Hơn 77% đời sống hoang dã đã bị mất đi kể từ khi con người xuất hiện trên trái đất này. May mắn thay, công viên quốc gia Yellowstone vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn một hệ sinh thái đa dạng và đặc trưng của động thực vật miền ôn đới.

Tiến về Yellowstone

Chúng tôi mất hai ngày để di chuyển từ thành phố Tacoma, bang Washington đến cửa ngõ phía Tây của Yellowstone nằm ở bang Montana. Quãng đường lẽ ra chỉ mất gần 4 giờ bay, nhưng gia đình tôi chọn đường bộ (road trip) vì muốn tận hưởng mùa hè tuyệt đẹp trải dài qua các bang của nước Mỹ. Quả thật địa hình đa dạng với cảnh quan biến đổi liên tục bên ngoài cửa kính xe khiến tôi chẳng dám ngủ quên vì sợ bỏ qua những khoảnh khắc diệu kỳ.

Đó có thể là một đồng cỏ vàng với vài mái nhà nằm chơ vơ trong nắng chiều ở vùng hồ Moses Lake, có thể là một ngôi làng soi bóng dưới mặt hồ trong xanh vùng biên giới phía đông nam Idaho, có thể là những thung lũng trù phú chạy dài theo dãy Rocky Mountain ở Madison County (mà tôi cứ ngỡ Quận Madison với những cây cầu gỗ có mái che trong tiểu thuyết. Cứ mỗi một 100 dặm, chúng tôi lại được bước vào một khung cảnh thiên nhiên mới, biến chuyển hài hoà với địa hình và khí hậu. Chặng đường hơn 15 giờ trên chiếc mini van nhờ thế mà trở nên dễ chịu và lí thú vô cùng.

Mùa hè, dường như mọi con đường xuyên bang của miền Trung nước Mỹ đều đổ về Yellowstone, công viên quốc gia đầu tiên của Hoa Kỳ (được thành lập năm 1872) và của cả thế giới. Đây cũng là thời gian vườn gia này “hút” khách nhất trong năm, trước khi các hoạt động tham quan tạm dừng trong mùa đông băng giá. Tại các điểm dừng chân, hàng chục chiếc xe mang theo quãng đường dài bụi bặm nằm gối đầu trên bãi, trong khi cánh tài xế tạm nghỉ tay và nói về Yellowstone.

Thiên nhiên kỳ thú và hào sản

Thế rồi dòng Madison êm đềm cũng dẫn chúng tôi về thị trấn cùng tên nằm ở biên giới Montana và Idaho, cửa ngõ phía Tây trong 4 lối vào của công viên quốc gia này. Hôm sau chúng tôi tiến vào Yellowstone. Vừa băng qua cổng kiểm soát chừng vài dặm, xe chúng tôi suýt mất tay lái vì một chú hươu phóng nhanh qua đường. Lời chào từ thiên nhiên thật độc đáo, bất ngờ nhưng cũng làm toát mồ hôi.

Nằm trên một cao nguyên có độ cao trung bình gần 2500m so với mực nước biển, Yellowstone có 96% diện tích thuộc về bang Wyoming, phần nhỏ còn lại nằm trên 2 bang Montana và Idaho. Khu bảo tồn dẫn chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từ hàng trăm suối nước nóng và các điểm địa nhiệt đang sôi sùng sục đến những cánh rừng bát ngát thông reo ở khu vực cận núi cao; từ những thung lũng Heyden bạt ngàn hoa cỏ đến những mặt hồ Yellowstone phẳng lặng mênh mông rồi bỗng chốc lại chuyển sang những thác nước thét gào. Rừng rậm, rừng thưa, đầm lầy, đồng cỏ, vực thẳm, núi tuyết và hoang mạc cứ đan cài; tưởng như nơi này có thể trở thành một trái đất thu nhỏ trong diện tích gần 9000km2.

Với 80% diện tích được bao phủ bởi rừng và hơn 10% là đồng cỏ, Yellowstone trở thành ngôi nhà lý tưởng cho loài gấu, sói xám, bò rừng bison, hưu và hươu sừng tấm. Bạn không cần nhiều may mắn để bắt gặp những đàn bò rừng bison tha thẩn trên các thung lũng xanh tươi hay một gia đình nhà nai kéo nhau uống nước bên bờ suối. Được bảo tồn qua nhiều năm, chúng sống chan hoà với khách tham quan. Không “thảo mai” làm dáng như đám thú nuôi mà vẫn giữ khí phách phong trần của những chủ nhân thực thụ.

Văn hoá ứng xử của người Mỹ

Ở vườn quốc gia này, những vụ kẹt xe có thể kéo dài hơn nửa giờ liền chỉ vì vài con bò bison lững thững đi qua đường. Tất cả những điểm vệ sinh, dựng trại hay câu cá đều đã được quy hoạch nhằm đảo bảo các sinh hoạt của con người không ảnh hưởng hoặc chỉ gây tác động tối thiểu đến cuộc sống hoang dã. Hơn 100 năm qua, người ta cũng đã dựng lên hàng trăm công trình nhằm bảo tồn các yếu tố lịch sử, kiến trúc với hơn 1000 điểm khảo cổ, chủ yếu là ở khu vực miệng núi lửa lớn nhất lục địa.

Mặc dù, những điểm tham quan chính có bố trí các nhà hàng ăn uống, nhưng khách được khuyến khích tự mang theo thức ăn và giữ gìn môi trường chung. Với hàng chục nghìn lượt khách vào Yellowstone mỗi ngày, khu bảo tồn vẫn sạch boong kể cả những điểm tập trung chung. Tôi dẫn lại một đoạn ghi chú ngắn được ghi lại ở miệng suối phun trào Old Faithful như một ví dụ về văn hoá ứng xử của người Mỹ với thiên nhiên và với con người:

Bảng thông báo đề 9h47 miệng suối nước nóng Old Faithful mới phun trào, nhưng từ 8h, khách du lịch đã ngồi ngay ngắn chờ đợi.
9h00, không còn ghế nào trống. Người đến sau tự động đứng thành hàng ở phía sau.
9h30, xung quanh khán đài vòng bán nguyệt đã có đến vài ngàn người, tất cả đều yên lặng hoặc nói cười rất nhỏ, thỉnh thoảng mới có tiếng một em bé vút cao. Mình ngồi ở bìa, nghe được cả tiếng chim hót trong rừng.
9h47, một đợt phun nhẹ nổi lên chừng hơn 20 giây, tháp nước cao chỉ vài ba mét. Vài tiếng xì xầm nhỏ: Ồ, chỉ vậy thôi sao. Rồi họ lại im lặng đợi chờ.
9h55, có thêm một đợt phun nhỏ nữa, rồi tắt. Khán đài vẫn yên lặng. 5 phút sau, đợt phun nước chính mới bắt đầu, tháp nước cao đến vài chục mét.
Hơn 10h, tất cả rời đi, không một vỏ chai hay mảnh rác rớt lại. Chú lao công vẫn mải miết tìm rác ở bệ cỏ bên dưới khán đài, chờ đón đợt khán giả tiếp theo”.

Tôi viết những dòng này khi rừng Amazon – nơi cung cấp hơn 20% lượng oxy cho khí quyển trái đất – vẫn đang chìm trong biển lửa ở khu vực miền tây Brazil. Rừng mưa nhiệt đới lớn nhất hành tinh, có diện tích bằng một nửa nước Mỹ này, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc làm chậm quá trình nóng lên của khí hậu toàn cầu và cũng là ngôi nhà của vô số loài động thực vật

Đám cháy được lan đi từ một hộ dân đốt rừng lấy đất canh tác. Phải mất hàng nghìn năm hoặc có lẽ chẳng bao giờ rừng Amazon có thể phủ xanh nguyên vẹn. Vì thế, thiên nhiên này cần lắm những khu bảo tồn nghiêm ngặt như Yellowstone!

Nguồn: tcnhadep.com

http://www.tcnhadep.com/yellowstone-va-van-hoa-ung-xu-voi-thien-nhien/

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc