Vào những ngày cuối năm 2024, thị trường sách tại Việt Nam đón nhận thêm ba bản dịch từ ba vở kịch của Shakespeare do dịch giả Bùi Xuân Linh thực hiện. Dù không có một buổi ra mắt, nhưng bản thân tác giả và các tác phẩm cũng đã thu hút nhiều sự chú ý của những người yêu thích văn học cổ điển nói riêng và độc giả nói chung.

Ba dịch phẩm mới ra mắt vào cuối tháng 12/2024

Như có lẽ hầu hết chúng ta đều biết, Shakespeare là một thi sĩ kiêm kịch tác gia lớn nhất trong nền văn học Anh ngữ, và có lẽ cả văn học thế giới. Sách của ông “được trích dẫn nhiều nhất, giảng dạy nhiều nhất, dịch nhiều nhất, hợp tuyển nhiều nhất, quay phim nhiều nhất, truyền hình nhiều nhất, phát sóng trên đài phát thanh nhiều nhất, được đưa lên mạng internet nhiều nhất, được ngưỡng mộ nhất, được giới chuyên môn biểu diễn nhiều nhất, được giới nghiệp dư biểu diễn nhiều nhất, có ảnh hưởng nhất, được phóng tác nhiều nhất, được viết đến nhiều nhất trong số bất kỳ nhà thơ hoặc nhà viết kịch người Anh nào” (Theo The New Oxford Shakespeare: Modern Critical Edition của Taylor Jowett và Bourus Egan, 2016).

Tuy nhiên, độc giả Việt Nam hãy còn biết rất ít về văn hào này. Một phần có lẽ vì có quá ít tác phẩm của Shakespeare được dịch sang tiếng Việt, còn những sách nghiên cứu về cuộc đời hay nghệ thuật của ông thì không tìm đâu ra. Theo như chúng tôi được biết, tại Miền Nam trước năm 1975 chỉ có vài bản dịch của Bùi Giáng. Tại Miền Bắc, đã có một số bản dịch nghiêm túc của nhiều dịch giả tên tuổi, nhưng số lượng chưa nhiều. Những bản dịch này đa số rất cũ, có bản từ năm 1963, tính đến nay đã trên sáu mươi năm. Năm 2.000, Nhà xuất bản Sân khấu, Hà Nội, đã tổng hợp và in lại 12 vở kịch thành William Shakespeare – Tuyển tập Tác phẩm (2 tập). Tuyển tập này hiện nay không thể nào tìm thấy trên các kệ sách và đối với bạn đọc, nếu không giỏi ngoại ngữ thì không biết cách nào để đến với Shakespeare.

Cùng một số bạn đọc trong buổi nói chuyện về Shakespeare ngày 25/2/2024 tại Hà Nội

Nhận thức được điều này, và với nhiệt tình muốn đưa Shakespeare đến gần với độc giả Việt Nam, dịch giả Bùi Xuân Linh đã chủ trương thành lập Tủ Sách Shakespeare với mục đích đã được ông giới thiệu nhân một buổi ra mắt sách vào đầu năm 2024:

  1. Biên soạn các tài liệu nhằm cung cấp cho bạn đọc kiến thức và phương pháp tiếp cận tác phẩm của Shakespeare.
  2. Dịch một số tác phẩm nghiên cứu, phê bình có giá trị về Shakespeare.
  3. Dịch các tác phẩm của chính Shakespeare.
  4. Hợp tác với các nhà xuất bản và nhà tài trợ để ấn hành các công trình nêu trên.

Dịch giả Bùi Xuân Linh trong buổi nói chuyện về Shakespeare ngày 14/01/2024 tại Sài Gòn

Cho đến nay, Tủ Sách Shakespeare đã cho ra mắt các dịch phẩm sau (tất cả đều do Bùi Xuân Linh chuyển ngữ):

  1. William Shakespeare Cuộc đời và tác phẩm (của Lois Potter – Nhà xuất bản Hồng Đức và TrustBooks.)
  2. Bi kịch của Shakespeare (Claire McEachern chủ biên – Nhà xuất bản Hồng Đức và TrustBooks.)
  3. Hài kịch của Shakespeare (Alexander Leggatt chủ biên – Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và TrustBooks)
  4. Cơn bão (Kịch của Shakespeare – Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và TrustBooks)
  5. Câu chuyện mùa đông (Kịch của Shakespeare – Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và TrustBooks).
  6. Vua Lear (Kịch của Shakespeare – Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và TrustBooks).
  7. Thuần hoá người vợ đanh đá (Kịch của Shakespeare – Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và TrustBooks).
  8. Địa đàng tìm thấy (Kịch của Shakespeare – Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và TrustBooks).

Sắp xuất bản:

  1. Romeo và Juliet (Kịch của Shakespeare)
  2. Macbeth (Kịch của Shakespeare)
  3. Hamlet (Kịch của Shakespeare)
  4. Ăn miếng trả miếng (Kịch của Shakespeare).

Như chúng ta đều biết, công cuộc phát triển văn hoá không thể chỉ bó gọn trong việc gìn giữa và bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, mà còn phải tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới, nhất là trong thời đại hội nhập, thế giới phẳng như hiện nay. Lợi ích của việc phổ biến các tác phẩm của Shakespeare trong công cuộc phát triển văn hóa dân tộc là điều quan trọng không thể chối cãi. Ngay cả tại nước Nhật nổi tiếng là bảo thủ, từ 100 năm trước Đại học Waseda cũng đã lập ra một ban giáo sư để trong vòng năm năm cho ra đời một bộ Shakespeare toàn tập. Việc chuyển ngữ các tác phẩm của ông sang tiếng Việt đòi hỏi rất nhiều công sức, lòng nhiệt thành, và điều kiện thời gian cũng như kinh tế. Lẽ ra đây là công việc của một ủy ban hay một nhóm các học giả chuyên môn từ các viện, trường đại học, với sự hỗ trợ hùng hậu về vật chất của nhà nước, một tổ chức văn hóa hay một nhà xuất bản lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, hoàn cảnh nước ta không có được những điều kiện như vậy. Dịch giả Bùi Xuân Linh đã phải thực hiện một hành trình đơn độc từ việc sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, đối chiếu các ấn bản, và dịch sang tiếng mẹ đẻ. Và để cho các bản dịch có dịp chào đời thành những cuốn sách trên kệ, ông cũng phải tự bỏ kinh phí ra để xuất bản và phân phối.

Những cuốn sách đã xuất bản trong Tủ sách Shakespeare

Sắp qua năm mới, xin kính chúc Dịch giả nhiều sức khoẻ để Tủ sách Shakespeare ngày càng phát triển.

P.N.H.Đ

 

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc