Hồi mới tìm hiểu nhau, tôi thấy em mỏng manh yếu đuối nên càng chiều chuộng che chở. Đến khi kết hôn, không ít lần tôi bực tức vì cái tính hay sợ hãi quá mức của vợ.

Nếu cô ấy sợ bóng tối, sợ đau, sợ máu…, tôi còn hiểu được. Đằng này, cô ấy sợ gián và tất cả những gì ngọ ngoạy, sột soạt, rung rung. Cô ấy sợ ăn thanh long vì những hạt đen đen nhỏ nhỏ trông như những con rận, sợ luôn cả vài hạt mè rắc trên thức ăn. Lại còn truyền nỗi sợ ấy sang con gái của chúng tôi. Đã nhiều lần tôi “luyện” cho vợ bớt sợ, nhưng cô ấy càng chết khiếp và… sợ luôn cả chồng!

Tôi chịu không hiểu nổi phụ nữ. Có thể vợ tôi bị mắc bệnh?

(Một bạn đọc gọi từ số máy…093)

Bạn mến,

Sợ hãi xuất hiện từ việc nhận thức các mối đe dọa để chạy trốn khỏi nó hoặc chiến đấu chống lại – một cơ chế cơ bản trong việc phản ứng với một kích thích cụ thể như đau đớn hoặc rơi vào tình huống nguy hiểm. Khi bị dồn ép vào một tình thế nguy cấp, cơ thể tiết ra chất Cortisol. Chất này kích thích sự sáng tạo, linh hoạt, tăng cường độ làm việc và kết quả là ứng phó được với tình huống. Nếu người nào hay sợ quá mức và vô lý đến độ hoảng loạn với các vật hoặc các tình huống không thực sự quá nguy hiểm là mắc “chứng ám ảnh sợ hãi”. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động bình thường của họ trong sinh hoạt ở gia đình, tại nơi làm việc hoặc trong môi trường xã hội: sợ đi máy bay, sợ tiêm chích, sợ độ cao, sợ côn trùng (gián, chuột, nhện, sâu róm, rận…), sợ máu, phòng kín, bóng tối, nha sĩ…

Việc đối diện với các tình huống liên quan đến nỗi sợ gây ra nhịp tim nhanh, thở gấp, cảm thấy mắc nghẹn, đau thắt ngực, toát mồ hôi, rối loạn tiêu hóa và không thể kiểm soát các hành động của mình.

Hầu hết chứng ám ảnh sợ hãi bắt đầu ở tuổi nhỏ hoặc tuổi dậy thì. Phụ nữ thường có chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể nhiều hơn nam giới. Nếu không được khắc phục mà trở thành nỗi ám ảnh kéo dài, có thể khiến “bệnh nhân” né tránh mọi vấn đề liên quan đến nỗi sợ ấy, dẫn đến các phản ứng sinh lý nghiêm trọng như thiếu ngủ, suy nhược thần kinh, tụt huyết áp, ngất xỉu…

Đến nay chứng ám ảnh sợ hãi vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng, nhưng nó có xu hướng “kế thừa” trong gia đình và thường khởi phát sau một sự kiện gây chấn động. Lý giải cho điều này, các nhà khoa học cho rằng có thể do di truyền, cũng có thể do khi còn nhỏ, con trẻ đã học theo hành động của người lớn nên có xu hướng ám ảnh những thứ mà những người trong gia đình đã trải qua.

Hẳn là vợ bạn cũng đã nhận ra tình trạng sợ hãi dai dẳng, vô lý hoặc phóng đại, không phù hợp với thực tế của mình nhưng không thể kiểm soát được những cảm xúc hoặc phản ứng của bản thân. Là người nhà, người thân nhất của cô ấy, bạn nên công nhận thay vì chỉ trích. Hãy khích lệ, an ủi khi cần thiết và cố gắng cùng tìm ra cách giải quyết hợp lý:

– Hạn chế nói câu: “Có gì đâu mà sợ?!”, hãy tôn trọng cảm xúc của vợ.

– Không hù dọa, cố gắng “cải tạo” hoặc “rèn luyện” quá đáng.

– Không trêu chọc, giễu cợt, thúc giục, phủ nhận cảm xúc này của vợ. Cũng đừng tỏ ra khó chịu, chán nản, bực bội khi thấy cô ấy trở nên “kém cỏi”, nhút nhát, sợ hãi vô cớ. Điều này chỉ càng làm người ta cảm thấy mất chỗ dựa và càng trở nên sợ hãi.

– Nhẹ nhàng cho tiếp xúc với “con ngoáo ộp” gây sợ ấy theo mức độ tăng dần để dần bớt sợ.

Nếu làm đủ cách mà vợ vẫn cứ “sợ là sợ thôi”, hãy công nhận… “quyền được sợ” của cô ấy!

 

THS-BS LAN HẢI

Theo “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”

Bệnh viện Hạnh Phúc