Thất nghiệp, tôi không có nhiều tiền đưa cho cô ấy, vì khoản trợ cấp thất nghiệp của nhà nước chỉ đủ cho tôi đóng góp một phần nhỏ tiền chợ búa, cơm nước. Tôi cũng phải giữ lại chút ít cho mình để còn đi tìm việc, cà phê chút ít với bạn bè. Vậy mà cô ấy cứ tìm cách đá thúng đụng nia, đi ra đi vào nhăn nhó tiền điện, tiền nước, tìm cách gây với tôi.

Chuyện này chắc không mới. Vì bạn bè tôi, đàn ông 10 người thì cũng phải hết 8 người nhăn với chuyện vợ rất hay càm ràm chuyện tiền bạc. Nhưng chuyện nhà tôi thì không chỉ thế. Vợ chồng từ khi cưới nhau tới giờ, suốt 5 năm không lúc nào cô ấy không nhắc đến tiền. Tôi đi làm mang hết về “nộp” thì không sao. Tiêu dùng cái gì riêng cho mình một chút vợ cũng nhăn. Mua cho cô ấy một cái giỏ xách, về nhà cô ấy cũng càm ràm suốt một ngày là tôi… mua hớ! 

Giờ thì tôi thất nghiệp. Nói thật, mười năm đi làm, đây là lần đầu tiên tôi thất nghiệp do công ty phá sản. Tình cảnh chẳng đặng đừng, ai muốn thế đâu. Nhưng vợ tôi thì cứ chì chiết, ngúng nguẩy bảo tôi sao không thấy trước tình hình mà xin việc chỗ khác, sao tôi chơi với bạn bè nhiều lắm mà giờ thì chẳng biết nhờ ai giúp…

Thất nghiệp, tôi không có nhiều tiền đưa cho cô ấy, vì khoản trợ cấp thất nghiệp của nhà nước chỉ đủ cho tôi đóng góp một phần nhỏ tiền chợ búa, cơm nước. Tôi cũng phải giữ lại chút ít cho mình để còn đi tìm việc, cà phê chút ít với bạn bè. Vậy mà cô ấy cứ tìm cách đá thúng đụng nia, đi ra đi vào nhăn nhó tiền điện, tiền nước, tìm cách gây với tôi. Tôi mệt mỏi và chán quá! Có phải vợ tôi chỉ quan tâm đến tiền, không nghĩ gì đến cảm xúc, sự thất vọng… của tôi không? Tôi có nên tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân này khi mà càng ngày tôi càng thấy mình ngột ngạt và ít tình cảm hơn với vợ?

P.N

(Quận 3) 

Ý kiến chuyên gia

Phụ nữ thường là người chịu trách nhiệm “tay hòm chìa khóa” trong nhà, là người trực tiếp nơm nớp với chuyện vật giá tăng cao. Đàn ông đi làm về, đưa cho vợ một khoản lương coi như… nhẹ đầu, ít phải nghĩ suy tới tiền nữa. Nhưng phụ nữ thì khác. Cầm chừng đó tiền trong tay, người vợ phải cân đong đo đếm tiền sữa cho con, tiền điện nước trong nhà. Đi chợ mua được một miếng thịt rẻ hơn bình thường, người vợ đã mừng rơn. Ngược lại, thấy vật giá tăng là về nhà lại tắc lưỡi thở dài, lo lắng với khoản tiền lương còm cõi không hề tăng lên hàng tháng.

Nói vậy không phải… bênh vợ anh, mà chỉ nhằm giúp anh hình dung cụ thể hơn những lo âu “chi li” của người phụ nữ. Bận tâm suốt ngày với những khoản tiền lặt vặt, nhiều người vợ trở nên mệt mỏi, stress, âu lo và… dễ nhăn nhó!

Tôi đọc đi đọc lại một chi tiết nhỏ mà anh viết, rằng anh mua một cái giỏ xách tặng vợ mà chị ấy cũng càm ràm suốt ngày vì… tiếc tiền, cho rằng chồng mua hớ giá. Cái cách cư xử ấy chắc chắn không thể là của một người phụ nữ ích kỷ, chỉ biết đến tiền, chỉ biết đến mình được, anh ạ! Phải là một người phụ nữ hay vun vén cho gia đình, cái gì cũng dành dụm, tiết kiệm (đến mức không dám tiêu pha chút gì cho mình) thì mới có phản ứng ấy.

Thật ra, tôi không đồng tình và cũng không nói những phản ứng của vợ anh khi anh thất nghiệp là… đúng. Nhưng giai đoạn này giống như một cơn sóng gió, và vợ chồng cần cảm thông cho nhau, hiểu nhau hơn thay vì trách móc và ngồi phân tích xem lỗi của ai, anh ạ!

Nếu bản chất vợ anh là người ích kỷ, chỉ biết đến tiền, tôi sẽ không nói với anh điều này. Nhưng nếu đó là một người vợ chỉ vì quá lo lắng trước cảnh nhà khá khó khăn, chồng đang thất nghiệp, gánh nặng dồn lên vai và không biết xoay xở làm sao, thì những phản ứng của chị ấy lại có phần đáng… thương và đáng thông cảm hơn là chỉ chê trách.

Tôi chắc anh hiểu tôi muốn nói gì. Mong anh đặt mình vào đúng vị trí và tâm lý ấy, anh sẽ biết cách trấn an vợ, bàn bạc việc nhà cùng vợ, chia sẻ với vợ những nỗi lo lắng của mình và động viên lẫn nhau vượt qua khó khăn. Đến một lúc nào đó, khi vượt qua những thử thách này, nhìn lại, vợ chồng anh sẽ thấy yêu thương nhau hơn.

Chúc anh sáng suốt! 

Theo TC Mẹ & Con/mevcon.com.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc