Đoạt Giải thưởng Lớn cuộc thi tìm kiếm tài năng thiết kế thời trang Vietnam Collection Grand Prix 2002, là một trong những nhà thiết kế Việt Nam đầu tiên tham gia Tuần lễ thời trang quốc tế với bộ sưu tập được trình diễn tại Singapore Fashion Week 2005. Cuộc trò chuyện mang màu sắc hoài cổ của những người thuộc thế hệ 8X thời kỳ đầu, về những đổi thay của cuộc sống và những dự định tương lai, ở một quán café nhỏ gần khu trung tâm Sài Gòn đang xây dựng ngổn ngang.

 

 


Anh nói Đà Lạt mang đến cho anh sự yên bình, nếu chọn sống ở Đà Lạt thay vì Sài Gòn, anh sẽ làm gì? Sẽ là một nắng hai sương trên những luống rau?
 
Nãy đi lên cầu thang gỗ, tôi nhớ Đà Lạt, hồi đó gia đình tôi sống trong căn nhà Pháp cổ, tường dày, trần cao như quán này. Nhưng người ta đi lại nhiều quá, không biết cái cầu thang cổ đó có chịu nổi không? À, giờ quay về Đà Lạt tôi biết làm gì? Đất trồng rau chưa chắc có, mở khách sạn thì tôi không thích, kinh doanh quần áo biết có ai mua? Chắc tôi làm anh thợ may. Mà nói thật, tuy làm nghề này nhưng tôi không thích đàn ông may vá thêu thùa. Đàn ông phải mạnh mẽ, bung ra đường, cáng đáng việc lớn này nọ, chứ ngồi cặm cụi cắt may, chú ý từng tiểu tiết tôi thấy khổ sở lắm.

Thế nhưng anh vẫn chọn nghề thiết kế thời trang? Hay anh không làm những việc “tiểu tiết”?

Thời trang là công việc và đam mê rồi, không bỏ được đâu. Nói là không thích đàn ông may vá chứ tôi biết làm hết đó, từ kết nút, làm khuy, kết cườm, tự tay tôi làm mới đúng ý. Cuộc đời vốn tồn tại những điều tréo ngoe, nên việc tôi làm nghề thiết kế thời trang nhưng không thích may vá, cũng giống như một người nào đó làm về quan hệ công chúng nhưng lại ghét giao tiếp xã giao. Những điều đó bình thường lắm, có người thừa nhận, có người không, vậy thôi!
Đó có phải là lý do anh chuyển sang thời trang nam? Vì tôi nghĩ thiết kế quần áo cho nam đơn giản hơn nữ?

Sai rồi!  Làm đồ nam tốn công hơn đồ nữ. Nếu quy trình cho đồ nữ là: Ra chợ – Về nhà – Lên máy may – Ra cửa hàng, thì quy trình cho đồ nam phức tạp hơn. Đồ nam nhiều công đoạn hơn, ví dụ áo thun nữ có thể viền máy may, áo thun nam phải viền máy kansai, vô dây chống dãn vai, bo cổ dùng loại thun riêng định hình… Đồ nữ có thể bay bổng với lụa là, đồ nam tốn nhiều công để cho ra sản phẩm đạt yêu cầu.

Hôm rồi tôi có ghé qua cửa hàng của anh, đối tượng khách hàng anh hướng tới là giới trẻ?

Cũng có thể xem là như vậy. Nhưng đường hướng của cửa hàng hiện giờ còn lung tung lắm, sắp tới tôi phải điều chỉnh lại. Tôi không phải là người giỏi kinh doanh, nên sau bao nhiêu năm, dù cố gắng tiết chế nhưng hình như tôi chỉ làm những gì tôi thích. Tôi làm rất nhiều thứ nhưng vẫn chưa giàu, ý tôi là về tiền bạc, chứ những cái ngoài tiền chưa chắc có ai giàu hơn tôi. Mà ngay cả tiền, người biết đủ là người giàu có rồi! (cười)

 Cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix với chặng đường 10 năm (1999-2009) đã phát hiện ra nhiều tài năng thiết kế thời trang. Trở lại thời điểm năm 2002 khi anh đoạt giải thưởng cao nhất, anh sẽ nói gì?

Những người đoạt giải đều là những người rất giỏi. Do không có điều kiện tiếp cận với thế giới bên ngoài, nên sáng tạo khi đó hoàn toàn là sáng tạo cá nhân. Giờ đi đâu cũng truy cập được internet ầm ầm, rồi smart phone, chứ ngày đó làm gì có. Tôi nhớ giá thuê internet là 16 ngàn đồng một giờ, mà chỉ dùng để chat với bạn bè là chính. Rồi khi đoạt giải, tôi là người duy nhất trong khoa có điện thoại di động. Tôi sáng tạo bằng sự quan sát, tìm tòi, đấu tranh với các ý tưởng trong đầu để tìm ra ý tưởng tối ưu nhất. Bây giờ, các bạn trẻ có điều kiện tham khảo, nắm bắt các xu hướng mới rất nhanh, nhưng lượng thông tin ồ ạt đó cũng chi phối nhiều đến sáng tạo cá nhân.
Giống như khi đóng hết các cánh cửa, ngăn cách với thế giới bên ngoài, tự mình đối diện với mình thì sáng tạo cá nhân sẽ bật ra?

Cũng gần giống vậy, nhưng điều đó sẽ làm mất đi sự hội nhập, trong khi thời trang cần sáng tạo cá nhân lẫn hội nhập. Khi mới đoạt giải, tôi ra Hà Nội, được người quen tặng một cuốn tạp chí thời trang nước ngoài, tôi quý như vàng. Về nhà, tôi cất tạp chí trong tủ ký túc xá, không cho ai đụng vô. Mấy năm sau rộ lên kênh truyền hình FTV (Fashion TV), nhưng phải đến những quán café sang trọng mới có. Tôi ở nhà thuê bé xíu mà cũng ráng dồn hết tiền mua chảo thu phát sóng to đùng để trên nóc nhà, bắt cho được kênh FTV. Tôi đầu tư cho sự nghiệp ghê gớm lắm chứ!

Sau này nghĩ lại tôi thấy thời điểm đó khó khăn thật, nhưng chính vì khó nên cái gì đã thích đều rất mãnh liệt, thôi thúc tôi phải làm bằng được. Giờ mọi thứ tràn trề, có sẵn, chỉ cần lên mạng là có. Điều đó tốt về mặt này nhưng không tốt mặt khác. Ví dụ như cái gì cũng có sẵn sẽ làm cho người ta lười sáng tạo, khó khăn trong việc định hình cái tôi, phong cách riêng, điều đó có thể dẫn tới sự giống nhau trong thiết kế.

Có lẽ vì vậy mà sản phẩm thời trang ngày nay đa phần được đánh giá là có hợp xu hướng không, chứ tôi ít thấy ai đề cao dấu ấn cá nhân nữa. Anh nghĩ sao về điều này?

Khi thông tin quá nhiều sẽ làm các bạn trẻ bị rối. Không phải ai cũng có đủ bản lĩnh lọc lựa thông tin đó, để pha trộn khéo léo giữa sáng tạo cá nhân và xu hướng. Tôi đi chấm vài cuộc thi, nhìn thiết kế của các bạn, nếu quay lại 10 năm trước, tôi sẽ không trách, vì khi đó những thiết kế ngô nghê đó có thể chấp nhận được. Nhưng bây giờ đi thi mà vẫn làm theo kiểu như vậy thì không ổn, các bạn đang có quá nhiều điều kiện thuận lợi, sao các bạn không bật lên? Thời buổi này, nếu bạn nào giỏi sẽ giỏi thật sự. Tôi thấy một vài bạn rất khá qua vài cuộc thi, sáng tạo cá nhân tốt, thiết kế tốt nhưng nếu tôi nhắc đến tên chắc sẽ không ai biết. Chắc sự quan tâm đang dành cho những cái bề nổi nhất, nhanh chạm đến nhất và dễ lan rộng nhất. Ngày xưa đãi cát tìm vàng, giờ vàng thau lẫn lộn, có người nhìn vào cái sáng nhất, chói nhất rồi kết luận ngay đó là vàng nhưng chưa chắc.


Có thể vì bây giờ ít a có thời gian đãi vàng, lẫn phân biệt vàng thật hay giả. Vậy theo anh, một nhà thiết kế hợp thời sẽ phải có những yếu tố nào?

Nhà thiết kế đó phải có tài năng, đó là điều bắt buộc, cộng thêm kiến thức và sự nhạy bén về kinh doanh để tạo thành một “gói” hoàn hảo. Xét cho cùng, thời trang phải đến được với khách hàng, cho nên “hành trang” trong “gói” hoàn hảo đó cần sự hài hòa hơn xuất sắc. Nếu xét riêng về tài năng, có thể nhà thiết kế đó không trội bằng nhà thiết kế khác, nhưng sự kết hợp hài hòa của tài năng và kinh doanh là điều thị trường cần. Ở nước ngoài, nhà thiết kế giỏi, được đánh giá rất cao về tài năng cũng rơi vào cảnh phá sản, như trường hợp của Christian Lacroix, hoặc phải bán lại nhãn hiệu cho người khác.

Có lẽ tôi dở kinh doanh nên ngưỡng mộ những bạn trẻ biết làm kinh doanh. Các bạn nắm bắt xu hướng nhanh, đáp ứng thị hiếu đúng kiểu fast fashion, sản phẩm của các bạn được đông đảo khách hàng chấp nhận.

Anh xuất phát từ cuộc thi thiết kế thời trang có tính chuyên môn cao, để đánh giá các thiết kế của cuộc thi đó, người ta cần kiến thức và sự cảm thụ về nghệ thuật. Trong khi fast fashion mang đến cái đẹp hợp thời, khách hàng dễ nhận thấy và chọn lựa. Anh chọn cách nào để dung hòa?

Tôi là người tương đối cởi mở, chấp nhận sự thay đổi và có sự giao tiếp với thời đại, chứ không bảo thủ trong những cái xưa cũ. Có thể xem đó là cách tôi dung hòa giữa cá nhân và hiện tại. Tuy nhiên, không nên so sánh một sản phẩm thời trang có chiều sâu về ý tưởng, trải qua nhiều công đoạn sản xuất phức tạp với một sản phẩm fast fashion, vì hai sản phẩm đó có giá trị khác nhau. Ngày xưa, khi mới làm nghề, tôi có thú vui rất kỳ dị là chạy ngang qua shop của các nhà thiết kế đàn anh, đàn chị, chỉ để nhìn các thiết kế được lên báo, biểu diễn. Tuần nào tôi cũng chạy một, hai lần như vậy. Còn bây giờ, đi ngang qua shop của các nhà thiết kế tôi chỉ thấy bình thường. Đó là một điều buồn.

Vì sao?

Thị hiếu thay đổi, nhận thức thay đổi dẫn đến số lượng người yêu thích, săn lùng thời trang tăng lên khủng khiếp. Nhưng lượng người am hiểu về thời trang ngày càng ít ỏi. Tôi tự phân tích là có thể do giáo dục của chúng ta ít chú trọng đến nghệ thuật, trong khi giáo dục nước ngoài tạo nền tảng rất tốt cho cảm thụ nghệ thuật. Có thể bạn không có chuyên môn về thời trang, nhưng với cái nền về nghệ thuật, ví dụ như mỹ thuật và âm nhạc đã có, bạn sẽ cảm nhận được cái đẹp và đưa ra những nhận định phù hợp. Còn hiện nay, khi đánh giá về thời trang, thường chỉ là “Ô đẹp quá!” hoặc “Ô xấu quá!” rất chung chung.

Đối với bộ sưu tập thời trang nam vừa trình diễn tại Elle Fashion Show Xuân Hè 2015, anh đón nhận comment như thế nào?

Thường là khi xong việc, tôi bỏ sự quan tâm trong vòng mấy ngày hoặc một tuần. Tôi không nghĩ gì tới nó nữa, tôi để cho mình bình tâm lại. Sau đó, tôi bắt đầu đọc và nghe nhận xét của mọi người. Tôi phân loại các nhận xét rất kỹ. Ở thời của tôi, trước khi nhận xét điều gì tôi đều cân nhắc rất kỹ, nên thường bị cho là e dè, thiếu cá tính. Nhưng tôi thấy làm vậy cũng có cái hay, vì im lặng và cảm nhận giúp tôi tự điều chỉnh và chọn cách phát ngôn thích hợp. Giờ có lẽ đang là trào lưu của thể hiện cá tính, hoặc tự do phát ngôn, nên tôi thấy ai cũng có thể nói, có thể đưa ra nhận xét mà không dựa trên bất kỳ cơ sở hay sự phân tích nào. Tôi không thể học, rút kinh nghiệm hay tiến bộ từ những nhận xét như vậy. Ngược lại, tôi còn phải tự “lọc” để những cái tiêu cực đó không ảnh hưởng đến tinh thần tôi.


Những nhận xét, góp ý như thế nào anh cho là có giá trị đối với anh? Có cần phải biết may áo hay thiết kế thời trang mới có thể nhận xét được? 
Dĩ nhiên không cần biết may mới góp ý được thợ may. Cái mà người chê bai cần làm là đưa ra lý lẽ tại sao họ chê, và nếu lý lẽ đó thuyết phục, tôi sẽ ghi nhận. Tôi rất cởi mở với những lời chê, nếu nó thật sự tích cực, giúp tôi nhìn ra vấn đề. Còn những lời chê, đúng hơn là mạt sát, không có căn cứ thì tôi không quan tâm.

Có một chuyện như thế này, tôi xuất phát từ cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix, từng hợp tác với cô Minh Hạnh. Tôi ra đi vì không tìm được tiếng nói chung, nhưng khi nghe những lời nhận xét về cô, ví dụ Minh Hạnh lạc hậu, Minh Hạnh lỗi thời… tôi nói mọi người hãy xét lại đi, mọi người nói sai bét rồi. Cô Hạnh là người đặt nền móng cho thời trang Việt Nam từ những ngày đầu, tổ chức những buổi trình diễn thời trang có ý tưởng, thống nhất từ những cái tưởng nhỏ như đầu tóc, trang điểm… Tạp chí Mốt Việt Nam khi đó là tạp chí chuyên về thời trang, nói về thời trang hơn là chuyện ngoài lề. Tất cả những điều đó cần phải được nhìn nhận đúng.

Minh Hạnh đối với anh là…?

Là một bức tượng. Nếu có ai đó không trân trọng bức tượng đó thì hãy để yên chứ đừng cố hủy hoại. Nếu không có cô Hạnh thì làm sao có Công Trí? Và nếu không có Công Trí thì làm sao có những nhà thiết kế đàn em? Bản thân tôi cũng thích style của anh Trí. Để tôi nói điều này nữa, người làm tôi kinh sợ về màu sắc, tôi phải nhấn mạnh bằng từ kinh sợ, đó chính là cô Hạnh. Những ai có khả năng cảm thụ màu sắc sẽ thấy tôi đúng. Về trình độ xử lý chất liệu, vải đó có thể mua ngoài chợ với giá vài chục ngàn, tôi nhìn vào còn thấy sợ (đúng hơn là thấy gớm), nhưng qua tay cô Hạnh, nó trở thành sản phẩm đáng giá cả trăm triệu, đẹp mê hồn. Đó là tài năng của người thiết kế có thể nhìn thấy vẻ đẹp từ những cái tầm thường, và biến cái tầm thường thành lộng lẫy.

Anh có chịu ảnh hưởng nào từ phong cách Minh Hạnh không?

Tôi nghĩ là không, vì tôi không theo hướng đi đó. Tôi không làm được áo dài, dù đã thử nhiều lần. May thì tôi may được nhưng tôi không nỡ phá cách trên áo dài truyền thống. Đối với tôi, áo dài trắng cổ cao, tà dài đơn giản đã quá đẹp rồi.

Anh có viết thế này trên trang cá nhân: “Tôi luôn tin mỗi người khi trải qua thăng trầm, họ chọn cho mình đứng trong bóng đêm để trân trọng những sắc màu”. Vì sao anh chọn bóng đêm?

Khi đứng ngoài sáng, có quá nhiều màu sắc nên khó chọn lựa. Nhắm mắt lại, mọi thứ tối đen, sẽ biết được mình muốn cái gì nhất. Thiếu thốn luôn làm khao khát trở nên mãnh liệt. Thời trang và cuộc sống đối với tôi cũng vậy. Về bản chất, tôi không thấy mình thành công. Cái được của tôi đó là dám thử, mọi người thấy tôi làm vớ vẩn nhưng đó là cái tôi muốn. Bởi vì tôi thấy nhiều người khi còn trẻ không dám thử nhiều thứ, đến khi già đi lại tiếc sao ngày trước không thử, không bước ra vùng an toàn. Tôi học sự mạo hiểm từ các bạn trẻ, có thể bị đánh giá là “trẻ trâu” nhưng thôi kệ.

Nhưng ở tuổi của anh, nếu sảy chân thì biết gượng lại bao nhiêu cho vừa, và người ta sẽ đánh giá khác với sảy chân của các bạn trẻ. Anh không sợ à?

Tôi sợ ù lì hơn! Thà thử để biết khả năng tới đâu vẫn tốt hơn nhiều. Chẳng hạn có người kêu tôi làm MC, tôi sợ chứ, nhưng nghĩ chắc người ta thấy tôi có khả năng mới kêu làm. Tôi làm xong rút ra kết luận tôi không thể làm MC. Ở ngoài tôi có thể nói chuyện tếu táo, lanh lẹ, nhưng MC cần nói năng nghiêm trọng, khuôn sáo, tôi không làm được.


 Anh tự nhận anh không thành công, tuy nhiên, anh là một trong những nhà thiết kế Việt Nam có cơ hội tham gia tuần lễ thời trang quốc tế sớm nhất, cụ thể là Singapore Fashion Week 2005. Tôi nghĩ được đi ra quốc tế là cơ hội quá tốt còn gì?

Tôi sụp đổ sau chuyến đi đó. Tôi nhận ra cái tôi làm chỉ là thời trang kiểu thủ công. Sau buổi diễn ở Singapore Fashion Week, các nhà thiết kế giới thiệu và tiếp thị trực tiếp sản phẩm đến người mua. Khách hàng hỏi về bộ sưu tập, chất liệu, mẫu mã, cách đặt hàng số lượng lớn, cách thức giao hàng… nói chung là tất cả mọi thứ để họ có thể mua sản phẩm. Nhưng tôi từ chối hết, lý do là không thể sản xuất hàng loạt theo yêu cầu, đảm bảo đúng chất lượng với điều kiện về nguyên liệu và phụ kiện trong nước. Thời điểm đó, thời trang trong nước mang tính trình diễn và mua bán nhỏ lẻ, chứ sản xuất hàng loạt vẫn là thách thức lớn đối với các nhà thiết kế. Bây giờ cũng vậy, tôi đánh giá cao và cần những show thời trang mà ở đó nhà thiết kế không chỉ được trình diễn những sản phẩm mới nhất, mà được giao lưu với khách hàng, có những cơ hội hợp tác phát triển thương hiệu, chứ không chỉ là trình diễn xong rồi thôi.

Đã gần 10 năm qua rồi, tôi thấy thời trang Việt Nam thay đổi khá nhiều, chuyên nghiệp, quy mô và phát triển hơn. Anh thấy sao?

Tôi thấy có hai vấn đề như thế này, thứ nhất là Sài Gòn giống như “ốc đảo” thiên đường, tất cả những gì cập nhật nhất, hoành tráng nhất đều tập trung ở Sài Gòn. Cho nên, nếu chỉ nhìn thời trang ở Sài Gòn, hay chính xác là thời trang của một nhóm nhỏ những người sành điệu, có điều kiện để cho rằng thời trang Việt Nam phát triển thì không đúng lắm. Đến khi nào các bạn ở những vùng xa mặc đẹp, hợp thời thì mới có thể nói thời trang Việt Nam phát triển.

Vấn đề thứ hai là khi tôi qua Hàn Quốc, tôi thấy đa số người dân Hàn Quốc đều mặc quần áo nội địa với chất lượng không thua gì các nhãn hiệu thời trang lớn trên thế giới. Đến khi nào thời trang nội địa của chúng ta đạt chất lượng như thế, hình thành một xu hướng, được đông đảo người dân đón nhận, mới có thể nói rằng thời trang Việt Nam thật sự đi lên.

 

Anh đang hướng tới thời trang nào, ready to wear (ứng dụng) hay haute couture (cao cấp)?

Tôi muốn làm thời trang hướng đến số đông, có sự lan tỏa, tạo ra trào lưu cho giới trẻ giống như Nino Maxx một thời. Có lúc tôi cho mình tự do bay bổng trong thời trang ý niệm, như bộ sưu tập Báu vật đại dương trình diễn ở Đẹp Fashion Show 11, nhưng đích đến của tôi vẫn là thời trang ứng dụng. Tôi đang ấp ủ nhãn hiệu mới dành cho nam giới từ 30 tuổi trở lên song song với xây dựng lại nhãn hiệu B21 dành cho giới trẻ, hướng tới những bạn trẻ năng động, tràn đầy tinh thần thể thao và không ngại khẳng định cá tính riêng. Tôi nghĩ rằng khi còn trẻ, chúng ta cần phải sống với mức năng lượng cao nhất, thể hiện hết đam mê, hoài bão và phong cách riêng vì tuổi trẻ nào cũng qua một thời, được sống trong tuổi trẻ, được “điên” trong tuổi trẻ là trải nghiệm tuyệt vời nhất của một đời người.

Tiến Tr

Concept Art: Nguyễn Nhật Minh

Photo: Nick Nguyễn

Stylist: Đinh Thành Long

Make up: Ngọc Diệp

Location: Đảo Kim Cương Quận 2, TP HCM

Car: Honda City

 

Bệnh viện Hạnh Phúc