Cháu cứ tìm kiếm một thanh niên như vậy nhưng làm gì có người thứ hai. Mà giả dụ, cháu nói với lòng mình, nếu có mà người ta cũng thương tật tàn phế thì cháu có yêu không, có dám không?
Cô kính mến!
Cháu viết thư này trong tâm trạng bức xúc cho thế hệ mình chứ không phải chuyện riêng của cháu. Cô ơi, cháu năm nay không còn cái tuổi hét lên hay rống lên khi gặp thần tượng. Nhưng cháu hiểu cảm giác cần có thần tượng là như thế nào.
Lúc đó cháu học lớp 5, cháu 11 uổi. Cháu không thích bạn cùng lứa, cũng không kính trọng sâu sắc một thầy cô nào. Cháu cứ như vậy cho tới khi tốt nghiệp THPT luôn đó cô. Cháu thấy môi trường giáo dục bây giờ đa số thầy cô dạy cho hết giờ, xong tiết, kiếm cách làm thêm, vậy thôi. Cháu chưa lúc nào thấy yêu trường, yêu lớp, yêu sách giáo khoa cả.
Nhưng cháu có thần tượng một người. Người này không dính gì tới giáo dục mà vợ của người này mới liên quan. Cô dạy tiểu học, cũng bình thường thôi, không đẹp, không hết mình với trường lớp lắm. Cô có người chồng thương tật cô ơi. Chú ấy ở một xã khác, lớn hơn cô giáo chừng 7 tuổi, được người ta mai mối cho cô với chú cưới nhau. Cô là gái ế, ở chỗ cháu, cỡ ba mươi mà chưa có mối nào là ế. Chú về ở bên nhà vợ sau khi cưới, nhờ vậy mà cháu mới tiếp xúc với chồng của cô giáo tiểu học của mình. Chỉ một năm thì cháu lên cấp 2, học trên xã, xa nhà hơn mấy cây số. Lên cấp ba thì mới ra thị trấn xa hẳn.
Đó là một người đàn ông bị thương ở cột sống, hai chân teo phải đi gậy. Chú ấy rất phong độ, nếu ngồi thì cô không biết là người bị tàn phế đâu. Chú làm thợ mộc, rất giỏi, rất khéo, đóng đồ, cất nhà, lại còn biết đàn ghi-ta. Từ lúc 11 tuổi đến giờ, cháu chưa thấy ai đàn ông hơn, đẹp hơn, tốt hơn, giỏi hơn chú ấy. Vô cấp II, đi xe đạp lên xã học, cháu thường ghé qua nhà cô giáo lớp 5 rồi mới về nhà, ghé để âm thầm chiêm ngưỡng thần tượng của mình đó cô. Thời gian đó cháu như được uống thuốc bổ mỗi ngày, cháu học giỏi nhất lớp, thấy mình như khôn hơn các bạn nhờ xem và nói chuyện với chú ấy.
Cháu cứ tìm kiếm một thanh niên như vậy nhưng làm gì có người thứ hai. Mà giả dụ, cháu nói với lòng mình, nếu có mà người ta cũng thương tật tàn phế thì cháu có yêu không, có dám không? Có lẽ cháu khác thường nên cháu thấy các bạn trẻ bây giờ rất dễ thần tượng với ai đó đẹp mã, giàu có, nổi tiếng, tài năng trong giới showbiz hay doanh nghiệp. Cháu không rung động dễ dàng như họ. Từ chỗ dễ dàng họ cũng đánh mất danh dự, văn hóa và tư cách nữa, sao vậy cô? Như cháu thần tượng một người đi gậy thì có kỳ cục không cô? Cháu cũng có bằng đại học, đang đi làm, cháu cũng thích lướt net, chơi facebook, vì vậy mà cháu thấy chán thế hệ trẻ hơn cháu ấy. Một hiện tượng xã hội cá biệt của mình hay thế giới cũng vậy cô?
———————
Cháu thân mến!
Lá thư rất thú vị, cô như nghe được mùi thơm của cái gì thật truyền thống, nền nã, sâu sắc.
Trước hết cô nói về nhu cầu thần tượng. Hầu như nó là nhu cầu vừa tinh thần vừa bản năng của con người, để thấy chúng ta khác con vật chỗ đó. Cáo có thần tượng không, sư tử, cọp, linh cẩu? Chắc chắn không nhưng khỉ, voi… thì lại khác à nha, đơn cử hai loại thú gần gũi với tính người để thấy bầy đàn mạnh và ăn uống thanh cảnh lại có đầu đàn hay, chúng sợ kỷ luật mà chúng cũng rất ngưỡng mộ lãnh đạo của chúng. Con trai hay thần tượng một người khác giới lớn tuổi hơn và người đó là hình mẫu người vợ tương lai của họ, thường là người cô, người chị ấy hay, đẹp và dễ làm bạn tâm tình. Con gái như cháu, thần tượng một người, cháu không ngoại lệ, người ấy cũng lớn tuổi, giỏi, hay và tử tế.
Các bạn trẻ hơn cháu, tuổi teen chẳng hạn hay thần tượng người trong hai giới cháu đơn cử, showbiz và doanh nhân, là vì thời buổi toàn cầu, thế giới phẳng, thông tin đến với họ hàng ngày một cách dễ dàng. Nhu cầu thần tượng mãnh liệt, vừa khít với những hiện tượng ập vào mắt vào tai họ mà lại không việc gì phải kềm chế nên họ lên đồng ngay. Và họ đông, hình thành một đám đông dữ dội mà hội chứng đám đông cháu biết rồi đó, rất dễ làm những việc phát sốt, phát rồ, phát dại. Nhưng đâu phải tất cả, đa số vẫn như cháu như cô chứ, họ chọn lọc, họ kỹ lưỡng nếu không thì cả nước mình phát cuồng à?
Cô cũng từng thần tượng những người chú, người anh không một tì vết trong tư cách. Người thì hy sinh, liệt sĩ, người thì đã xa như những người bạn cách xa nhưng luôn nghĩ về nhau một cách trang trọng, ấm áp. Cháu không dị thường, không cá biệt, không ngoại lệ, đừng lo. Cháu định nghĩa đúng những năm cấp II của mình, cháu thần tượng đúng người nên cháu thấy mình lớn lên, khôn ra, giỏi hơn và như được uống thuốc bổ mỗi ngày. Rồi cháu sẽ già, người chồng của cô giáo sẽ già hơn nữa, nhưng tình cảm thiêng liêng ấy sẽ được cháu giữ yên trong lòng như báu vật. Cháu sẽ nhớ quê với cảm giác lâng lâng khi còn người ấy, cho dù sau này không còn nữa, thì đó là những hình ảnh làm cho hai chữ quê nhà trong cháu dậy hương.
Nhưng đừng so sánh người đó với người mình sẽ yêu, sẽ gọi là chồng. Tình cảm với thần tượng sẽ cho cháu định hướng đúng. Làm sao có hai người giống hệt nhau, không bao giờ. Vì vậy mà yên tâm chọn, tìm hiểu và yêu đi nhé, kẻo ế như cô giáo của mình.