Ngoài việc tự tạo ra những “vườn” rau sạch, như rau muống, rau lang, rau cải, rau mầm, giá… gần đây nhiều bà nội trợ tại TPHCM đã chia sẻ cho nhau cách trồng và chăm sóc nấm tại nhà.

Thử làm nông dân

Cách đây hai tháng, được người em họ tặng một bịch phôi nấm bào ngư, chị Lưu Phương, quận Gò Vấp mang về trồng thử. Làm theo hướng dẫn sử dụng ghi trong bịch nấm, sau một tuần chị thu hoạch đợt nấm đầu tiên và cứ thế với một bịch phôi nấm chị thu hoạch được bốn lần.

“Kết quả cũng khả quan. Dù số lượng nấm mỗi đợt không nhiều, chỉ đủ một đĩa nhỏ nhưng cả nhà tôi đều vui vì được thử làm nông dân, đồng thời an tâm vì sử dụng nấm sạch. Tôi thấy việc chăm sóc cũng không vất vả, chỉ nhớ tưới nước hàng ngày 2-3 lần là được”, chị Phương cho biết.

Cùng chung quan điểm, chị Hồng Mi, quận Thủ Đức kể, nhờ bạn bè giới thiệu, chị mua hai bịch phôi nấm hoàng kim về trồng tại nhà. Khoảng một tháng rưỡi, chị thu hoạch được năm lần, tổng cộng được gần 1 kg nấm.

“Trồng nấm tại nhà vui vì có nấm an toàn để ăn; vui vì cảm giác thư thái, thoải mái khi chăm sóc, khi nhìn quá trình nấm lớn lên rồi thu hoạch”, chị Mi nói.

Chị Mi còn cho biết, không chỉ chị mà rất nhiều bạn bè, người thân của chị cũng trồng phôi để lấy nấm ăn, hạn chế mua ở ngoài.

IMG_2306

Giá bán lẻ một số loại phôi nấmNấm bào ngư xám và nấm hoàng kim có giá 25.000 đồng/bịch. Nấm bào ngư trắng và nấm mèo 20.000 đồng/bịch. Phôi nấm linh chi vừa nhú tai nấm có giá 30.000 đồng/bịch, phôi nấm linh chi tai lớn 40.000 đồng/bịch.

* Một số địa chỉ bán phôi nấm:

– Đồng Xanh nấm trồng tại nhà: https://www.facebook.com/namtrongtainha

– Trồng nấm tại nhà: https://www.facebook.com/trongnamtainhahcm.

Địa chỉ: 418/4/6b Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM.

Không khó trồng

Chị Trương Thị Diễm Hằng, quận Thủ Đức, một trong những người thử nghiệm thành công việc trồng các loại nấm tại nhà và đang bán phôi nấm tại TPHCM, cho biết chị bắt đầu bán phôi nấm để người tiêu dùng có thể trồng tại nhà cách đây hai năm. Số lượng người mua cũng như số lượng phôi nấm bán ra tăng dần theo thời gian khi mà mọi người trồng thử nghiệm thành công, thu hoạch được nấm ăn.

“Tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm TPHCM ngành công nghệ sinh học cộng thêm niềm yêu thích trồng trọt tôi đã mày mò để tự trồng nấm và bắt đầu với ý tưởng tạo phôi để người dùng có thể tự trồng ở nhà. Từ cây nấm giống những cây nấm bình thường mình ăn hàng ngày, tôi phân lập, tạo thành meo, dưỡng (nuôi) cho meo đủ tuổi sau đó cấy meo vào mạt cưa. Đây chính là phôi. Khách hàng chỉ cần chăm sóc, nuôi dưỡng phôi này, nó sẽ mọc ra nấm. Chăm sóc nấm khá dễ, đơn giản chỉ là tạo độ ẩm cho bịch phôi. Khi có đủ độ ẩm, nấm sẽ mọc. Cách tạo ẩm là tưới nước xung quanh nơi để bịch nấm”, chị Hằng chia sẻ.

“Trong bịch phôi trộn thêm cám bắp, cám gạo cùng một số thành phần khác để tạo chất dinh dưỡng nuôi nấm phát triển. Hoàn toàn không sử dụng hóa chất không an toàn cho người sử dụng”, chị Hằng nói thêm.

Theo chị Hằng, việc trồng nấm tại nhà bao gồm ba bước. Đầu tiên, dùng dao rạch hình dấu “+” trên bịch nấm. Khách hàng cũng có thể để nấm ra ở cổ của bịch phôi trong lần thu hoạch đầu tiên và rạch bịch trong những lần thu hoạch kế tiếp. Tiếp theo, phun sương 2-3 lần/ngày để tạo điều kiện cho nấm phát triển. Khách hàng chỉ cần tưới phun sương xung quanh cho ướt bịch nấm, tường và sàn nhà nơi để bịch nấm để tạo độ ẩm. Sau 7-10 ngày sẽ thu hoạch được đợt nấm đầu tiên. Sau khi thu hoạch lần đầu, tạm ngưng phun nước trong 4-5 ngày, sau đó phun sương trở lại để kích thích nấm ra đợt 2, 3, 4.

Chị Hằng cũng tư vấn một vài vấn đề cần lưu ý khi trồng nấm tại nhà. Cụ thể:

– Nên đặt bịch nấm ở nơi râm mát, tránh ánh sáng trực tiếp, tránh gió lùa, tránh nơi quá khô vì sẽ làm nấm mất độ ẩm rất nhanh, dẫn tới khô phôi nấm và nấm lâu mọc. Nơi thích hợp nhất để trồng nấm tại nhà là nơi ẩm và kín gió. Không nên đặt nấm trong phòng máy lạnh hoặc nơi có nhiệt độ thấp.

– Trước khi trồng, cần vệ sinh nơi dự định sẽ đặt nấm để diệt các bào tử (mầm) mốc xanh, mốc đen… gây hại.

– Trong khi trồng nấm, nếu phát hiện bịch nấm bị nhiễm mốc xanh/cam/đen thì cần cách ly chúng, cạo bỏ phần bị mốc, ngừng tưới nước và đem phơi nắng 8-10 giờ. Nếu phôi nấm đã bị nhiễm mốc xanh, mốc đen quá nhiều thì nên cách ly các bịch phôi này ngay và cho chúng vào túi nylon kín, đem tiêu hủy (bỏ rác hay đốt).

– Nơi trồng nấm nếu gần khu chăn nuôi gia súc hay gần nguồn ô nhiễm, hoặc nguồn nước tưới nấm bị phèn, bị mặn cũng làm giảm sức sống của tơ nấm.

– Nấm bào ngư là loại nấm có sức sống rất mạnh, tuy nhiên chúng lại rất nhạy cảm với môi trường, thế nên cần tránh việc nhiệt độ lên xuống đột ngột tác động tới sự phát triển của nấm.

Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị/ http://www.sgtiepthi.vn/

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc