1. Luôn xem con “đã lớn”!
Trong mắt mọi bà mẹ, con mình lúc nào cũng… nhỏ! Con 5 tuổi, bạn nghĩ “con bé tí biết gì”. Con 10 tuổi, bạn cho rằng “nó nhỏ xíu vậy làm sao làm được mấy chuyện nặng nề như nấu cơm, quét nhà, dọn rửa”. Con 15 tuổi, bạn nghĩ “tuổi con mình lo học đã là may”. Đến khi con 18 tuổi, sắp ra trường, bạn vẫn còn đích thân đưa đón con đi học hàng ngày vì “con coi lớn vậy chứ… tồ lắm, tự chạy xe ngoài đường nguy hiểm quá”!
Cứ thế, bạn hạn chế mọi hoạt động của con vì không tin con đủ sức làm được. Bạn không tin con làm được, thì sao con dám tin ở bản thân mình! Trẻ nghiễm nhiên hưởng thụ sự chăm sóc, sự làm thay của mẹ, vì cho rằng đó là việc “con không đủ sức”.
Con bao nhiêu tuổi thì nên xem là “đã lớn”? Thực tế, cách suy nghĩ xem con “đã lớn” này cần ứng dụng từ lúc con… 7 tháng tuổi trở đi. Hãy đưa cho con một chiếc muỗng và những món ăn dặm phù hợp, để con tự xúc ăn, tự bốc thay vì mẹ làm cho từ đầu đến cuối. Bé làm tung tóe thức ăn, bôi bẩn khắp mặt mày tay chân ư? Có sao đâu! Khi đã được thử, bé sẽ dần dần tự rèn luyện cho mình khéo léo hơn từng chút, từng chút một.
Hãy để con được đối xử như “người lớn”, tin tưởng cho con thử mọi việc và theo dõi, giám sát nhưng không ngăn cản (nếu bạn thấy việc đó đủ an toàn cho con). Bạn có tin một đứa trẻ 5 tuổi đã có thể rửa chén thay mẹ không làm vỡ cái chén nào không? Bạn có tin một đứa trẻ 8 tuổi biết vo gạo, chắt nước, canh nước chính xác để nấu một nồi cơm? Bạn có tin một đứa trẻ 10 tuổi biết quét nhà, lau nhà, lặt rau, tự tắm cho mình, tự gấp chăn, dọn phòng riêng? Ồ, bé hoàn toàn có khả năng làm tất cả những việc đó, nếu được mẹ liên tục khuyến khích rằng “con đã lớn!” và hướng dẫn cặn kẽ, tạo điều kiện cho bé được làm.
2. Cho con ngủ riêng, có phòng riêng càng sớm càng tốt!
Ngủ riêng và có phòng riêng là một “cột mốc” quan trọng trong cuộc đời của bé. Nó là “bằng chứng” cho sự tự lập, giúp bé thật sự hiểu rằng mình đã “lớn” rồi. Ở các nước phương Tây, trẻ được cho ngủ riêng từ vài tháng tuổi. Bạn có thể áp dụng trễ hơn một chút, song đừng để quá 2 tuổi. Trên 2 tuổi, con cần thích nghi dần với chuyện ngủ riêng, rằng mình đã lớn rồi.
Khi ngủ riêng, bé sẽ “bản lĩnh” hơn, biết tự xoay xở, biết thích nghi với chuyện mình chỉ còn “một mình” ở trong phòng. Ban đầu, bạn có thể ở bên con một lúc cho đến khi con ngủ. Sau đó, cần rút ngắn thời gian “bên cạnh” này, đến lúc có thể chúc con ngủ ngon, hôn con một cái và ra khỏi phòng ngay.
Khi trẻ được 3 tuổi trở lên, cần hướng dẫn cho trẻ cách “chăm sóc” giường ngủ, phòng ngủ của mình. Ví dụ bạn gấp chăn cho con thì hướng dẫn con xếp gối ngay ngắn lên đầu giường. Bạn lau phòng thì hướng dẫn con nhặt các đồ chơi còn trên mặt sàn đặt ngay ngắn về đúng chỗ. Càng lúc, bạn càng giao nhiều việc cho con hơn, hướng dẫn con cách gấp chăn, cách giữ phòng ngăn nắp. Đến 5-6 tuổi, bé đã có thể quen thuộc với “giang sơn” của mình và biết cách “quản lý”, “chăm sóc” phòng riêng, giường ngủ.
3. Việc nhà không phải là… việc-của-mẹ!
Rất nhiều bà mẹ “úm” con, không cho con động tay vào bất cứ việc nhà nào. Gia đình có điều kiện thì lại thuê mướn người giúp việc, và càng hình thành cho trẻ ý nghĩ rằng việc nhà là việc trẻ không cần mó tay vào.
Mẹ làm thế vì muốn con mình… “sướng”! Song, kỳ thực khi bạn không tập cho trẻ thói quen làm việc nhà, cho rằng con chỉ cần học giỏi là tốt lắm rồi, sợ con cực, sợ con mệt… vô tình bạn đã tước mất của trẻ rất nhiều kỹ năng sống quan trọng.
Hãy nhớ, ở các nước phát triển, dù điều kiện sống tốt hơn ta rất nhiều, nhưng bất kỳ đứa trẻ nào cũng được hình thành thói quen chia sẻ việc nhà. Trẻ học cách quét dọn, lau chùi, rửa xe đạp mi ni của mình, dọn dẹp phòng, nấu ăn một số món đơn giản, rửa chén… Lưu ý rằng đây là việc cả bé trai lẫn bé gái đều cần học chứ không riêng bé gái đâu, bạn nhé! Hãy hình dung, nếu bạn vắng nhà vài ngày, nếu bạn cho con đi du học… ai sẽ giúp con làm những việc ấy?
Ngay từ khi con khoảng 3-4 tuổi, bạn đã có thể bắt đầu hướng dẫn con làm việc nhà. Đơn giản thì là gấp quần áo của trẻ, phụ mẹ sắp xếp rau vào tủ lạnh. Khó hơn là dọn chén lên bàn ăn, nhặt rau cho mẹ. Khó nữa là rửa chén bát cho sạch, học cách nấu cơm, nấu những món đơn giản… Con lớn dần thì bạn tăng dần “thử thách” lên. Nên nhớ, biết làm việc nhà chính là một “kỹ năng sống” mà trẻ cần phải học. Bạn để con thử cũng chính là đang giúp con trong quá trình rèn luyện sự tự lập của mình!
4. Dạy con tự chăm sóc bản thân
Đây là một phần rất quan trọng mẹ không thể bỏ qua. Từ rất sớm, hãy dạy con cách tự rửa tay, cách tự đánh răng, lau mặt. Nên nhớ, bé 2-3 tuổi đã có thể làm những việc này thành thạo nếu được bố mẹ hướng dẫn cặn kẽ rồi. Khi con được 3 tuổi, nên để cho con tự quyết định chọn bộ quần áo nào mặc ngày hôm đó (trong số những bộ bạn đưa ra). Dạy con biết để giày dép đúng nơi quy định và học cách tự mang giày đúng bên.
Khoảng 3 tuổi, bé đã cần biết cách tự xúc ăn thành thạo, tự ăn hết khẩu phần của mình, tự “dỗ” mình ngủ trưa. Bạn chỉ nhắc nhở, theo dõi, chứ không nên làm thay cho trẻ. Khi trẻ muốn mặc một chiếc áo, hãy để con tự xoay xở mặc, sau đó mới hướng dẫn từng bước cho con cách mặc thế nào là đúng, gài nút áo ra sao…
5. Sớm dạy con cách quản lý tiền
Rất nhiều bà mẹ không muốn cho con đụng đến… tiền vì sợ con sẽ “hư”. Tuy nhiên, kỳ thực là chỉ khi bạn để con “tự phát”, con cảm thấy cần tiền (một cách không định hướng) mà không có tiền, thì mới nảy ra những chuyện sai trái như: Lén lấy cắp tiền của bố mẹ, lén mang tiền đi mua đồ chơi, lén mua bánh kẹo…
Việc dạy con sớm biết cách quản lý tiền là một phần của quá trình dạy con tự lập. Đừng ngần ngại với điều đó. Hãy bắt đầu bằng một con heo đất mua cho trẻ. Mỗi ngày, bạn có thể cho con một ít tiền tiêu vặt, hướng dẫn con bỏ tiền vào “ống heo”. Cho con biết tiền được sử dụng để mua sắm các vật dụng cần thiết, và chúng ta “cực khổ” thế nào để kiếm ra tiền, nên cần phải sử dụng chúng đúng cách.
Con được 5-6 tuổi, bạn có thể “quy đổi” một số việc mà bé tham gia thành một khoản tiền “công” cho bé dành dụm. Chẳng hạn, bạn có thể hướng dẫn con cùng dọn dẹp nhà, phân loại các chai lọ cũ ra để “bán ve chai” và cho bé khoản tiền bán được đó để bé cho vào heo đất.
Con được 6 tuổi, bạn có thể ngồi bàn bạc với con một cách nghiêm túc, xem khi “mổ” heo đất, con sẽ sử dụng tiền để làm những việc gì cho tốt nhất. Cứ để bé nói ra ý kiến của bé và phân tích, định hướng cho con. Một đứa trẻ được định hướng tốt, biết sự khó nhọc để kiếm ra tiền thú vị thay, lại không hề phung phí và xài tiền vào những việc sai trái như các bà mẹ vẫn hằng lo lắng!
Một số việc trẻ cần làm được theo độ tuổi
Độ tuổi | Việc trẻ có thể làm |
2-5 tuổi | Dọn dẹp đồ chơi.
Treo nón và quần áo của trẻ lên móc. Giúp lau sạch vết nước đổ. Dọn dẹp chén dĩa sau khi ăn. Lau chùi bàn ghế. Tập xách một số món đồ khi đi siêu thị. Tự đánh răng, rửa tay, tự xúc ăn, tự mang các loại giày dép đơn giản. |
6-8 tuổi | Tự buộc dây giày ba ta.
Bắt đầu thực hiện kế hoạch học tập đơn giản. Bắt đầu quản lý tiền tiêu vặt. Giúp bố mẹ quét lá ngoài sân. Quét và lau phòng riêng. Giúp bố mẹ phơi quần áo, gấp quần áo và phân loại vào đúng ngăn tủ. Xếp mền gối ngay ngắn sau khi ngủ dậy. Đi đổ rác. Lặt rau, đánh trứng, thu xếp đồ đã mua từ siêu thị vào đúng nơi trong bếp. Canh nước cho nồi cơm. Tự tắm rửa, gội đầu, vệ sinh thân thể một cách sạch sẽ. |
9-12 tuổi | Thực hiện kế hoạch học tập chi tiết.
Hoàn thành bài tập về nhà một cách độc lập. Quản lý tiền tiêu vặt một cách thành thạo. Tự tiết kiệm tiền. Giúp bố mẹ trông em. Phụ mẹ chuẩn bị một bữa ăn đơn giản (bé làm được trên 70% phần việc). Sử dụng nồi cơm điện. Sử dụng máy giặt và máy sấy. Tự cắt gọt trái cây một cách an toàn. |
Theo Mẹ & Con/mevacon.com.vn