Ăn không đơn giản là đưa thực phẩm vào miệng và tiêu hóa nó đi mà còn thể hiện nét văn hóa, phẩm hạnh, duyên dáng của con người, nhất là khi ăn cỗ. Tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Trước hết nói về “học ăn”. “Nhân sinh dĩ thực vi tiên”, con người sống được trước hết nhờ ăn uống. Nhưng ăn không hề là chuyện đơn giản. Đó lànghệ thuật ẩm thực, một nét đẹp trong văn hóa của dân tộc ta.
Tục ngữ có câu:“Ăn tùy nơi, chơi tùy chốn”. Chứng tỏ việc ăn uống không thể tùy tiện. Có nơi thân tình, gặp bữa có lời mời là có thể ăn nhưng có nơi mời đến “gãy đũa gãy bát” cũng không ăn. Có nơi “yêu nhau bốc bải dần sàng” nhưng có nơi bụng đói mà “mâm cao cỗ đầy” vẫn chối từ.
Ngồi vào mâm, trước khi bưng bát cầm đũa, phải tùy theo tuổi tác người ngồi cùng mâm mà mời chào, không thể cứ cúi đầu lùi lũi gắp ăn. Khi gắp thức ăn, trước hết phải để vào bát của mình rồi mới đưa lên miệng, cứ phải hai động tác như vậy mới là biết ăn. Không được chan canh và soàn soạt hay nhai ngấu nghiến hoặc phát ra tiếng kêu nhóp nhép. Nói chung trong khi ăn, rất hạn chế âm thanh phát ra, kể cả việc gõ đũa lách cách hay nói chuyện. Định nói, phải chờ lúc đã nuốt xong miếng ăn mới nói, không vừa ăn vừa nói nhồm nhoàm. Bởi vì khi nói chuyện, người ta thường nhìn vào miệng nhau. Bạn thử tưởng tượng nếu nhìn thấy một cái miệng há ra mà đầy thức ăn đang nhai sẽ mất cảm tình đến thế nào?
Người ăn lịch sự bao giờ cũng nhường người khác. Không nên gắp trước những miếng ngon, miếng to. Nói chung phải nhìn nhau mà ăn, không thể chỉ biết mình, ăn cho khoái khẩu. Khi sử dụng nước chấm cũng nhường người khác dùng trước. Trước khi gắp thức ăn, cần phải biết là chấm vào bát nước chấm nào, không nên cứ gắp lên đã nhưng chưa biết chấm vào đâu, cứ phân vân giơ miếng thức ăn lên trước mặt mọi người.
“Nữ thực như mưu”, động tác ăn uống của người con gái phải từ tốn, nhẹ nhàng. Từ động tác chấm thức ăn vào bát nước chấm, cầm cái thìa để chan canh hay đưa thức ăn lên miệng đều phải thong thả, nếu gắp nhanh thoăn thoắt thành ra ăn thô, uống tục. Đã đụng đũa vào miếng nào là phải gắp miếng ấy, không được kén chọn, lật miếng nọ, bỏ miếng kia hoặc bới đĩa thức ăn hay lấy thìa khua trong bát canh mò thứ mình thích. Khi gắp miếng thức ăn phải chọn miếng vừa phải, không gắp miếng quá to hoặc quá dài.
Trịnh Trung Hòa