Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) vừa tổ chức buổi nói chuyên mang tên “Hệ thống tên lửa đẩy tiên tiến và trí tuệ nhân tạo” với phần trình bày của GS Bruce Vũ và ThS Đào Trung Thành. Đây là chương trình nằm chuỗi những bài giảng công chúng do trường ĐH Quốc tế tổ chức dành cho học sinh, sinh viên các trường trong nhiều năm qua.
ThS Đào Trung Thành – Phó Viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) – Ủy viên Ban Chấp hành Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA).
ThS Đào Trung Thành là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT) với hơn 29 năm kinh nghiệm đa dạng và nổi bật với vai trò là Phó Viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII). Ông học Thạc sĩ ngành Viễn thông tại trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP. HCM) và Thạc sĩ ngành An ninh mạng từ Học viện Quốc gia Viễn thông – Institut National des Télécommunications, Pháp.
Trong sự nghiệp, ông Thành đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Phó giám đốc Công ty Tin học Bưu điện (Netsoft), CTO của tập đoàn MVV Group, và Giám đốc công nghệ thông tin (CIO) của Hệ thống Vinschool. Ông cũng là giảng viên tại học viện lãnh đạo MVV Academy và có kinh nghiệm giảng dạy tại trường Cao Đẳng kỹ thuật Sài Gòn (Saigon Tech), chi nhánh của Đại học Austin (Houston) tại TP. HCM.
Với sự nghiệp dày dặn, ông Thành chịu trách nhiệm chuyên môn về AI tại Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII, nơi ông chủ trì các hoạt động nghiên cứu và phát triển về sự kết hợp giữa blockchain và AI, nhằm mở ra những cánh cửa mới cho đổi mới và hiệu quả trong kỷ nguyên số. Đặc biệt, ông Thành là một trong những nhân vật tiên phong trong việc áp dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào các lĩnh vực quản lý nhà nước, đã cung cấp thông tin về AI cho Ban Nội chính Trung ương và hỗ trợ Văn phòng Chính phủ trong công tác cải cách hành chính. Ông cũng thường xuyên làm diễn giả tại các buổi nói chuyện với sinh viên, nhấn mạnh về tầm quan trọng và tiềm năng phát triển của AI trong tương lai nghề nghiệp và xã hội. Ngoài ra, ông Thành có vai trò quan trọng trong việc tư vấn chiến lược cho nhiều công ty và tập đoàn trong và ngoài nước như MobiFone, Viettel, PV Gas. Ông cũng là cộng tác viên của Viện John von Neumann- ĐHQG-HCM và thường xuyên tham gia giảng dạy các khóa đào tạo lãnh đạo và công nghệ cao cấp.
Về mặt xã hội, ông Thành là một trong những người quản lý của nhóm “Bình dân học AI”, một cộng đồng lớn với hơn 150 ngàn thành viên, nhằm mục đích phổ cập và chia sẻ kiến thức về ứng dụng AI tại Việt Nam. Ông cũng có một sự nghiệp nổi bật trong các hoạt động thể thao và xã hội, là thành viên ban cố vấn của sự kiện Uprace và sáng lập viên CLB SRC (Sunday Running Club). Ông Thành còn được biết đến như một người ủng hộ và tuyên truyền cho lối sống xanh (green lifestyle) và là người nhận được giải thưởng “Người truyền cảm hứng” từ tổ chức phi chính phủ ActionAid, về những nỗ lực cổ động thanh niên trong nhận thức và trách nhiệm về Biến đổi khí hậu.
Còn GS Bruce Vũ nguyên là kỹ sư hàng không vũ trụ tại Trung tâm Không gian Marshall (NASA’s Marshall Space Flight Center), tiểu bang Alabama từ năm 1989 đến 2000. Tại đây, GS đã phát triển các thuật toán nhằm tính toán dòng chảy nội lưu và ngoại lưu (internal and external flow), với ứng dụng đa dạng từ máy tua-bin đến các tên lửa đẩy
Từ năm 2002 đến 2021, GS Vũ dẫn dắt nhiều dự án tại Trung tâm Không gian Kennedy (NASA’s Kennedy Space Center) như: Hệ thống khử âm bằng nước, môi trường tạo ra khi phóng, tương tác bề mặt dòng khói, động học khí hiếm và mô phỏng dòng chảy không liên tục.
GS là giảng viên tại một số học viện, bao gồm Viện Công nghệ Florida, Đại học Trung tâm Florida ở Orlando, Trường Sau đại học Hải quân, và Trường Công nghệ và Khai thác mỏ South Dakota. Các môn giảng dạy bao gồm Cơ học chất lỏng, nhiệt động học, dòng chảy nhớt, không khí động học trung gian và động học khí nâng cao.
Các nội dung chính của buổi nói chuyện đã tập trung vào trình bày các hạn chế và các tiến bộ của công nghệ tên lửa hiện tại, các công nghệ mới đang được nghiên cứu cũng như các triển vọng khám phá không gian trong tương lai, Al và các ứng dụng, tác động của AI đối với mọi mặt đời sống xã hội, cả tích cực và tiêu cực, và ứng dụng của Al trong các hệ thống tên lửa đẩy.
TS Phan Hiền Vũ – Phó Trưởng Bộ môn Vật lý trường ĐH Quốc tế chia sẻ: “Chúng tôi tổ chức các buổi nói chuyện như thế này nhằm mang lại kiến thức cho cộng đồng, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên. Mong sao kiến thức khoa học sẽ được phổ quát đến các em học sinh sinh viên và công chúng nhiều hơn nữa. Đặc biệt, với chủ đề lần này liên quan đến trí tuệ nhân tạo và hệ thống tên lửa, chúng tôi mong muốn sẽ phần nào góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tính sáng tạo của các bạn trẻ, giúp các bạn phát triển nghề nghiệp phù hợp với bối cảnh của thế giới”.
Thành lập vào tháng 12 năm 2003, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) là trường đại học công lập đầu tiên sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong việc giảng dạy và nghiên cứu. Trường có hơn 11.000 sinh viên và hơn 600 học viên, nghiên cứu sinh Sau đại học. Trường hiện có 23 chương trình đào tạo bậc Đại học, 11 chương trình bậc Thạc sĩ và 5 chương trình bậc Tiến sĩ. Sau 20 năm hình thành và phát triển, trường ĐH Quốc tế đã trở thành một trong những trường đại học công lập có uy tín trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam với các chương trình đào tạo đạt chuẩn đánh giá của Mạng lưới các trường Đai học Đông Nam Á (AUN-QA), đạt chuẩn kiểm định ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology – Tổ chức Kiểm định các chương trình Đào tạo Kỹ thuật – Công nghệ Hoa Kỳ), chuẩn kiểm định ASIIN, ACBSP. Trường ĐH Quốc tế là cơ sở giáo dục đạt chất lượng kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET – 2016).
Đặc biệt, trường ĐH Quốc tế là trường thứ 7 của khu vực Đông Nam Á đạt chuẩn đánh giá cấp cơ sở giáo dục của AUN-QA (2018). Và năm 2023, trường đã chính thức đạt kiểm định cấp cơ sở giáo dục theo chuẩn ASIIN (Accreditation Agency for Study Programs in Engineering, Informatics, Natural Sciences and Mathematics).
Tiệp Văn