Một thầy giáo nghẹn ngào viết đơn xin ra khỏi biên chế vì “nghề này bạc bẽo quá”. Còn vị trưởng công chức xã nọ xin nghỉ việc vì đồng lương ít ỏi, vợ đòi ly hôn. Họ, đều cực chẳng đã mới phải đổi nghề.

Có lẽ với lớp trẻ bây giờ, việc đổi nghề, chuyển chỗ làm không phải chuyện gì to tát. Nhiều em còn coi đó là bước nhảy thiết yếu để tích luỹ kinh nghiệm, trưởng thành và gây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng với những ai đã chọn nghề theo đam mê và đã gắn bó lâu dài với một cơ quan/đơn vị đó thì chuyện thay đổi công việc chỉ xảy ra khi rơi vào bước đường cùng, hoặc ngọn lửa bên trong họ đã lụi tàn từ lâu.

Thống kê trên facebook cá nhân tôi, ngoại trừ các xì-căng-đan vốn là đặc sản của giới showbiz, hai câu chuyện được chia sẻ nhiều nhất trong tuần là quyết định từ bỏ nghề của hai người đàn ông: Một người là giáo viên dạy Văn ở Quảng Ninh, thâm niên đứng trên bục giảng đằng đẵng 16 năm, một người là Trưởng công an xã ở Hà Tĩnh, suốt 13 năm làm công an xã. Thầy giáo nghẹn ngào viết đơn xin ra khỏi biên chế vì “nghề này bạc bẽo quá”. Vị Trưởng công an xã xin nghỉ việc vì đồng lương ít ỏi, vợ đòi ly hôn.

Trước đấy, hàng loạt cán bộ cơ sở đã xin thôi việc với cùng một lý do: Lương thấp, áp lực cao. Câu chuyện cải thiện chế độ tiền lương, đãi ngộ đi liền với tinh giản bộ máy chưa bao giờ hết “nóng”…

Đa chiều - Sống bằng nghề

Trưởng công an xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) xin thôi việc vì thu nhập thấp, “không đảm bảo được cuộc sống gia đình”. Ảnh: Lao động.

 Tôi đứng ngoài nghiền ngẫm thông tin, chưa kịp buồn đã phát bực vì sự phán xét của cộng đồng mạng, rằng mọi lý do chỉ là nguỵ biện. Rằng cả hai phải biết hy sinh lợi ích cá nhân khi điều kiện ngân sách khó khăn. Rằng chẳng có nghề nào bạc bẽo nếu anh có đủ quyết tâm, năng lực. Dĩ nhiên là những lời khuyên (hay nói chính xác hơn là đòi hỏi) này không sai, hơn nữa còn vẽ lên một hình mẫu hoàn hảo để mọi cán bộ, công chức, viên chức noi theo.

Bởi nếu ai cũng làm việc theo phương châm đó, thì tham nhũng, chạy chức, chạy quyền… mãi mãi chỉ là nguy cơ, chứ không thể trở thành vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Và những đại án kinh tế làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tài sản Nhà nước, doanh nghiệp vĩnh viễn chỉ nằm trong phim, chứ không thể leo ra ngoài đời thực rồi khiến những “con rối” phải bật khóc nức nở trước toà.

Nói vậy để thấy rằng, tinh thần trách nhiệm, sự tử tế của người lao động nhiều khi không nằm ở quyết định ở lại hay ra đi mà được bộc lộ xuyên suốt quá trình làm việc. Sự thực là, hai người đàn ông kể trên đã có hàng chục năm làm việc và cống hiến. Các bạn nói hai người đàn ông ấy thiếu tình yêu ngành/nghề, vậy hãy cho tôi biết điều gì đã gắn kết họ với công việc trong từng ấy năm, với đồng lương chưa phù hợp với thực tế cuộc sống. Nên nhớ rằng, tình trạng không sống nổi bằng nghề xảy ra ngay ở cả những ngành nghề đòi hỏi nhiều chất xám.

Đành rằng muốn làm gì cũng phải có đam mê, nhưng đến một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra rằng đam mê không thể đổi thành gạo, tiền hoặc thậm chí là những mưu cầu đơn sơ, giản dị nhất. 

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. 

Theo Trương Chi/ nguoiduatin.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc