Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng, tuy nhiên thông tin về việc táo để 9 tháng không hỏng, lê để 6 tháng vẫn tươi dường như vẫn đang khiến dư luận xôn xao.
Câu trả lời vì sao táo, lê NK về Việt Nam có thể lâu hỏng như vậy gần như vẫn chưa khiến dư luận yên tâm. Nhằm có thông tin đa chiều về vấn đề này, NNVNđã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thành (ảnh), GĐ Cty Cổ phần Phát triển sản phẩm Việt, một DN chuyên NK hoa quả.
Thưa ông, hiện Cty ông NK những loại hoa quả từ nước nào?
Tùy vào mùa vụ và từng loại hoa quả mà Cty chúng tôi NK từ rất nhiều nước khác nhau. Chẳng hạn như táo thì chúng tôi NK quanh năm. Từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau chúng tôi NK táo của Mỹ và Canada; từ tháng 2 đến tháng 4 thì NK táo từ Úc; từ tháng 4 đến tháng 8 năm sau thì NK táo từ các nước như New Zealand, Chi Lê, Nam Phi… Chúng tôi còn NK nho, lê, cam, cherry…
Vừa rồi có thông tin một người dân ở Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) mua quả táo về để 9 tháng không hỏng! Liệu có thể như thế được không?
Về lí mà nói, ở các nước mà Cty chúng tôi NK hoa quả, táo sau khi thu hoạch họ có thể áp dụng công nghệ SX và bảo quản để giữ nguyên được chất lượng tươi ngon như mới hái trong thời gian rất lâu. Chẳng hạn ở Mỹ, thường thì vụ thu hoạch táo của họ chỉ diễn ra vào tháng 10, tháng 11 hàng năm, nhưng họ áp dụng công nghệ bảo quản để tiêu thụ táo tới tháng 9 năm sau.
Nghĩa là ở Mỹ, táo thu hoạch một lần nhưng người dân ăn táo quanh năm. Còn như ở Hàn Quốc, lê của họ thu hoạch trước tháng 10 hàng năm, nhưng họ bán tới tháng 2 năm sau; lê Nam Phi thu từ tháng 4, tiêu thụ tới mãi tháng 11. Vì thế với điều kiện bảo quản đúng quy trình, thì táo, lê có thể để hàng năm vẫn giữ nguyên chất lượng như ban đầu là chuyện bình thường.
Với trường hợp người dân mua táo ngoài chợ về, sau đó để trong điều kiện bình thường như ở Việt Nam, tôi nghĩ lê hay táo vẫn hoàn toàn có thể để lâu tới 9 tháng, thậm chí lâu hơn. Vấn đề là quả táo hay quả lê ấy mặc dù không bị hỏng hay thối rữa đi nữa, nhưng do không được bảo quản đúng cách, nên có lẽ sẽ không còn chút chất lượng nào nữa.
Nhưng dư luận vẫn đang cho rằng, táo, lê không thể để lâu như vậy mà không hỏng, nếu như không có chất bảo quản gì đó rất… độc hại?
Thông tin trên báo chí nêu về trường hợp của một người dân ở Hà Nội cho biết là để quả táo 9 tháng không hỏng, nhưng thông tin đó đúng hay sai chưa được kiểm chứng.
Tôi nghĩ muốn biết chính xác thì cơ quan chức năng có thể tới gia đình giữ quả táo ấy để xác minh có thật là họ đã để 9 tháng mà không hỏng hay không, xem họ mua ở đâu, mua chỗ nào…, đồng thời lấy quả táo ấy đi xét nghiệm xem có chất bảo quản độc hại nào không thì mới biết được. Tôi nghĩ người dân nên bình tĩnh, không nên quá hoang mang về thông tin này.
Vừa rồi có một số nhà khoa học nghi ngờ: Nếu không phải là dùng chất độc hại bảo quản, thì có thể táo, lê đã được chiếu xạ ở cường độ cao mới giúp hoa quả lâu hỏng như thế. Mà nếu chiếu xạ ở cường độ cao, hoa quả sẽ bị nhiễm xạ, người ăn vào sẽ rất nguy hiểm! Ông bình luận thế nào về ý kiến này?
Nhà khoa học mà nói thế là chẳng hiểu gì về thực tế! Bởi cái “nếu” như giả thiết của vị này chẳng bao giờ có thể “nếu” được trên thực tế cả. Tiêu chuẩn chiếu xạ với cường độ thế nào, cả thế giới này người ta phải theo quy định chung rồi. Thanh long, chôm chôm, thủy sản… của VN xuất khẩu sang Mỹ hiện nay đều phải chiếu xạ cả đấy, chẳng lẽ Mỹ cho phép NK nông sản của Việt Nam để người dân nước họ ăn vào rồi bị… nhiễm xạ sao? Nếu chiếu xạ mà như thế thì dây chuyền chiếu xạ hiện đại nhất VN trị giá nhiều triệu USD của Cty An Phú nên đóng cửa sớm…! (cười lớn). |
Bản thân Cty chúng tôi khi NK hoa quả về, thường chỉ giữ trong kho lạnh vài tháng là tiêu thụ hết nên cũng chưa bao giờ giữ quả táo nào ngoài điều kiện bình thường tới 9 tháng làm gì để mà biết nó có hỏng hay không?
Tuy vậy, với những gì tôi biết khi sang các nước trồng táo để kiểm tra quá trình SX và chế biến táo trước khi XK sang Việt Nam, thì việc một quả táo khi về VN để 9 tháng với điều kiện bình thường mà không hỏng là có thể.
Cơ sở nào ông đưa ra nhận định đó?
Công nghệ bảo quản trái cây ở VN đi sau các nước tiên tiến rất xa. Ngay đến công nghệ bảo quản sau thu hoạch thôi, chúng ta vẫn còn lạ lẫm, trong khi đó ở các nước mà chúng tôi NK hoa quả hiện nay, họ đã áp dụng cả công nghệ bảo quản trái cây trước cả khi thu hoạch rồi!
Phải hiểu hoa quả sau khi thu hoạch, nó sẽ vẫn trao đổi chất, vẫn “thở”. Nếu trong hoa quả sau khi thu hoạch đã có sẵn các ổ vi khuẩn, nấm, hoặc để các tác nhân như nấm, vi khuẩn xâm nhập vào, cộng với điều kiện nhiệt độ, độ ẩm bất lợi thì nó sẽ rất nhanh hỏng.
Để hạn chế điều này, ngay từ lúc táo mới ra hoa đậu quả, hầu hết các nước trồng táo XK đã phải áp dụng các quy trình xử lí nấm. Nghĩa là trong suốt quá trình quả táo lớn lên, phải đảm bảo rằng các loại nấm, vi khuẩn không thể xâm nhập vào trong quả táo ấy.
Đến lúc thu hoạch, táo sẽ được đưa vào dây chuyền xử lí, chiếu xạ để tiêu diệt hoàn toàn các loại nấm, vi khuẩn, sau đó sẽ tiếp tục cho “lội” qua các bể sáp bảo quản thực phẩm.
Nghĩa là mỗi quả táo khi NK về tới Việt Nam, bên ngoài đều đã được bọc một lớp sáp thực phẩm để ngăn chặn sự xâm nhập của nấm, vi khuẩn và hạn chế tác nhân thời tiết.
Vì vậy, ngay cả khi nó được lưu giữ ở điều kiện bình thường như ở VN, nếu để quả táo ấy ở nơi mát mẻ thì táo, lê sau 9 tháng vẫn không hỏng là hoàn toàn có thể lắm chứ!
Điều này khác với Việt Nam, do hoa quả khi thu hoạch đã có sẵn các ổ nấm, vi sinh vật “yên nghỉ” trong đó, lại không được xử lí chất bảo quản sau khi thu hái nên chỉ để ít ngày là vi khuẩn, nấm từ bên trong bùng phát, từ bên ngoài tấn công gây hỏng.
Nhưng người dân vẫn cứ lo họ đã sử dụng chất bảo quản độc hại?
Phải hiểu là táo NK về Việt Nam cũng như táo được tiêu thụ ở Mỹ vậy, khi đưa ra thị trường tiêu thụ nội địa ở Mỹ, hay là XK sang Việt Nam đều phải tuân theo một quy trình giám sát như nhau cả.
Phân loại trước khi dây chuyền táo vào bể xử lí bảo quản ở New Zealand (ảnh do Cty Cổ phần Phát triển sản phẩm Việt cung cấp)
Theo đó trước khi XK đi các nước, đơn vị XK táo ở Mỹ cho phía Việt Nam sẽ buộc phải được cơ quan kiểm soát ATTP của họ kiểm tra, lấy mẫu và phân tích toàn bộ các tiêu chuẩn ATTP, nếu đạt tiêu chuẩn, họ mới cấp giấy phép đủ tiêu chuẩn XK cũng như lưu thông trên thị trường.
Có giấy phép này, họ mới có thể XK cho phía Việt Nam. Tiêu chuẩn ATTP của Mỹ hiện là cao nhất thế giới rồi, làm sao có thể nói họ cho dùng chất độc để bảo quản táo được.
Vậy khi NK về tới Việt Nam, cơ quan chức năng của chúng ta có kiểm soát gì nữa không?
Chúng tôi thường NK hoa quả qua đường biển về cảng TP.HCM và Hải Phòng. Khi cập cảng, DN sẽ phải báo cáo cơ quan kiểm dịch thực vật (KDTV) xuống lấy mẫu phân tích. Nhanh nhất trong vòng 24h, nếu đạt yêu cầu thì cơ quan KDTV sẽ cấp chứng thư KDTV cho DN.
DN cầm chứng thư KDTV này cùng với hồ sơ NK tới trình Hải quan, thì Hải quan họ mới cho thông quan. Nghĩa là để NK được một loại hoa quả về Việt Nam, DN phải trải qua rất nhiều khâu kiểm soát về ATTP, làm sao có thể có chuyện hoa quả có chất độc mà vẫn được NK về?
Xin cảm ơn ông!
“Không thể nghi ngờ rằng có thể táo, lê đã được chiếu xạ ở cường độ cao chúng mới lâu hỏng, rồi lại cho rằng chiếu xạ ở cường độ cao hoa quả sẽ bị nhiễm xạ, người ăn vào sẽ rất nguy hiểm được!
Mỹ hiện nay cho phép Việt Nam chiếu xạ với cường độ 400 Gray đối với hàng nông sản XK sang họ là mức cường độ rất cao, chẳng lẽ họ cho phép NK nông sản chiếu xạ của Việt Nam để đầu độc công dân Mỹ sao? Phải hiểu chiếu xạ là để tiêu diệt các loại nấm gây hại trên hoa quả, giúp hoa quả không bị tấn công bởi các loại nấm vốn là tác nhân phá hoại khiến hoa quả nhanh bị hỏng, qua đó giúp kéo dài thời gian bảo quản và chưa có cơ sở khoa học nào nói bản chất của chiếu xạ là giúp hoa quả lâu hỏng. Nhà khoa học mà phát biểu như thế là phản khoa học!”. (Ông Hoàng Trung – Phó Cục trưởng Cục BVTV) |
Nguồn: nongnghiep.vn