Ở tuổi 15, Alejandro Chabán nặng tới 142kg và thường xuyên là mục tiêu cho bạn bè trêu chọc mỗi khi đến trường. Alejandro Chabán khi ấy là một người nhút nhát, sống nội tâm và gần như sợ hãi mọi thứ xung quanh mình. Thế nhưng hiện tại, ở tuổi 36, Alejandro Chabán đã là một diễn viên, tác giả sách, giám đốc điều hành công ty chăm sóc sức khỏe Yes You Can, cùng với khối tài sản hơn 5 triệu USD (theo ghi nhận của Celebrity Net Worth).

Phát biểu trên Gobankingrates.com, Alejandro Chabán mô tả thành công của mình như là một hành trình vượt qua những nỗi sợ hãi: “Ở tuổi 15, tôi thường xuyên bị khó thở. Tôi không thể ngủ, không thể đi bộ quá 1km, thậm chí không thể tự buộc dây giày. Tôi nhìn vào gương và tự hỏi, mình muốn thay đổi hay là chết với tình trạng sức khỏe tồi tệ như thế? Và khi tôi chọn tự thay đổi, vượt qua những nỗi sợ hãi của chính mình, thì cũng là lúc cuộc sống của tôi thay đổi”.

Theo Alejandro Chabán, câu chuyện làm giàu của anh về tổng thể có thể khá quen thuộc và phổ biến, nhưng nỗi sợ hãi của Alejandro Chabán thì lại khá đặc biệt. Những nỗi sợ mà một khi có thể chế ngự, chúng ta hoàn toàn có thể là những chiến binh không thể bị đánh bại trên con đường kiếm tìm sự tự do tài chính.

Nỗi sợ cái chết

Một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất đã trở thành động lực cho Alejandro Chabán phát triển sự nghiệp rực rỡ của mình, đó là sợ cái chết. Theo đó, hành trình làm giàu của Alejandro Chabán chứa rất nhiều hành động được mô tả là khá liều lĩnh, khi anh tới Mỹ (Alejandro Chabán là người Venezuela) khởi nghiệp mà không có một mối quan hệ nào, sống chật vật suốt hai năm với đủ nghề nghiệp khác nhau, để rồi trở thành triệu phú như hiện tại.

“Tôi bắt đầu hành trình bằng việc giảm cân khi 15 tuổi, với nỗi sợ cái chết” – Alejandro Chabán chia sẻ – “Điều đó ám ảnh tôi khá nhiều. Nó cũng khiến tôi nhận ra cuộc sống này quá ngắn để có thể sống với những điều mình muốn”.

Sau khi giảm cân thành công, Alejandro Chabán liên tục vượt qua vùng an toàn của mình. Trước khi trở thành diễn viên, anh làm phục vụ cho một nhà hàng thức ăn nhanh. Có một lần khi đi thử vai, nhiều người trong đoàn phim bịt mũi và nói Alejandro Chabán bốc ra mùi như một con gà chiên. Thế nhưng, anh không hề xấu hổ và cứ tiếp tục quay lại đó hết lần này tới lần khác: “Tôi cứ mặc kệ họ. Sau này, khi tôi rời khỏi vị trí người dẫn chương trình truyền hình ¡Despierta América! để sáng lập Công ty Yes You Can, tôi biết mình vừa bỏ qua một nguồn thu nhập vô cùng ổn định. Nhưng tôi hiểu có ba thứ trên đời giúp tôi thỏa mãn nhất, là sức khỏe, gia đình và công việc kinh doanh. Và tôi chỉ có thể sống được một lần để theo đuổi chúng”.

Có một cái nhìn thú vị hơn, Tony Robins (doanh nhân và tác giả người Mỹ, sở hữu khối tài sản ước tính 500 triệu USD – theo Celebrity Net Worth) cho rằng chúng ta phải học cách điều khiển nỗi sợ hãi, vượt qua những rào cản nhỏ để tập trung vào những điều lớn lao, mục tiêu dài hạn hơn trong cuộc sống: “Những người thành công làm điều họ muốn, không phải chỉ làm những điều họ có thể làm” – Tony Robins ghi nhận.

Sợ hãi trở thành tâm điểm

Nỗi sợ khá kỳ lạ tiếp theo được Alejandro Chabán đề cập là nỗi sợ khi bản thân sẽ trở thành mục tiêu, nhận về sự soi mói của nhiều người. Theo Alejandro Chabán, đa số người thành công đều khiêm tốn và ít khi muốn bộc lộ bản thân, nên khi theo đuổi sự giàu có, họ luôn lo sợ việc bị chú ý, trở thành tâm điểm. Bởi sự chú ý không chỉ đi kèm với ngưỡng mộ, mà còn có cả sự ghen tỵ, soi mói, dè bỉu, thậm chí từ chính những người thân trong gia đình.

“Tôi từng sợ giàu có, tìm cách giấu giếm sự giàu có của mình vì lo nó sẽ kéo theo trộm cướp, những việc nguy hiểm cho người thân, bị pháp luật để ý hay bị mọi người xa lánh, dè chừng” – Alejandro Chabán thú nhận.

Đồng tình với quan điểm này, T. Harv Eker, triệu phú tự thân, tác giả quyển Bí mật tư duy triệu phú cũng cho rằng nỗi sợ trở thành mục tiêu, tâm điểm bộc lộ rõ nhất thông qua nỗi sợ hãi việc tự quảng cáo – một trong những việc ông và nhiều người không thích làm nhất nhưng vẫn phải thực hiện.

“Khiêm tốn và cầu tiến là hai khái niệm khác nhau, nhưng để thành công thì cầu tiến quan trọng hơn. Nhiều người rất xuất sắc tôi từng gặp thường từ chối quảng cáo vì không muốn quá phô trương, không muốn trở thành tâm điểm. Nhưng tôi sớm nhận ra, nếu không quảng cáo, không thể hiện bản thân, chúng ta sẽ rất khó tìm được cơ hội trong thời kỳ cầu ít cung nhiều như ngày nay. Thế giới này đầy rẫy nhân tài và tôi không chắc mình là người giỏi nhất để mọi người phải đến tìm tôi thay vì tôi chủ động giới thiệu mình với họ. Vì thế, lời khuyên duy nhất của tôi là dù bạn có khiêm tốn hay không, nếu muốn thành công và giàu có, bạn phải bộc lộ mình để cho mọi người biết đến” – T. Harv Eker kết luận.

Nguồn: Tuấn Thành/ Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần

Bệnh viện Hạnh Phúc