Công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trong năm 2022 nổi bật 3 thông điệp “Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động – Vì một Việt Nam thịnh vượng”, “Giáo dục nghề nghiệp: Thực học – Thực hành – Vững khởi nghiệp, sáng tương lai”, “Tương lai tươi sáng cùng giáo dục nghề nghiệp”.

Truyền thông giáo dục nghề nghiệp nổi bật 3 thông điệp - Ảnh 1.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động trong công tác truyền thông

Ngày 26/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) tổ chức hội nghị về công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình, trong năm 2022, công tác tuyên truyền về GDNN đã được quan tâm; đóng góp tích cực trong việc hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của GDNN. Công tác tuyển sinh, phân luồng được thông tin đầy đủ, kịp thời giải đáp thắc mắc của người dân. Đặc biệt, giữa người dân và cơ quan quản lý nhà nước về GDNN đã có sự tương tác qua các phương tiện thông tin đại chúng.

“Công tác thông tin tuyên truyền đã có chuyển biến rõ rệt ở cả Trung ương, địa phương và các cơ sở GDNN; truyền thông đã có tác động lớn đến các đối tượng người học, gia đình và người sử dụng lao động và phần nào làm thay đổi được nhận thức của học sinh, phụ huynh học sinh, doanh nghiệp, cả xã hội về GDNN”, ông Phạm Vũ Quốc Bình khẳng định.

Đặc biệt, các cơ sở GDNN đã chủ động trong công tác truyền thông; xây dựng và phát hành các ấn phẩm truyền thông, các nội dung đã định hướng; phản ánh được chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước trong GDNN.

Nhiều cơ sở đã chủ động kết nối, gửi tin bài, ảnh, video… cho Tổng cục GDNN đăng tải, phổ biến, nhất là về các mô hình, tấm gương điển hình, tiêu biểu trong hoạt động GDNN.

Truyền thông đã phản ánh đầy đủ, chân thực, kịp thời các hoạt động của GDNN, qua đó, làm nổi bật 3 thông điệp “Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động – Vì một Việt Nam thịnh vượng”, “GDNN: Thực học – Thực hành – Vững khởi nghiệp, sáng tương lai”, “Tương lai tươi sáng cùng GDNN”.

Tuy nhiên, một số hạn chế đã được chỉ ra, bao gồm: Chưa triển khai tổ chức được các chương trình lớn, tuyên truyền sâu rộng về GDNN; các chuyên mục chuyên sâu trên các cơ quan thông tấn báo chí chưa nhiều; truyền thông tới vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Các chương trình phát thanh tiếng dân tộc chưa nhiều…

Nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ công tác truyền thông GDNN năm 2023, ông Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh 5 nội dung, đó là: Tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động truyền thông và hình thức triển khai; tiếp tục thực hiện từng bước hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN với sự tham gia của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cơ sở đào tạo, người học, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội.

Chú trọng tuyên truyền về Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”; công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài và nhân rộng trong cả nước; triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ GDNN giai đoạn 2021-2025 và Chỉ số nâng cao chất lượng đào tạo nghề; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Chương trình đầu tư công giai đoạn 2021-2025…

Nguồn: Thu Cúc/ Chính Phủ

https://baochinhphu.vn/truyen-thong-giao-duc-nghe-nghiep-noi-bat-3-thong-diep-102221226162030616.htm

Bệnh viện Hạnh Phúc