Trong bối cảnh của cuộc sống căng thẳng hiện nay, đãng trí hình như đang là … mốt! Đáng nói là nhiều người còn trẻ, bề ngoài coi rất khỏe, nhưng “lú lẫn” không thua người già! Không có gì khó hiểu. Với kiểu sống “thiếu stress không chịu về” não bộ tuy nhận được cả khối tín hiệu nhưng cuối cùng chẳng có kích ứng nào có đủ chiều sâu để trở thành kỷ niệm khó phai.

 Theo nguyên lý dẫn truyền thần kinh ưu thế của Utomski, tín hiệu nào cũng thế, muốn được gắn vào vùng ký ức trường viễn phải có cường độ thừa sức lấn át các kích ứng khác trong cùng thời điểm ghi nhận. Kích ứng thần kinh càng dồn dập tín hiệu trước đó, càng dễ bị bôi sạch trước khi được dán chặt vào bộ nhớ.

Nếu ai cũng phải ăn thì não cũng thế, thậm chí phải ăn nhiều vì não rất cần năng lượng để hoạt động, kể cả trong lúc gia chủ đang ngủ. Đúng là não nếu suy dinh dưỡng còn gì là não! Nhưng nếu tưởng như thế đã đủ để đảm bảo chất lượng cho chức năng tư duy thì lầm! Bằng chứng là nhiều người ngày nào cũng dùng thuốc đa sinh tố – đa khoáng tố, thực phẩm tăng lực… nhưng vẫn mau quên, khó tập trung, dễ đau đầu khi cần suy luận và nhất là mất ngủ! Theo kết quả nghiên cứu ở CHLB Đức, hơn 60% đối tượng làm việc trong văn phòng đang gặp khó khăn với công việc trí óc thường ngày. Đáng nói hơn nhiều là 2/3 trong số đó tuy đủ ăn đủ mặc, tuy thậm chí đang thành đạt nhưng lắm khi phải vò đầu bứt tai vì trống rỗng đầu óc khi cần động não. Y sĩ đoàn ở các nước phương Tây ắt hẳn có lý do chính đáng khi từ nhiều năm qua liên tục gióng cao tiếng chuông báo động về “hội chứng mệt mỏi kinh niên” (CFS= chronic fatigue syndrom), căn bệnh phát tán với vận tốc đáng ngại trong giới có nghề nghiệp cầu toàn như doanh nhân, thầy giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ… Nhiều thầy thuốc ở các nước châu Âu, nơi chắc chắn không thiếu thuốc hóa chất tổng hợp, không vô cớ mà đồng lòng trở về với dược liệu thiên nhiên khi tìm cách điều trị bệnh trầm uất, thay vì ép bệnh nhân ngủ vùi bằng thuốc an thần. Với não bộ rõ ràng có thực vẫn chưa vực được đạo! Phải có thêm yếu tố nào khác thì não mới có thể vui trở lại.

Một cách tượng hình, não bộ vận hành như bộ máy vi tính chằng chịt mạch điện với hàng tỷ tế bào thần kinh. Mỗi tế bào não lại không hoạt động đơn phương mà kết nối chặt chẽ với tế bào chung quanh thành một mạng lưới trao đổi thông tin với hơn 10.000 điểm giao tiếp rải đều khắp não bộ. Mọi hoạt động tư duy, từ phán đoán cấp thời bước qua suy luận thong thả chỉ có thể thuận buồm xuôi gió khi dẫn truyền thần kinh lướt qua điểm giao tiếp một cách nhẹ nhàng để từ kích ứng trở thành phản xạ hữu ích cho gia chủ. Muốn vậy tế bào phải có cấu trúc khỏe mạnh. Nói ngược lại, không thể có chức năng tư duy như mong muốn nếu cấu trúc của tế bào thần kinh bị công phá, bị bào mòn đến độ biến dạng do tác hại của độc chất lúc nào cũng chực chờ trong cơ thể. Nhóm độc chất đại kỵ với tế bào thần kinh chính là các chất được đặt tên là “oxy-hóa”. Các chất này có hai đặc tính thấy ghét. Đó là:

  • Được chính gia chủ tiếp tay tổng hợp từ nếp sinh hoạt căng thẳng, từ thói quen lạm dụng chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, từ giấc ngủ không đủ chiều sâu, từ cuộc sống tâm đầy tham sân si.
  • Rất hăng máu trong việc bám sát và phá hoại cấu trúc của tế bào, trong số đó tế bào thần kinh bao giờ cũng là món khoái khẩu hàng đầu!

May cho nạn nhân (đồng thời là thủ phạm) là thầy thuốc đã phát hiện cách ứng phó. Đó là biện pháp tiếp sức cho hệ thần kinh trung ương bằng các chất mang tên kháng oxy-hóa từ dược liệu thiên nhiên, bằng liệu pháp cung ứng dưỡng khí cho tế bào thần kinh, chẳng hạn với dưỡng khí liệu pháp theo phương pháp của Giáo sư Von Ardennne, từ cuộc sống cân đối giữa làm tới nơi và chơi tới bến.

Đó là động cơ khiến càng lúc càng có nhiều thầy thuốc ở châu Âu đặt nặng giá trị vào việc áp dụng hoạt chất sinh học như nhóm chất màu anthocyanin để bảo vệ màng tế bào thần kinh, vào nhóm flavonoides trong cây thuốc “trời thương trời cho người chỉ còn nhớ có mỗi ngày … lãnh lương” để chống lão hóa tế bào não bộ quá sớm! Đó là lý do tại sao thầy thuốc chuyên khoa tim mạch ở Hoa Kỳ, nơi chắc chắn không thiếu thuốc đặc hiệu, đang cổ động bệnh nhân tập … thiền! Họ tất nhiên đã không cổ động cho liệu pháp “vượt lên chính mình” nếu kết quả điều trị không như mong muốn. Họ đã quyết định trở về với thiên nhiên vì lý do dễ hiểu, vì như y sư Hippocrates đã khẳng định “Ai chữa lành người đó có lý”.

Mua nhà trả góp không xong, làm việc phập phồng vì sợ bị sa thải, hoảng loạn vì tin đồn bá láp trong cơn đại dịch, chạy trường khi hè chưa đến, stress không ngừng vì ngày nào cũng kẹt xe, thiếu ngủ vì trăn trở từng đêm…! Hội chứng “mệt mỏi kinh niên” có đang là áp lực nặng nề trên sức khỏe cộng đồng ở xứ mình? Câu trả lời xin dành cho độc giả, dù chưa hỏi xong đã biết câu trả lời!

BS Lương Lễ Hoàng

Nguồn: tcsuckhoe.com

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc