.

Đối với cách chế biến thì chỉ nên nấu rau vừa chín tới để giữ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin tan trong nước như vitamin C rất dễ bị huỷ bởi nhiệt; vì rau ngoài chất xơ, còn chứa nhiều vitamin và chất khoáng. Khi nấu, nên mở nắp nồi, để hoá chất nếu có sẽ bay đi bớt.

Việc có thể dùng bột ngọt tuỳ mức độ, ngưỡng chấp nhận của từng người. Có người ăn bột ngọt bị cứng gáy, nhưng có người không sao. Nếu không muốn sử dụng thì có thể thay thế bằng gia vị khác theo thói quen ăn uống của từng gia đình.

Dinh dưỡng cho trẻ em

Về việc chọn lựa thức ăn cho trẻ và cách cho trẻ ăn, BS Minh Hạnh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cho trẻ ăn thức ăn sạch: “Một thực phẩm không sạch, không an toàn ngay cả người lớn cũng phải chịu hậu quả, huống gì trẻ em. Thực phẩm không an toàn ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ trẻ em, kế đến là phụ nữ mang thai, người cao tuổi.

“Khi cho trẻ ăn thì không nên ép khiến trẻ sợ hãi thức ăn. Hãy tạo sự hứng thú để trẻ thích bữa ăn đó. Trước đây, trẻ em thường giải trí bằng các trò chơi vận động. Ngày nay thì trẻ em thường giải trí bằng chơi game, xem phim… nên quên luôn cảm giác đói.

“Để trẻ hứng thú với vận động thì cần phải có bạn cùng chơi, hoặc cha mẹ phải cùng chơi với con, đưa con đi công viên… Nếu để trẻ quanh quẩn trong nhà, nằm ngồi nhiều sẽ không tiêu hao năng lượng, trẻ sẽ dễ chán ăn”.

Khi được hỏi về việc 14 bác sĩ toàn thế giới chống lại việc cho trẻ em ăn xúc xích, bác sĩ cho biết ý kiến của mình là khuyến khích cho trẻ ăn thức ăn tự nhiên hơn là thực phẩm qua chế biến công nghiệp; vì thường chứa nhiều muối, chất béo, và chất bảo quản. Thực phẩm tươi ngon vẫn tốt cho trẻ hơn.

Detox và “bác sĩ Google”

Một bạn trẻ đề cập đến phong trào detox cơ thể hiện nay của giới trẻ, bỏ ra rất nhiều tiền để mua rau hữu cơ, làm ra những loại nước uống nhằm giải độc và giảm trọng lượng cơ thể, cho da dẻ mịn màng?

BS Minh Hạnh giải thích: “Sử dụng rau hữu cơ sẽ rất tốt để chế biến thức ăn theo nhiều cách như ăn tươi, nấu canh, luộc, xào, xay nước uống… tuỳ thích. Nhưng nếu nói uống nước đó loại bỏ độc tố cho cơ thể thì không đúng lắm, bởi cơ thể phải cần đầy đủ các dưỡng chất khác nhau.

“Chế độ ăn cần đa dạng các loại thực phẩm và cân bằng các chất dinh dưỡng, ăn cân đối theo tháp dinh dưỡng là hợp lý nhất. Chúng ta cần năng lượng để hoạt động và để sáng tạo, còn detox theo cách đó sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi. Để giảm béo thì bên cạnh chế độ ăn kiêng hợp lý thì phải chú ý vận động đủ.

“Ngoài ra, cũng cần lưu ý hít thở sâu để nhận đủ oxy cho cơ thể. Hiện nay, người ta có phong trào gặp vấn đề gì đều tham khảo “bác sĩ Google”.

Tuy nhiên, những thông tin trên mạng rất nhiều loại, cần biết chọn lọc để sử dụng, không nên nghe khuyến cáo lung tung mà áp dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Có bạn muốn hỏi ăn như thế nào để được đẹp thì bác sĩ cho rằng khi ăn đúng, ăn đủ, đương nhiên là sẽ đẹp vì cơ thể sẽ không quá gầy hoặc quá béo, da dẻ sẽ hồng hào do không bị thiếu máu, dáng vóc sẽ thẳng và đẹp hơn do không loãng xương…

“Bên cạnh chế độ ăn hợp lý thì cần nhớ tập luyện, vì ngồi nhiều sẽ dễ bị tích mỡ. Dinh dưỡng hợp lý kết hợp vận động đủ, ngủ đủ chắc chắn bạn sẽ có sắc vóc đẹp hơn.

“Đồng thời cũng phải biết chăm chút về tinh thần, cuộc sống phải biết lúc nào nên bỏ bớt, biết vui với những gì mình đang có sẽ khiến bạn đẹp hơn. Và điều cuối cùng tôi muốn nói, hãy luôn sống tử tế với nhau, sống đẹp thì mình sẽ đẹp”.

Hương Xuân ghi
Theo Thế giới Tiếp Thị

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc