Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MSD Vietnam |
Trong bối cảnh đối mặt với những thách thức về môi trường ngày càng nghiêm trọng và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên thì mô hình nền kinh tế mang đến giải pháp tầm nhìn có khả năng biến đổi xã hội và nền kinh tế.
Nền kinh tế tuần hoàn khuyến khích sự hợp thác song phương, đa phương giữa các bên bao gồm doanh nghiệp, cơ quan, nhà đầu tư để thực hiện mục tiêu chung: đảm bảo sự phát triển bền vững.
Kinh tế tuần hoàn hiểu đơn giản là mang lại cuộc sống thứ 2 cho nguyên vật liệu, giảm thiểu rác thải, là động lực quan trọng nhằm tái chế để đảm bảo sử dụng nguồn lực thông minh, xanh sạch.
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT dẫn con số so sánh: 65% người dân Việt Nam sống ở nông thôn, trong đó 25 triệu người là người lao động trong ngành nông nghiệp, riêng ngành trồng trọt lúa gạo là 5 triệu người. Một năm 5 triệu người đó tạo ra 3,45 tỷ USD giá trị lúa gạo xuất khẩu. Trong khi đó, vào năm 2022 xuất khẩu phần mềm ở Việt Nam đạt 3,9 tỷ USD, FPT thu về 800 triệu USD chỉ với 25 nghìn người lao động.
“Trong tương lai nếu chúng ta thực sự suy nghĩ đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững thì chắc chắn vẫn phải duy trì phát triển ngành nông nghiệp.
Nhưng bài toán là làm sao để phần đông người lao động có thể tham gia vào những ngành nghề mà thế giới cần nhiều và tiêu tốn ít năng lượng như công nghệ thông tin, làm về chuyển đổi số, phần mềm” – Ông Hoàng Nam Tiến nói.
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT chia sẻ trong hội thảo Ảnh: MSD Vietnam |
Ở góc nhìn khác, chia sẻ về xu hướng kinh tế tuần hoàn ông Nguyễn Hoàng Hải – chuyên gia từ đại học Swinburne cho biết:
“Năng lượng tái tạo đang được cho là nguồn năng lượng thay thế cho năng lượng hoá thạch, đây là một xu hướng chung trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam chỉ có 1-2 nhà máy xử lý rác thải tạo ra điện”.
Ông Nguyễn Hoàng Hải – chuyên gia từ đại học Swinburne chia sẻ về xu hướng của kinh tế tuần hoàn hiện nay. Ảnh MSD Vietnam |
Trên thế giới, các tập đoàn lớn đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất tái chế từ lâu. Liên minh Châu Âu E.U đã có chương trình hành động sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ hơn 1 thập kỷ qua.
Trong khi đó, tại Việt Nam, một nhà máy bia cũng đã ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong quy trình sản xuất bia từ sản xuất bằng năng lượng tái tạo, bã bia được tái chế thành thức ăn gia súc, vỏ trấu làm nhiên liệu sinh khối.
Ông Hải đồng thời cũng chia sẻ về kinh tế tuần hoàn và ngành năng lượng hiện nay ở trên thế giới khi nhiều nước cam kết thực hiện mục tiêu phát thải bằng 0 (Net – zero) vào năm 2045 – 2060 bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo và loại bỏ năng lượng hoá thạch, xe động cơ đốt trong.
Tuy nhiên, Việt Nam lại đang gặp những khó khăn như lo ngại về tác động môi trường của năng lượng tái tạo, việc những tấm pin năng lượng mặt trời sẽ đi về đâu sau khi hết hạn hay chưa có những công nghệ tái chế kỹ thuật cao.
Cũng trong buổi hội thảo đại diện của RE:harvest – một trong những doanh nghiệp tham gia Dự án Giải pháp tương lai Shinhan – Shinhan Square Bridge Việt Nam đã trình bày mô hình khởi nghiệp – Tái chế thực phẩm.
REharvest là một doanh nghiệp thu hoạch thực phẩm đầu tiên của Hàn Quốc thu thập các sản phẩm phụ còn sót lại trong việc sản xuất bia và tái chế nâng cấp thành bột để sản xuất các thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD – United Way Vietnam, Trưởng Làng Sáng tạo Mở Xã hội đã có những chia sẻ về hiểu lầm của kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn không chỉ là sự tái chế, là khâu giải quyết sau khi có sản phẩm ra, mà là sự đầu tư cả quá trình trong đó mọi khâu trong quy trình đều được quan tâm để đảm bảo dịch vụ có thể được sử dụng lâu hơn, bền hơn.
Hiện nay, thế hệ mới có nhu cầu sử dụng những món đồ văn minh hơn thế nên đầu tư vào kinh tế tuần hoàn không làm giảm sự tiêu thụ sản phẩm mà còn là cách để chúng ta đầu tư hơn vào khâu bảo trì và là cơ hội cho những sản phẩm mới ra đời.
Với những doanh nghiệp lớn, đầu tư vào kinh tế tuần hoàn là sự đầu tư lâu dài còn với những doanh nghiệp nhỏ thì đó là cơ hội để kết hợp sản xuất sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, để áp dụng mô hình này vào thực tế thì “cần sự nỗ lực, song hành của các cơ quan đoàn thể, chính vì thế Làng Sáng tạo Mở Xã hội đã được ra đời với mục tiêu tạo nên sự phát triển bền vững”, theo chia sẻ của bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD – United Way Vietnam, Trưởng Làng Sáng tạo Mở Xã hội.