(Phụ Nữ Hiện Đại) – Theo một báo cáo được công bố, chỉ có 37% doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) do phụ nữ làm chủ đủ điều kiện và được tiếp cận với các khoản vay ngân hàng. So với 47% chủ doanh nghiệp nam tiếp cận được với các khoản vay, phần lớn các nữ lãnh đạo doanh nghiệp vẫn gặp rào cản trong việc tiếp cận nguồn vốn. Mặc dù, trên thực tế, các DNVVN do phụ nữ làm chủ luôn cho thấy tỷ lệ hoàn trả tốt hơn.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ quy mô nhỏ và lợi nhuận không hấp dẫn của phân khúc DNVVN do phụ nữ làm chủ, các yêu cầu và điều khoản quy định phức tạp của ngân hàng cũng như sự thiếu nguồn lực để điều hướng và tiếp cận nguồn vốn.

Ngoài ra, một khảo sát của UPS cũng cho thấy, một trong những thách thức lớn nhất của giai đoạn hậu Covid mà các doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt là khả năng tiếp cận các nguồn tài chính, đặc biệt là khi thiết lập và thực hiện chiến lược thương mại điện tử.

“Thương mại điện tử vốn đã phát triển mạnh mẽ trước đại dịch, nhưng sau Covid, thói quen mua sắm của nhiều người có lẽ đã hoàn toàn thay đổi, điều này mang đến cơ hội rất lớn cho các chủ DNVVN tại Việt Nam”, bà Đỗ Thị Đan Thanh, Giám đốc tài chính của UPS Việt Nam cho biết.

“Đại dịch cũng đã cho các doanh nghiệp thấy tầm quan trọng của việc có một kế hoạch dự phòng. Thương mại điện tử không chỉ mở rộng tệp khách hàng mới trên toàn thế giới mà còn cung cấp một nguồn doanh thu thay thế cho các doanh nghiệp hiện đang phụ thuộc nhiều vào bán hàng trực tiếp. Chúng tôi rất vui khi được tiếp tục hợp tác cùng ITC SheTrades và Vietrade để tư vấn cho nhiều nữ lãnh đạo tại các DNVVN về cách tiếp cận thị trường toàn cầu.”

Được hỗ trợ bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên Hợp Quốc, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) đã thành lập chương trình SheTrades vào năm 2015 với mục tiêu giúp hơn 3 triệu nữ doanh nhân xuất khẩu sản phẩm của họ trên toàn cầu. Với tư cách là đối tác của chương trình này, Quỹ UPS – Quỹ từ thiện của tập đoàn logistics toàn cầu UPS – đặt ra mục tiêu giúp các nữ doanh nhân vượt qua rào cản gia nhập ngành bằng cách chia sẻ xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược và chia sẻ kiến thức về các khái niệm logistics phức tạp như quy định hải quan và thiết lập chuỗi cung ứng.

Ngoài việc hợp tác với SheTrades, UPS cũng đã thành lập Chương trình Nữ Xuất khẩu cho phép doanh nhân nữ tiếp cận với các thông tin, báo cáo và đối tác độc quyền của UPS, đồng thời kết nối họ với các chuyên gia tư vấn của UPS nhằm tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và tối ưu hóa phạm vi tiếp cận toàn cầu của doanh nghiệp.

Cả 2 chương trình SheTrades và Chương trình Nữ xuất khẩu của UPS đều được phát triển hướng đến mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh về mặt kỹ thuật và khả năng hội nhập thương mại của các DNVVN do nữ làm chủ. Dự án hoạt động ở cấp quốc gia với các hoạt động đa dạng và ở cấp độ toàn cầu thông qua việc cung cấp các mô-đun đào tạo trực tuyến.

Trong năm 2021, chương trình SheTrades tại Việt Nam đã ghi nhận các kết quả tích cực. Theo số liệu thống kê, đã có 478 nữ doanh nhân được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, 2,45 triệu USD thu được từ các cơ hội kinh doanh và đầu tư, và 91% người tham gia cho biết khả năng phục hồi kinh doanh đã được cải thiện. Ngoài ra, 40 nữ doanh nhân cũng đã được huấn luyện 1-1 về cách tiếp cận tài chính, xây dựng chiến lược và năng lực cạnh tranh cũng như cách tận dụng các hiệp định thương mại tự do.

Buổi tập huấn quản lý tài chính năm nay đã thu hút khoảng 70 nữ lãnh đạo của các DNVVN. Ngoài việc nhận được sự hướng dẫn từ UPS, các nữ doanh nhân còn được giới thiệu với các tổ chức tài chính như SeABank, VPBank và Chailease để tiếp nhận kiến thức về các chủ đề như hiểu biết tài chính, tiếp cận nguồn vốn, duy trì hoạt động sản xuất và thu mua.

“Hai chương trình SheTrades và Chương trình Nữ xuất khẩu của UPS đã trao quyền cho nhiều phụ nữ phát triển doanh nghiệp của mình thông qua thương mại quốc tế. Tại sự kiện này, chúng tôi tập trung vào cách làm thế nào để giúp các DNVVN hiểu được bối cảnh vay vốn ở Việt Nam, xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số của ngành và kết nối tài chính nhằm đảm bảo các DNVVN do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam có những công cụ cần thiết để phát triển trên toàn cầu”, bà Đỗ Thị Đan Thanh cho biết thêm.

Trong năm nay, UPS sẽ tổ chức thêm hai buổi tập huấn dành cho DNVVN tại Việt Nam gồm workshop “Sẵn sàng kinh doanh” tại Hà Nội và buổi tập huấn trực tuyến “Chuyển đổi Kỹ thuật số trực tuyến” để các chủ doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp thu kiến thức và tiếp cận các nguồn lực hơn qua việc kết nối với các chuyên gia của UPS. Hơn thế nữa, SheTrades và Quỹ UPS cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong hành trình thương mại quốc tế của họ vào thương mại toàn cầu.

Z.N.M

 

 

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc