Trong những ngày đầu Zaha Hadid viễn du vào một thực cảnh khác, dư luận thế giới đã dành cho bà những tình cảm thật đặc biệt.
“Chúng ta chỉ thực sự lĩnh hội được không gian kiến trúc của Zaha khi thoát khỏi trái đất. Khi ấy, mọi điểm tựa vốn có, từng góc nhìn chuẩn mực, kinh điển đều trở nên vô nghĩa”
Tờ The Guardian thì dùng từ “dull” (nhàm chán, tẻ nhạt, đơn điệu, thiếu sáng tạo, không có gì đặc sắc, không đặc biệt, không màu, thiếu sức sống, vô vị, khô, cũ, tầm thường, mờ nhạt, chán ngắt, mệt mỏi… ) để mô tả thế giới kiến trúc khi thiếu vắng Zaha Hadid.
Rem Koolhaas – người thầy, người bạn, người đã “đốt cháy tham vọng” của Zaha Hadid từng bày tỏ: “Bất cứ ai gặp Zaha Hadid sẽ bị tấn công bởi sự kết hợp của vẻ đẹp và sức mạnh nội tâm, ý chí. Thực sự thú vị khi bà ấy có thể biến sự nhạy cảm, đa cảm, cùng những thẩm mỹ phức tạp của mình trở thành một lý thuyết, một xu hướng”.
Trung tâm nghệ thuật trình diễn Abu Dhabi
Khác với cách mà báo chí và những người nổi tiếng, rất nhiều người bình thường sẽ có lối cảm nhận riêng về một hiện tượng Zaha Hadid. Họ lặng lẽ lần tìm những năm tháng mà bà đã đi qua.
Họ lướt qua những tác phẩm kiến trúc mang dấu ấn của phong cách Tân hiện đại, giải kết cấu hay thuật toán, những dấu mốc mà Zaha Hadid để lại trong hành trình loài người nhìn nhận lại không gian mình đang sống.
Đó không giản đơn là vật dụng, đồ dùng, công trình hay tác phẩm. Ngay cả những dấu vết nhỏ bé nhất, hình như Zaha Hadid cũng đã hé mở một góc mới trong trí tưởng tượng vô cùng phong phú về nơi chốn mà họ tồn sinh.
Bà thì thầm: Thế giới 360 độ sao chỉ chọn một góc nhỏ? Bà khích lệ họ không ngần ngại khi đi tới tương lai bằng chính những dự cảm, linh cảm khác biệt nhất.
Dongdeamun Design Plaza, Hàn Quốc – Ảnh: XUÂN BÌNH
Chiếc bàn Liquid Glacial Coffee
Trung tâm nghệ thuật đương đại Rosenthal Lois & Richard
Có lẽ câu nói nổi tiếng đó cũng đã xui khiến những nhà thiết kế thời trang tinh tế tiếp tục luận bàn về chiếc nhẫn mặt sapphire đen rất lớn của Zaha Hadid.
Trong những dịp đặc biệt, trang sức cùng bộ thời trang bằng lụa đen bóng, Zaha Hadid đã phóng chiếu mặt ngọc ở một kích cỡ khác để trở thành một ám ảnh, một biểu tượng độc nhất vô nhị.
Ngọc đen hẳn là một quà tặng quý báu của tự nhiên. Với một người phương Đông, mặt ngọc đen, màu đen đặc biệt tương hợp, tương sinh với người đàn bà mệnh thủy. Với một người Iran, mặt ngọc đen thật giống như dấu chấm không thể thiếu của chữ Z (Zaha) hay các ký tự trong thư pháp Hồi giáo (Islamic Calligraphy).
Khi Zaha Hadid xuất hiện, đối thoại, tương tác với chung quanh, mặt ngọc đen như hội tụ rồi lan tỏa sức mạnh, quyền lực bí ẩn. Năng lượng ấy luôn ẩn chứa trong đôi mắt của một người đàn bà Trung Đông.
Và nếu phải bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất, chắc hẳn những người đàn bà sành điệu đã một lần trót dừng chân ở Unite Nude, Bảo tàng Mỹ thuật Pushkin ở Moscow hay cửa hàng L’eclaireur, ở 40 Sévigné, Paris… sẽ còn nhiều lần nhắc đến mẫu giày Nova.
Nova được đúc trên khuôn xoay, trong môi trường chân không và phủ crom óng bạc. Khi qua bàn tay Zaha, đó không còn là một vật dụng tĩnh lặng. Nó mô tả những chuyển động của tự nhiên và như trồi lên từ mặt đất để ôm ấp đôi bàn chân.
Cảm xúc và ý thức này từng được Zaha mô tả, trình diễn trên mẫu giày Melissa. Nhưng ở một phối cảnh nhận thức khác, khi Nova tạm định hình, đôi giày hiển hiện như những vỉa tầng địa chất vừa dừng loang chảy cách đây hàng tỉ năm.
Những kiến tạo địa chất này vẫn còn đó trong các công viên địa chất, công viên đá Hà Giang hay những tạo hình kỳ ảo ở Hạ Long… Đó là mẫu giày thoát bỏ mọi chuẩn mực cũ để chạm tới một ý niệm về cái đẹp ẩn sâu trong mọi chuyển dịch của sáng tạo, thiên tạo.
Mobile Art Chanel Contemporary Art Container
Bảo tàng Nghệ thuật thế kỷ XXI Rome
Những nhà thiết kế nội thất siêu tưởng chắc hẳn sẽ thích ngắm nhìn chiếc bàn Liquid Glacial Coffee. Họ sẽ luôn tìm kiếm điều gì đó ẩn giấu sau những chuyển động, loang chảy, vặn xoắn vốn chỉ được trực giác từ những cơn dông, trận bão hay hiện tượng vòi rồng.
Mỗi khi người quan sát chuyển động, chiếc bàn hấp thụ, phản quang, tự đổi thay, biến ảo. Cũng có người dõi theo từng góc chân bàn Aqua để tưởng tượng về những giọt nước vương dưới mái hiên, dưới lá cây hay trong một vòm hang đá.
Những giọt nước tích tụ, dồn, ứ, căng ra. Trước khi rơi vỡ, những giọt nước kịp vẽ nên trong đáy mắt Zaha những chuyển động, những nét cong mềm, những ẩn dụ về một bầu vú, một nguồn sống…
Với các kiến trúc sư, hành trình tìm đến một không gian Zaha Hadid chắc hẳn phải tốn kém hơn cả về thời gian, sức lực, cảm xúc và nhận thức.
Nếu có thể, họ buộc phải đi tới và thưởng lãm từ những chiếc hộp kỳ diệu Phaeno, Trung tâm nghệ thuật đương đại Rosenthal Lois & Richard hay Bảo tàng Nghệ thuật thế kỷ XXI Rome cho đến những tác phẩm được vẽ bởi trí tưởng tượng như Trạm đường sắt Nordpark, Innsbruck, Áo, Trung tâm nghệ thuật trình diễn Abu Dhabi, Al Wakrah Stadium, Mobile Art Chanel Contemporary Art Container, Dongdeamun Design Plaza, Hàn Quốc hay Nhà hát Opera Quảng Châu Trung Quốc…
Cũng giống như chiếc nhẫn, đôi giày, cái bàn, những tác phẩm kiến trúc lớn rộng hơn của Zaha Hadid dần khước từ các chuẩn mực truyền thống về tường, cột, trần, kết cấu. Nó kế tiếp các nguyên tắc của Mies van der Rohe và Le Corbusier.
Bằng tất cả những nỗ lực, bản lĩnh khác thường, Zaha tổ hợp lại những giá trị vốn có để kiến tạo chúng trở thành “một thứ chất lỏng mới, một loại không gian mới”.
Kỳ lạ là Zaha không dừng lại ở những tinh tế đàn bà, những bí ẩn trong thế giới biểu tượng Ả Rập cũng như phép biểu đạt của phép thuật toán cùng các góc nhìn đa diện của hình học phân mảnh. Zaha mô tả, mô hình hóa một quỹ đạo thiết kế mới cho chính mình.
Nhà hát Opera Quảng Châu Trung Quốc (2 hình trên)
Nói như A.Gaudi, kiến trúc của Zaha Hadid đã vượt lên, chạm tới những “đường cong của Chúa trời”. Có lẽ bởi thế mà Zaha Hadid trở thành một hành tinh khác biệt trong không gian sáng tạo của con người.
Và bây giờ, khi nhắm mắt, xuôi tay, bà chấp nhận mình như là một vệ tinh mới trong một vũ trụ đầy quyền năng, không khởi đầu, không kết thúc.
BÀI – TỔNG HỢP ẢNH & TƯ LIỆU: XUÂN BÌNH
Nguồn: Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp