Chị Nguyễn Thị Vân, người sáng lập dự án Tiếp bước tương lai, đồng thời là một trong 3 người trẻ trong danh sách “30 Under 30” do Forbes vinh danh về lĩnh vực hoạt động xã hội năm 2015, sáng lập quỹ Hướng Dương Xanh, sáng lập viên Bếp tỏa yêu thương… sẽ là người kết nối truyền cảm hứng tại mỗi địa điểm. PV Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện với chị.
Chị Nguyễn Thị Vân chia sẻ cảm hứng đọc sách tại
Trường THCS Tân Quang, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước – Ảnh: TBTL
“Đi – Chia sẻ – Kết nối”
* Chào chị Vân, chị có thể cho biết nhân duyên hình thành nên dự án?
– Bản thân tôi có thời gian khá dài hoạt động xã hội, sau đó được may mắn học thiền nên thấy cần có thời gian tĩnh cho mình. Vì hoạt động xã hội, tiếp xúc với những đau khổ của người khác, nếu không biết cách chuyển hóa thì mình sẽ đau khổ hơn người bình thường.
Và từ khi học thiền, tôi muốn làm gì đó mà trong khả năng để cống hiến được nhiều nhất cho xã hội. Muốn làm được thì phải hiểu về mình, nơi mình sinh ra. Nên tôi có suy nghĩ sẽ đi dọc Việt Nam, đi một mình, để tĩnh, để hiểu hơn về mình, về đất nước.
Sau khi chuẩn bị gần xong, tôi thấy nếu đi một mình thì lợi ích của tôi rất nhiều nhưng không mang lại lợi ích cho mọi người xung quanh. Do vậy, tôi chia sẻ ý tưởng với những người bạn đồng tu, từng cùng nhau tu học bên Làng Mai. Và các bạn đều thấy ý tưởng rất hay. Rồi mọi người cùng ngồi với nhau xem cái gì thiết yếu nhất, cần nhất, thì tất cả thấy sâu xa nhất chỉ có truyền cảm hứng đọc sách để giáo dục trí tuệ, đạo đức con người. Và dự án sách Tiếp bước tương lai ra đời.
* Đối tượng mà dự án hướng đến là ai?
– Cảm hứng đọc sách là thói quen, nên sau khi làm demo ở ba tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước các em cấp 1, 2, 3, dự án quyết định chọn học sinh cấp 3. Có nhiều công ty tài trợ cho dự án hỏi tại sao không là cấp 1, 2 để tạo thói quen đọc sách từ nhỏ. Tôi chia sẻ, do tính chất của dự án là đi qua một lần, mặc dù có những đơn vị hỗ trợ sau đó.
Điều quan trọng nữa, do độ tuổi này rất cần định hướng về nghề nghiệp, đủ độ nhận thức. Cảm hứng của dự án là như vậy, đúng thời điểm, đúng nhận thức, đúng đối tượng mới nảy mầm đọc nhanh được.
Hơn nữa ở độ tuổi này, các em có thể tác động đến anh chị em trong nhà, khi các em hiểu lợi ích của việc đọc. Và đặc biệt, lứa tuổi này dễ lập gia đình nhất. Nếu các em có khoảng thời gian đại học, sau đó lập gia đình, thì khi các em có thói quen đọc sách sẽ truyền cảm hứng cho con của mình.
Nên nội dung sách tặng liên quan tới khám phá về lịch sử, khoa học tự nhiên, gương doanh nhân, sức khỏe, kỹ năng và văn học. Tất cả đều là sách mới.
* Nơi nào sẽ được dự án hướng đến, thưa chị?
– Dự án chia sẻ cảm hứng để các em có thói quen đọc sách nên yếu tố vùng sâu vùng xa ưu tiên hàng đầu. Nhưng yếu tố quyết định là Ban lãnh đạo trường có nhận thức mở rộng kiến thức cho các em, chào đón dự án hay không là quan trọng nhất. Nếu trường nghèo, mà Ban lãnh đạo không có nhận thức mở rộng kiến thức cho các em, thì khi dự án đến sẽ không mang lại lợi ích, vì thầy cô sẽ là những người tiếp tục tưới những đam mê cảm hứng về đọc sách cho các học trò của mình. Hơn nữa, Ban lãnh đạo trường tích cực với văn hóa đọc thì khi làm khảo sát họ sẽ hỗ trợ. Từ đó, đơn vị liên kết Sách và Hành động quay lại để tiếp tục làm các chương trình, như xây dựng các câu lạc bộ tại trường thì hiệu quả mới thiết thực.
Nếu tình nguyện viên địa phương chọn được nơi trường nghèo, Ban Giám hiệu trường chào đón dự án thì chúng tôi rất vui tới chia sẻ, dù xa xôi hẻo lánh thế nào cũng đi.
* Được biết, Dự án sẽ truyền cảm hứng cho 19.000 thanh thiếu niên trong cả nước và chia sẻ kỹnăng đọc sách trực tiếp. Vậy quá trình chuẩn bị lên kế hoạch của dự án như thế nào?
– Chia sẻ về những nơi dự án đến để tìm hiểu đất nước sẽ chạy song song với dự án sách, để cung cấp về tình hình đất nước của mình khi các em theo dõi Fanpage dự án. Đó cũng là một cách học rất thực tế, đọc sách và phải thực hành.
Quá trình chuẩn bị là cái phải suy nghĩ nhiều, vì có học thiền nên tôi và các bạn dự án luôn nghĩ đến nhân quả, và quán niệm điều đó trong suốt quá trình sống, làm việc.
Hiện giờ thành viên dự án là 10 bạn, vì hoàn toàn là tình nguyện, các bạn phải lo cho gia đình, cuộc sống nên có nhiều bạn cũng đi ra đi vào, nhân sự rất khó khăn.
Cái khó nữa là về quỹ hoạt động, mặc dù tôi may mắn và vinh hạnh là 1 trong 3 người trẻ được tạp chí Forbes bầu chọn đề cử năm 2015 về các hoạt động trong xã hội. Khi việc đó xong tôi cũng không xuất hiện nhiều, nên tôi không phải là ai hết. Khi đi xin tài trợ rất khó, tôi biết để công ty tài trợ cho dự án thì họ phải có một lợi ích nào đó cho công ty, vì họ đã bỏ ra một số tiền rất lớn, mặc dù họ có tâm huyết cho cộng đồng.
Hiểu sâu thương lớn trong hành trình gieo mầm đọc
* Là người chia sẻ, truyền cảm hứng về đọc sách đến các tỉnh dự án đi qua. Vậy chị chuẩn bị như thế nào cho hành trình của mình?
– Chuẩn bị tri thức qua đọc sách; rồi nuôi đam mê khám phá – đi ra bên ngoài tìm hiểu – tôi đã tìm cách làm sao mình có thể đi để trải nghiệm những điều tuyệt vời với số tiền ít ỏi, với giá không đồng. Vì tôi cũng không có tiền, không học quá giỏi để có những học bổng, do vậy tôi chọn đi làm tình nguyện cho tổ chức NGO, là điều phối viên miền Nam, được tài trợ miễn phí, máy bay, ăn ở… nên mới đủ tiền đi.
Tôi bắt đầu đi từ Philippines, Hàn Quốc, Đức, Pháp… Đó là trải nghiệm đi thực tế quý giá vì ngoài việc đọc sách chuẩn bị cho tôi thông tin về nơi đó thì trải nghiệm giúp tôi thấy được thực tế như thế nào. Từ đó, nhìn lại thấy thương người Việt Nam và tự hào về người Việt Nam vô cùng.
Thời tôi sinh ra, lớn lên, đi học sách không nhiều, muốn đọc sách thì rất khó, các em giờ quá phát triển, đặc biệt công nghệ mà bỏ qua sách rất tiếc, nếu các em chạy theo thứ này thứ khác bình thường trong cái nhìn nhỏ hẹp “ao làng” sẽ phí hoài tuổi trẻ.
Nên tôi chia sẻ cảm hứng, tinh thần đó để các em nắm bắt được và vượt qua lũy tre làng, vượt qua chính mình, vượt qua tất cả mọi thứ, thấy lợi ích thiết thực và đọc, để tìm ra thế giới bên ngoài, từ đó các em có sự va chạm, tiếp thu và sống tốt hơn. Không chỉ nghĩ cho bản thân mình nhiều quá, mà hướng đến cộng đồng – đó là tinh thần tôi học được khi tiếp xúc với những người trẻ nước ngoài.
* Bản thân chị, và các thành viên có khi nào thấy muốn dừng lại khi gặp khó khăn trong quá trình xây dựng dự án?
– Tôi và các bạn trong dự án cũng đang trong quá trình tu sửa bản thân, nên khi gặp khó khăn, thỉnh thoảng thấy bâng khuâng, tự hỏi mình làm như vậy có đúng không? Những áp lực vô hình chỉ bản thân mình và những người trong cuộc mới hiểu, có những đêm nằm suy tư trằn trọc: làm như vậy, nó có mang lại hiệu quả?
Cũng là duyên, khi chuẩn bị cho dự án, tôi vô tình đọc được cuốn sách Lời hứa về một cây bút chì, cuốn sách như tri kỷ là động lực, truyền cảm hứng cho tôi về một lời hứa với chính mình, lời hứa về khao khát theo đuổi những giấc mơ lớn của cuộc đời, xây dựng những ngôi trường di động bằng sách. Vậy là tôi đã tự nói với chính mình, thôi làm đi!
* Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ!
Tiếp bước tương lai mong muốn sẽ mang đến 63 góc đọc sách với 6.300 quyển sách mang tính chất nuôi dưỡng tâm hồn và khám phá thế giới cùng 630 học bổng khuyến học. Dự kiến có 3 triệu bạn trẻ được truyền cảm hứng đọc sách thông qua các hoạt động truyền thông báo chí, mạng xã hội với mục đích khuyến khích tìm hiểu cội nguồn qua văn hóa vùng miền, danh lam thắng cảnh, lịch sử địa phương; đồng thời kết nối cộng đồng công tác xã hội. Sau hơn một năm chuẩn bị, chương trình chính thức khởi động hành trình Tiếp bước tương lai ngày 3-3-2018 tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM), hứa hẹn hoàn thành xây dựng góc sách ở 63 điểm trường trong cả nước vào tháng 1-2019. Đặc biệt, mỗi lần họp nhóm, các thành viên sẽ cùng nhau ăn chay và vẫn duy trì ngày quán niệm hàng tháng vào tối thứ 3 đầu tiên mỗi tháng cho các thành viên (không bắt buộc, tùy theo duyên của mỗi người). Đến đây, mọi người cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm thực tập, tu học Phật pháp và thực tập ngồi yên. |
Nhã An thực hiện
Theo Giác Ngộ/giacngo.vn