Bằng chứng mới đây cho thấy bức tiểu họa “Portrait of a Young Woman” của Hans Holbein thực chất mô tả người vợ thứ tư của Vua Henry VIII – Anne xứ Cleves, thay vì vẽ Vương hậu Catherine Howard như lâu nay chúng ta vẫn tưởng.
Bức tiểu họa “Portrait of a Young Woman”. Ảnh: Royal Collection Trust
Hans Holbein (còn gọi là Hans Holbein con), họa sĩ triều đình dưới thời vua Henry VIII và là một trong những họa sĩ chân dung vĩ đại nhất mọi thời đại, đã tạo nên tác phẩm này vào khoảng năm 1540. Bức tiểu họa là một kho báu giá trị trong Bộ sưu tập Hoàng gia, nhưng không ai biết người trong tranh là ai, từ lâu bức họa đã được mô tả là “Chân dung của một quý bà, có lẽ là Catherine Howard” – người vợ thứ năm của vua Henry VIII.
Giờ đây, nhờ một nghiên cứu, người phụ nữ trong tranh đã có một danh tính mới: Anne xứ Cleves, người vợ thứ tư của vua Henry VIII. Nhà sử học nghệ thuật Franny Moyle đã thu thập được bằng chứng cho thấy đây là gương mặt của người phụ nữ quý tộc mà nhà vua đã kết hôn vào năm 1540 để hình thành nên một liên minh chính trị.
Moyle tin rằng Holbein đã để lại một manh mối ‘nhử’ bằng việc gắn bức tiểu họa (màu nước trên giấy da bê) lên trên một lá bài 4 rô (the four of diamonds) – có thể ông muốn ngụ ý rằng đây là vương hậu thứ tư.
Bà cho biết Holbein thường lồng ghép những biểu tượng và hình tượng kỳ lạ vào trong các tác phẩm của mình, và nhiều khả năng ông đã chọn một lá bài mà ông cho là sẽ “khiến một ai đó mỉm cười”. Những bức tiểu họa của ông sẽ được gắn trên một lá bài. Holbein không làm những việc thừa thãi mà không gửi gắm ý nghĩa nào đằng sau nó. Chẳng hạn, ông đặt lá át bích (Ace of Spades) vào mặt sau bức tiểu họa mô tả chân dung Thomas Cromwell, cố vấn chính của Henry VIII, điều này có vẻ khá phù hợp với một người đàn ông thường được mô tả là thẳng thắn, ‘có gì nói đó’ (spade a spade). Chính Eramus là người đã đặt biệt danh đó cho người đàn ông này. Một ví dụ khác là bức chân dung mà Holbein đã vẽ vợ của Ngài Đổng lý Văn phòng, Elizabeth Audley. Bức chân dung này được gắn trên lá Át Cơ (ace of hearts), hàm ý chỉ đây là một cô dâu mới. Vì vậy, bốn viên kim cương được cho là có ý nghĩa quan trọng.”
Manh mối từ ngoại hình và trang sức
Đám cưới giữa Anne và Henry VIII diễn ra vài ngày sau khi bà đến Anh để lần đầu tiên gặp vị hôn phu của mình, nhưng Vua Henry VIII không hài lòng với người vợ này nên cuộc hôn nhân nhanh chóng kết thúc sau sáu tháng, và lúc này ông đã chuyển sự chú ý của mình sang người hầu của Anne, Catherine Howard.
Mọi người thường cho rằng bức tiểu họa có liên quan đến Catherine, một phần vì nó xuất hiện từ năm 1540, cũng là năm bà kết hôn với Vua Henry, và vì người phụ nữ trong bức tranh đeo những món đồ trang sức xa xỉ – có thể sánh ngang với những món trang sức mà Catherine sở hữu. Người phụ nữ dường như đang đeo một mặt dây chuyền từng thuộc về người vợ thứ ba của Henry, Jane Seymour. Tài liệu của Bộ Sưu tập Hoàng gia cũng lưu ý rằng Jane đã lấy những món trang sức của mình làm quà tặng cho những thị tỳ thân tín, và một trong số họ, Mary Bradon – và cũng là người phụ nữ trong một bức vẽ của Holbein ở Thư viện Hoàng gia, Lâu đài Windsor – có một số điểm giống với người phụ nữ trong bức tiểu họa.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trang phục của người phụ nữ trong tranh cho thấy bà có địa vị cao. Moyle cho biết: “Khi Henry phế bỏ một người vợ, ông ta có thói quen chuyển đồ đạc của họ cho người kế vị. Vì vậy, nếu cho đây là đồ trang sức của Jane Seymour, thì có thể xác định người trong tranh là Anne xứ Cleves – người kế vị của bà.”
Moyle cho biết khi Anne kết hôn, bà ấy ở độ tuổi từ 25 đến 30 tuổi, trong khi Catherine hãy còn là một thiếu niên. “Bức chân dung này trông không có vẻ là mô tả một cô dâu trẻ con”, bà nói.
Điểm quan trọng, Moyle ấn tượng trước nét tương đồng kỳ lạ của người phụ nữ trong bức tiểu họa với bức chân dung Anne vào năm 1539 cũng của Holbein – hiện nằm trong Bảo tàng Victoria & Albert. Cả hai đều có mí mắt đặc biệt dày và lông mày rậm. “Hai bức vẽ cùng một người phụ nữ. Bà ấy có một biểu cảm mơ màng trong cả hai bức tranh.”
Holbein được cử đến để vẽ Anne lần đầu tiên vào năm 1539, nhằm phác họa vẻ ngoài của một người có thể sẽ là cô dâu mới cho Henry. Ngay lập tức, cuộc hôn nhân của họ gặp trục trặc. Henry chia sẻ với người cố vấn thân cận của mình rằng ông thấy Anne không đủ hấp dẫn. Trong mắt người Anh, trang phục của Anne trong thật khác thường. Lúc bấy giờ, một người đã nhận xét rằng, khi Henry nhìn thấy Anne, “ông ấy tỏ ra không hài lòng với người con gái trong bộ váy kiểu Đức đó.”
Anne xứ Cleves trong bức họa đầu tiên của Holbein. Ảnh: Ảnh cắt từ Wikimedia.
Moyle suy đoán rằng Holbein đã vẽ lại bà ấy một lần nữa ngay sau đó, vì Anne muốn được nhìn thấy bản thân một lần nữa, nhưng trong bộ trang phục hoàn toàn khác, với chiếc mũ trùm đầu của Pháp khi ấy đang là mốt ở Anh. Bộ trang phục trông cởi mở hơn so với vẻ ngoài kín mít của trang phục kiểu Đức. Moyle nhận định: “Vì vậy, tôi nghĩ rằng có một lý do chính đáng cho việc tại sao, vào đầu năm 1540, bà ấy – hoặc cũng có thể là Thomas Cromwell, người rất ủng hộ cuộc hôn nhân – lại đề nghị Holbein vẽ bà ấy một lần nữa, trong bức tiểu họa mà Henry để trong túi, ông ấy có thể thấy một phiên bản Anne hấp dẫn hơn.
Việc xác định người phụ nữ trong tranh là ai khó như thế, là vì không có chân dung nào về Catherine được vẽ vào thời đại đó. Mà giả sử bức tranh ấy có từng tồn tại, thì nó cũng sẽ nhanh chóng bị vứt bỏ, bởi về sau Catherine đã bị xử tử vì tội ngoại tình.
Moyle cho biết: “Catherine được mô tả là ‘trẻ trung và tươi mới’ và có ‘sắc đẹp mê hồn’. Quan niệm về vẻ đẹp phụ thuộc vào mỗi người, thật khó để áp dụng một trong hai mô tả này cho bức tiểu họa. Nhưng theo lời mô tả của một đại sứ Pháp, Anne “có vẻ đẹp vừa phải”.
Bộ Sưu tập Hoàng gia từ chối đưa ra bình luận về nghiên cứu này.
Moyle đã giới thiệu nghiên cứu này trong cuốn sách mới của bà, “The King’s Painter: The Life and Times of Hans Holbein”. Cuốn sách do Head of Zeus xuất bản vào ngày 27/5 vừa qua.
Nguồn: Anh Thư
https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Ven-buc-man-bi-an-ve-nguoi-phu-nu-trong-buc-tieu-hoa-cua-Hans-Holbein-28179