Trung tâm Kiểm soát & Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa giới thiệu 10 câu hỏi ngắn gọn liên quan đến căn bệnh này.
1. Bệnh viêm não Nhật Bản là gì?
Viêm não Nhật Bản (Japanese encephalitis), gọi tắt JE là căn bệnh nhiễm virus lây lan qua loài muỗi Culex tritaeniorhynchus đã nhiễm bệnh, nhất là ở khu vực châu Á và vùng Tây Thái Bình Dương, gây tổn thương đến hệ thần kinh trung ương.
Sở dĩ có tên bệnh viêm não Nhật Bản là do được phát hiện thấy tại Nhật Bản, với dấu hiệu viêm não-màng não tuỷ, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong rất cao.
Được phát hiện lần đầu vào năm 1935 bởi các nhà khoa học Nhật Bản, thủ phạm là do virus Japanese encephalitis, chính xác hơn là virus Flavivirus (arbovirus nhóm B) do muỗi hút máu vật chủ như lợn và chim sau đó truyền sang cho con người.
2. Viêm não Nhật Bản phát triển mạnh nhất ở đâu?
Bênh JE phát triển mạnh nhất ở khu vực châu Á và vùng Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nông nghiệp, thường gắn liền với việc canh tác trồng lúa. Tại khu vực ôn đới của châu Á, nó thường phát triển theo mùa, đỉnh điểm là mùa hè và mùa thu. Tại vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới, bệnh phát triển quanh năm nhưng đỉnh điểm là mùa mưa.
3. Từ khi bị muỗi cắn đến khi phát bệnh mất bao thời gian?
Trung bình 5 đến 15 ngày kể từ khi muỗi đốt người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng.
4. Các triệu chứng chính viêm não Nhật Bản?
Hầu hết những người bị nhiễm thường có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Ở những người bệnh nặng, triệu chứng ban đầu gồm sốt, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Sau đó tiến triển bệnh viêm não kèm theo co giật. Ở một số trường hợp còn xuất hiện tình trạng hôn mê và tê liệt.
5. Làm thế nào là chẩn đoán được bệnh viêm não Nhật Bản?
Chẩn đoán dựa trên việc kết hợp các dấu hiệu lâm sàng và triệu chứng cũng như làm các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu hoặc dịch não tủy để tìm ra các kháng thể mà hệ miễn dịch dùng để kháng lại quá trình nhiễm virus.
6. Điều trị viêm não Nhật Bản như thế nào?
Cho đến nay không có liệu pháp đặc trị. Bệnh nặng sẽ được áp dụng liệu pháp hỗ trợ, bao gồm cả việc nhập viện, hỗ trợ hô hấp và truyền dịch.
7. Cần làm gì khi gia đình có người mắc bệnh viêm não Nhật Bản?
Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Cần chẩn đoán đúng bệnh mới có phương pháp điều trị thích hợp.
8. Làm gì để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh?
• Bệnh viêm não Nhật Bản là căn bệnh do muỗi đốt động vật mang bệnh như lợn, chim rồi truyền sang cho cho người.
• Sử dụng thuốc chống côn trùng, thuốc diệt muỗi, mặc quần áo dài để ngừa muỗi đốt
• Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng trại sạch sẽ, loại bỏ các ổ bọ gậy.
• Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp diệt muỗi, không cho trẻ em chơi ở những nơi tối tăm, gần chuồng gia súc đề phòng tránh muỗi đốt.
9. Ai nên tiêm phòng vắcxin viêm não Nhật Bản?
• Vắcxin viêm não Nhật Bản được khuyến khích dùng cho du khách đi du lịch ít nhất 1 tháng trong mùa hè tới những vùng có nguy cơ phát triển bệnh cao.
• Khách du lịch đến một vùng có dịch phát triển liên tục.
•. Tiêm vắcxin đầy đủ và đúng lịch với 3 liều cơ bản cho nhóm trẻ dưới 15 tuổi, gồm mũi 1 khi trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần và mũi 3 cách mũi 2 khoảng 1 năm. Sau đó cứ 3 đến 4 năm lại tiêm mũi nhắc lại cho đến khi trẻ qua tuổi 15.
10. Tác dụng của phụ của tiêm phòng viêm não Nhật Bản?
Đau và khó chịu cục bộ tại chỗ tiêm là những triệu chứng thường gặp. Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác như nhức đầu, đau cơ và mệt mỏi. Nếu xuất hiện những phản ứng phụ nghiêm trọng thì nên báo ngay cho bác sĩ biết hoặc đưa người bệnh tới các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ, điều trị kịp thời.