Mỗi năm, TPHCM phát thải khoảng 35 triệu tấn CO2, trong đó ngành công nghiệp là 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.
Chiều 22/8, HĐND TPHCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố tổ chức Hội thảo “Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại TPHCM”.
Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước, với quy mô dân số hiện nay khoảng hơn 9,4 triệu người và hơn gần 4 triệu người làm ăn sinh sống, mật độ dân số cao. Các hoạt động kinh tế – xã hội luôn diễn ra rất sôi nổi, từ đó dẫn đến nhu cầu giao thông gia tăng nhanh chóng, gây áp lực lên hệ thống giao thông đô thị.
Theo thống kê, đến cuối năm 2023, Thành phố có 10 triệu phương tiện giao thông với hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác di chuyển vào Thành phố. Mỗi năm, Thành phố phát thải khoảng 35 triệu tấn CO2, trong đó ngành công nghiệp là 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.
Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh Hội thảo là dịp để nhìn nhận vấn đề, đánh giá tiềm năng, khả năng chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang sử dụng năng lượng sạch nhằm hướng đến phát triển giao thông xanh, phát triển đô thị xanh và bền vững ở TPHCM.
Tính toán lộ trình phát triển xe điện
Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Trường Đại học GTVT TPHCM dẫn chứng, đến tháng 12/2022, TPHCM quản lý gần 9,2 triệu phương tiện, tăng 4,69% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Thành phố đang quản lý gần 934.500 xe ô tô, gần 8,3 triệu xe mô tô.
Số lượng phương tiện giao thông sử dụng chủ yếu là diezel, đây là nguồn khí thải lớn gây ô nhiễm không khí, chưa kể việc sử dụng nhiên liệu đốt khác. Nhiều loại phương tiện giao thông có chất lượng kém vẫn đang lưu hành, dẫn đến thải lượng ô nhiễm không khí từ hoạt động GTVT đang có xu thế gia tăng.
Từ đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái đưa ra khuyến nghị chính sách để thúc đẩy sự phát triển xe điện cá nhân ở TPHCM nói riêng và ở các đô thị Việt Nam nói chung. Theo ông, cần nghiên cứu xây dựng lộ trình phát triển xe điện có tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng, cung cấp các chính sách ưu đãi tài chính cho việc sản xuất, sở hữu và sử dụng xe điện; cung cấp chính sách thúc đẩy sự phát triển hệ thống trạm sạc và hoán đổi pin, đồng thời xây dựng hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn toàn diện liên quan đến xe điện, áp dụng quy chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu bắt buộc cho xe ô tô và xe máy.
Cụ thể, giai đoạn 2025-2030, chuyên gia này cho rằng cần thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
Đến năm 2040, từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh.
Cần 974 tỷ đồng để chuyển đổi xe máy điện ở Cần Giờ
Tại Hội thảo, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, lượng phương tiện cá nhân tại TPHCM hiện đang rất lớn, vì vậy, Sở GTVT đang thực hiện đề án phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng và kiểm soát phương tiện cá nhân gồm các giải pháp công trình, phi công trình, đơn cử như việc vận hành tuyến Metro số 1 kết hợp với các tuyến xe buýt kết nối.
Cũng theo ông Hưng, ngành giao thông Thành phố cũng đang thực hiện đề án khí thải. Ở giai đoạn 1, sẽ thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông sang giao thông xanh (xe điện, khí CNG…), thí điểm tại Cần Giờ.
Theo TS. Phan Thụy Kiều (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), việc chọn khu vực thí điểm rất quan trọng và Cần Giờ là địa phương phù hợp nhất.
Cần Giờ là địa phương duy nhất của TPHCM tiếp giáp biển, với 23 km bờ biển và hệ thống rừng ngập mặn lớn. Đến năm 2030, Cần Giờ sẽ phát triển thành thành phố biển tăng trưởng xanh, thông minh và thân thiện với môi trường.
Theo đó, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã đề xuất các chương trình hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe máy điện, phát triển giao thông công cộng xanh và hạ tầng thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng tại khu vực. Tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng năng lượng sạch dự kiến là hơn 974 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn thí điểm từ nay đến năm 2025 cần 319 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 655,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 384,1 tỷ đồng và vốn từ nguồn xã hội hóa khoảng 590,4 tỷ đồng.
Tác Giả :Anh Thơ
Đăng ngày : 23/08/2024
Link Nguồn: https://tphcm.chinhphu.vn/xe-dien-giai-phap-cho-giao-thong-xanh-tai-tphcm-101240822205535385.htm