[Phụ Nữ Hiện Đại]-Ngày 1/12/2024 vừa qua, Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Hội Kỹ sư Điện và Điện tử, Hoa Kỳ (Institute of Electrical and Electronics Engineers – IEEE) – tổ chức Hội nghị Quốc tế về Logistics và Kỹ thuật Công nghiệp (ICLIE 2024). Hội nghị quy tụ quy tụ các nhà nghiên cứu, chuyên gia và nhà đổi mới hàng đầu cùng thảo luận về những xu hướng, thách thức và giải pháp định hình tương lai của logistics, kỹ thuật công nghiệp và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và các dịch vụ toàn cầu như công nghệ thông tin, kinh doanh, tài chính ngày càng phát triển mạnh mẽ, logistics và quản lý chuỗi cung ứng giữ vai trò cốt lõi trong việc duy trì và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, khi phải đối mặt với những thách thức như biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên và gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu đổi mới và tối ưu hóa trong lĩnh vực này càng trở nên cấp thiết.
Với chủ đề “Những đổi mới trong Quản lý Logistics và Chuỗi Cung ứng bền vững: Hướng đến Công nghiệp 4.0” hội nghị hướng đến việc khám phá các giải pháp sáng tạo nhằm tối ưu hóa logistics và chuỗi cung ứng, gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0. Hội nghị thảo luận xoay quanh 05 nhóm chủ đề quan trọng như Tính bền vững và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp; Thiết kế hệ thống năng lượng tái tạo; Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và Logistics; Ứng dụng Công nghiệp 4.0 trong logistics và quản lý chuỗi cung ứng và Chuyển đổi số (Logistics, thương mại điện tử, Khởi nghiệp,…).
Sự kiện được dẫn dắt bởi các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Logistics và Chuỗi Cung ứng như PGS.TS. Rujira Chaysiri (Đại học Thammasat, Thái Lan), TS. Yasushi Ueki (Viện Kinh tế Phát triển JETRO, Nhật Bản) và GS.TS. Thái Văn Vinh (Đại học RMIT, Úc), với góc nhìn chuyên sâu cùng các xu hướng toàn cầu, các chuyên gia sẽ mang đến những kiến thức giá trị cho người tham dự.
Hội nghị không chỉ là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật các xu hướng mới nhất mà còn tạo không gian để thảo luận các giải pháp thực tiễn, giải quyết những thách thức trong ngành Logistics. Đây còn là cơ hội để các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và sinh viên tiếp cận những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, làm nền tảng cho các dự án hợp tác chiến lược, thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.
Đặc biệt, hội nghị năm nay ghi nhận sự tham gia của 259 tác giả đến từ 23 quốc gia, với 148 nghiên cứu được gửi đến. Trong số đó, 45 nghiên cứu xuất sắc nhất đã được lựa chọn để xuất bản trong kỷ yếu của IEEE – tổ chức khoa học và kỹ thuật uy tín hàng đầu thế giới, có hơn 400.000 thành viên từ 160 quốc gia. Những nghiên cứu này không chỉ đóng góp tri thức giá trị cho ngành Logistics và Chuỗi cung ứng mà còn phản ánh xu hướng đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực, gắn liền tinh thần phát triển bền vững của hội nghị.
Là trường đại học có thế mạnh trong đào tạo ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng, Trường Đại học Văn Lang tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông qua hội nghị. Sự kiện không chỉ là cầu nối gắn kết các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và doanh nghiệp mà còn mở ra hướng đi mới, góp phần tìm kiếm những giải pháp bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng trong kỷ nguyên số.
Tiệp Văn