Cuối năm là dịp nhiều công trình nhà ở “về đích” sau thời gian dài thi công. Ngôi nhà mới đã hoàn thành, bạn phấn khởi, thậm chí nôn nóng muốn dọn đồ về ngay để tận hưởng cảm giác sung sướng, hạnh phúc trong ngôi nhà đó. Nhưng trước khi sắp xếp đồ đạc và bắt đầu một cuộc sống ở không gian mới, bạn cần làm một việc, nhất thiết không thể bỏ qua: đó là dọn vệ sinh. Công việc này, nghe chừng đơn giản, nhưng vệ sinh cho công trình xây dựng mới hoàn thành không đơn giản như quét dọn thông thường. Có thể coi đó là nội dung cuối cùng trong chuỗi công việc xây dựng, nó có những quy trình và nguyên tắc nhất định.

%image_alt%

Một công đoạn thú vị
Làm vệ sinh công trình đã hoàn thành xây dựng (vệ sinh công nghiệp) hiện đã được chuyên môn hóa. Trên thị trường xây dựng hiện có rất nhiều công ty làm dịch vụ này; cùng với các nội dung công việc liên quan như làm vệ sinh định kỳ, chăm sóc cây cảnh, bảo trì, sửa chữa thiết bị công trình… Tuy vậy, không phải gia chủ nào cũng thuê dịch vụ bởi kinh tế là một phần; nhưng lý do chủ yếu của các công trình nhà ở tư nhân, do chủ nhà trực tiếp tham gia vào việc quản lý, giám sát xây dựng (không phải giao khoán/ chìa khóa trao tay); thì việc tự làm vệ sinh là một công đoạn thú vị. Qua việc đó, họ có cảm giác hạnh phúc, tự hào với ngôi nhà của mình. Công việc vệ sinh do nhiều người trong gia đình cùng tham gia, là một cơ hội gắn kết tình cảm đoàn kết, yêu thương trong gia đình; rất có ý nghĩa với một ngôi nhà mới.
Những đơn vị làm vệ sinh công nghiệp chuyên nghiệp tất nhiên làm sẽ chất lượng hơn là người nhà tự làm; bởi ngoài yếu tố sức khỏe, sự quen việc, nắm rõ quy trình; thì họ còn có những thiết bị và vật dụng vệ chuyên dụng, có những hóa chất tẩy rửa cho các loại vật liệu; và trong một số trường hợp, cần có cả thiết bị an toàn lao động mà những gia đình bình thường không có.
Dẫu vậy, bạn cùng các thành viên trong gia đình vẫn có thể tự làm sạch ngôi nhà mình với những thiết bị và vật dụng thông dụng. Và để đạt được hiệu quả cao nhất, cần làm theo quy trình và có một chút hiểu biết, kinh nghiệm về công đoạn này.

Quy trình vệ sinh
Làm vệ sinh công nghiệp phải làm tuần tự theo quy trình công việc, quy trình không gian – vị trí. Các trình tự là: Trên trước – dưới sau; trong trước – ngoài sau, ướt trước – khô sau, nặng trước – nhẹ sau… Cụ thể là làm từ tầng trên xuống dần tầng dưới; trong phòng thì làm từ trần, tới tường, cửa, sau đó là sàn; làm từ phía trong phòng ra đến phía ngoài phòng rồi ra dần cửa, hành lang, cầu thang; những khu vực cần nước, chất lỏng tẩy rửa cần làm trước để tránh làm ướt những chỗ đã vệ sinh khô; quét dọn, dịch chuyển những vật nặng, rác rồi sau đó mới vệ sinh vết bẩn, bụi bẩn…
Căn cứ vào quy trình đó, cùng với số lượng người tham gia thực hiện và khả năng của mỗi người (trong gia đình có thể có cả người già, trẻ em cùng thực hiện), bạn hãy bố trí nội dung công việc cho mỗi người sao cho khoa học và phù hợp để có hiệu quả cao nhất.

Chuẩn bị
Ngoài những vật dụng vệ sinh thông thường như chổi, phất trần, bàn chải, hốt rác, giẻ lau… bạn cần chuẩn bị thêm một số vật dụng sau, cũng rất dễ tìm mua: đó là lưỡi dao trổ (hoặc dao lam) để tẩy những vết bẩn nhỏ bám trên bề mặt vật liệu cứng như kính, đá, bàn xúc (của thợ sơn bả) để tẩy những mụn xi măng hay bột bả, sơn, bám cứng trên sàn gạch; nước lau kính; butyl (xăng thơm)… Ngoài giẻ lau loại thường (tận dụng quần áo cũ bỏ đi) nên có một ít giẻ thật sạch; nếu có máy hút bụi thì càng tốt.
Chuẩn bị các dụng cụ hỗ trợ như thang, ghế cao, xô chậu đựng nước sạch, nước bẩn, đựng hóa chất và dung môi tẩy rửa (nếu có). Chuẩn bị sẵn một số vật tư và dụng cụ liên quan (thường thừa và được giữ lại sau khi thi công) như sơn tường, sơn sắt, xi măng, keo… để xử lý luôn hoặc sau khi vệ sinh ở những chỗ chưa hoàn thiện, bị lỗi.

Một số việc vệ sinh hay gặp ở nhà mới
– Vệ sinh tường: Ở công trình mới, nếu nhìn kỹ lên tường, hoặc miết tay nhẹ vào bạn sẽ thấy tường rất bụi. Thực tế là khi sơn tường xong còn rất nhiều công việc khác, quá trình này gây bụi vẩn trong không gian và bám lên tường. Đặc biệt, nếu có làm sàn gỗ (một trong những hạng mục sau cùng) thì việc cưa, cắt gỗ làm mùn gỗ bám rất nhiều lên tường. Hãy dùng phất trần sạch hoặc máy hút bụi để làm sạch bụi trên tường, tại những chỗ có vết bẩn thì dùng giẻ sạch lau nhẹ.
– Vệ sinh mặt sàn lát gạch, mặt đá: Các mặt phẳng này ngoài việc bị bẩn thông thường thì còn bị bẩn “chuyên ngành” là các hạt sơn nước (sơn tường) li ti bắn xuống trong quá trình sơn trần, tường bằng lô. Đặc biệt là đá (thường màu đen) rất dễ nhận thấy những hạt sơn (thường là trắng, sáng). Hãy dùng giẻ ướt lau những bề mặt này, rồi dùng những vật cứng không có góc nhọn (như gỗ, nhựa hoặc dao lam) để tẩy những hạt sơn này. Rất cẩn trọng với những dụng cụ bằng kim loại có thể gây xước bề mặt gạch, đá).
– Vệ sinh kính ở cửa: Kính đa phần nằm theo phương dọc nên ít bị bẩn bởi sơn tường, nhưng không phải không có. Cách làm cũng tương tự đối với sàn.
– Vệ sinh gỗ (cửa, mặt thang, tay vịn thang, sàn): Dùng giẻ mềm và ẩm vừa phải lau nhẹ. Đặc biệt là đối với sàn gỗ không được để nước chảy, động xuống khe ghép các tấm sàn.
– Vệ sinh bề mặt cấu kiện kim loại: Cũng dùng giẻ ẩm lau nhẹ để loại bỏ các bụi bẩn, kết hợp việc tẩy nếu bị bột bả hay sơn tường bám vào. Cần lưu ý khi tẩy nhẹ tay và khéo léo bởi những phần kim loại được sơn có thể bong sơn.
– Trên bề mặt kính cửa, kính vách tắm, gương vệ sinh, bề mặt cửa nhựa, cửa nhôm… rất hay còn lưu lại thông tin do nhà thầu ghi như tên công trình, tên chủ nhà, quy cách, kích thước… bằng bút dạ dầu, bút sơn xóa (bút phủ). Bạn hãy sử dụng dung môi có khả năng hòa tan cao như xăng, butyl để lau tẩy những vết bẩn này, kết hợp với việc tẩy bằng vật cứng nhưng không sắc nhọn.

Những điều cần lưu ý
– An toàn là điều lưu ý hàng đầu. Đừng nên cố làm quá những chỗ khó, chỗ cao hoặc tư thế không thoải mái; những chỗ ở vị trí nguy hiểm, bên ngoài nhà; bởi bạn không quen và không có dụng cụ bảo hiểm chuyên dụng. Chú ý phòng hỏa trong quá trình làm vệ sinh vì khi làm vệ sinh hay sử dụng các loại chất tẩy rửa, dung môi dễ cháy.
– Cẩn thận trong quá trình thực hiện vệ sinh cũng như di chuyển, mang vác dụng cụ (thang, ghế) nếu bạn không muốn làm sạch được chỗ này mà lại làm sứt, xước, nứt, vỡ… chỗ khác. Không đứng, ngồi, tì lên những chỗ không đảm bảo an toàn hoặc có thể gây hư hại như bệ xí, bàn đá chậu rửa…
– Trong quá trình làm vệ sinh, bạn sẽ phát hiện vô số… lỗi: Chỗ thì sót cái nọ, chỗ thì thiếu cái kia, chỗ thì tróc sơn, chỗ thì bị nứt vỡ… Hãy ghi chép và đánh dấu lại và xử lý từng bước. Một số chỗ có thể xử lý được ngay thì làm luôn nếu có đủ vật tư và dụng cụ.
– Nước giặt giẻ, nước lau chùi, nước tẩy rửa… trong quá trình làm vệ sinh phải được dồn vào một xô nước bẩn chung, có màng lọc (bằng vải) để lọc lại những rác và vụn vật liệu (sơn, mùn gỗ, cát, ximăng…) không cho thoát theo cùng nước.
– Nước thải vệ sinh công nghiệp tuyệt đối không được đổ vào bồn xí mà phải đổ vào hệ thống thoát nước sàn/nước mưa thải ra cống (nếu đổ vào bồn xí thì nước bẩn có chứa nhiều hóa chất có thể làm hại tới hệ vi sinh trong bể phốt, gây ảnh hưởng tới quá trình phân hủy chất thải hữu cơ).
– Một số đồ đạc vật dụng nhỏ có thể có trước khi tiến hành vệ sinh như đôn, kệ, tranh tượng trang trí nên nhấc/tháo ra vệ sinh độc lập, và đặt/treo lại sau khi vệ sinh tổng thể hoàn tất.

%image_alt%

%image_alt%

Làm vệ sinh nhà có thể nhờ tới các đội vệ sinh chuyên nghiệp và cũng có thể tự gia chủ thực hiện. Dù theo hình thức nào, thì cũng phải làm tuần tự theo quy trình. Các trình tự theo thứ tự: trên trước – dưới sau; trong – ngoài, ướt – khô, nặng – nhẹ… từ đó bố trí công việc cho các thành viên sau cho khoa học và phù hợp để đạt hiệu quả tốt nhất.

Theo Kiến Trúc & Đời Sống

Bệnh viện Hạnh Phúc