Từng giữ những trọng trách quan trọng của ngành y tế: Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, mỗi công việc, mỗi giai đoạn, Bà đều ghi dấu ấn của mình bằng hiệu quả công việc mang lại cho ngành, cho bệnh nhân. Cho đến khi nghỉ hưu, Bà vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội phòng chống HIV/AIDS VN, Quỹ Vòng tay nhân ái, Chủ nhiệm CLB Truyền thống Ban Dân Y Miền Nam đồng hành cùng các hành trình về nguồn, xông xáo trên mọi miền Tổ quốc với nhiều hoạt động như tri ân đồng đội, gây quỹ Vòng tay nhân ái, xây dựng khu di tích lịch sử – văn hóa Ban dân y TW Cục miền Nam… Cả đời Bà đã dành cho sự nghiệp y tế, cho người dân!

1/ Hiện nay, cả thế giới, trong đó có VN, đang căng mình đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp chủng mới virus corona (COVID-19). Nhớ lại trước đây, trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Y tế của mình, bà đã cùng ngành y tế lập nên kỳ tích lớn khi chỉ đạo toàn ngành phối hợp với các ngành liên quan xử lý thành công đại dịch SARS, đưa Việt Nam là nước đầu tiên dập được dịch SARS trên thế giới, nâng tầm uy tín của ngành y tế và của quốc gia trên thế giới. Bà có thể chia sẻ về những kinh nghiệm và những ấn tượng khó phai về điều này?

Tôi về nhận nhiệm vụ Bộ trưởng BYT vào tháng 7/2002, chỉ trong một thời gian ngắn, ngày 23/2/2003 có một ca bệnh người Hoa, quốc tịch Mỹ, bay từ Hong Kong đến Hà Nội, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, coi như biểu hiện viêm đường hô hấp, vào BV Việt Pháp. Các thầy thuốc nhận xét viêm đường hô hấp cấp của bệnh nhân này tiến triển rất nhanh, có những biểu hiện lạ không phải như bệnh cúm thông thường. Sau đó có mời đại diện của tổ chức y tế thế giới WHO, BS Carlo Urbani, cùng các nhà khoa học của Việt Nam ở viện Lâm sàng Bệnh viện Nhiệt đới và bệnh viện Bạch Mai, cùng hội chẩn và xét nghiệm bệnh phẩm. Qua đó, nhận thấy đây là một loại virus lạ không phân biệt được chủng loại nào và độc tính rất cao, có khả năng lây lan lớn và nguy cơ tử vong lớn. Ngay khi đó, tôi đã đề nghị thành lập một ban đặc nhiệm giao cho Thứ trưởng Bộ Y tế đứng đầu, đồng thời, mời đoàn y tế thế giới, viện lâm sàng y tế Trung ương lên phương án xử lý sớm bệnh này. Sau đó vài ngày, các nước khác công bố đã có ca dịch bệnh như vậy và sức lây lan của nó rất cao nhưng chưa nhận định được đó là loại virus gì. Khi nhớ lại điều này, thật sự cảm ơn BS Carlo Urbani người đã phát hiện ra dịch bệnh có tên gọi là SARS để hỗ trợ điều trị, giám sát dịch virus này.

Ngay khi nhận định được cơ chế lây lan qua đường hô hấp, chúng tôi lập ngay Ban đặc nhiệm của Bộ Y tế, báo cáo lên Thủ tướng và thành lập Ban phòng chống dịch quốc gia do Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng Ban. Chúng tôi xây dựng bốn tiểu ban: Truyền thông, Giám sát dịch, Điều trị, Hậu cần. Trong 4 tiểu ban này chúng tôi đều cơ cấu có tất cả các bộ ngành tham gia. Bốn tiểu ban liên kết với nhau và thông tin rất kịp thời, đồng thời, thông tin liên tục còn hàng giờ để quốc tế giám sát và theo dõi. Đối với tỉnh thành, đều thành lập tổ chức giống như ở Bộ.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến thăm, tặng quà cho bệnh nhân Bệnh viện Bạch Mai trong đợt dập dịch SARS, năm 2003.

Kinh nghiệm trong dịch SARS đó là việc cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm và những người tiếp cận, đồng thời là sự đồng lòng của người dân và sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Cũng giống như hiện tại về dịch Corona, chúng ta đã có giải pháp tích cực, nhanh chóng kịp thời như vậy sẽ giúp đẩy nhanh được dịch và không lây lan, xử lý và điều trị kịp thời, giúp cho tiến độ điều trị cũng như khả năng tìm ra được vắcxin và các nước họ cũng sẽ vào cuộc như thế. Cảm ơn các Bác sĩ, nhân viên y tế, họ rất dũng cảm trong trận chiến không có tiếng súng nhưng luôn có nguy cơ đến sức khỏe và tính mạng của mình. Chúng ta đã có một phác đồ điều trị rất tốt, điều trị được bệnh nhân đầu tiên trên thế giới. Chúng ta đã được sự hỗ trợ của Tổ chức y tế thế giới, Nhật Bản đã tài trợ khẩu trang và một số dụng cụ y khoa, hỗ trợ xây dựng Labor đạt chuẩn. Với BS Carlo Urbani, khi về Thái Lan, ông bị nhiễm SARS và tử vong. Sau đó Chính phủ Ý đã cho xây dựng Labor đạt chuẩn cấp 3 tài trợ cho Việt Nam và đặt tại trường Đại học Y Huế. Sau đó 45 ngày chúng ta đã tuyên bố thành công dịch SARS.

2/ Bà cũng đã từng đảm nhận vai trò Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia Dân số – Kế hoạch hóa gia đình. Ở cương vị này, ngành cũng đã ghi được nhiều dấu ấn quan trọng. Từ chỗ chỉ chú trọng về mặt số lượng, ngành DS- KHHGĐ đã từng bước nâng cao chất lượng dân số ở nước ta. Đó cũng là lý do Việt Nam được trao tặng Giải thưởng của Liên hiệp quốc về Dân số năm 1999?

Năm 1999 – Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến, chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thay mặt Chính phủ Việt Nam nhận giải thưởng về Dân số do Liên hợp quốc trao tặng tại trụ sở Liên hợp quốc.

 Khi tôi được Bộ chính trị, Thủ tướng, Quốc hội phân tôi làm Bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban dân số, đây là công việc hoàn toàn mới so với bản thân tôi nhưng cũng có nhiều thuận lợi vì trước đây tôi làm Y tế thành phố Hồ Chí Minh, là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố và trưởng ban văn hóa xã hội hội đồng nhân dân và là Tổng thư ký ủy ban dân số gia đình thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế, thành viên Ủy ban quốc gia dân số kế hoạch hóa gia đình. Lúc đó, nghị quyết của Trung ương về kế hoạch hóa gia đình cũng ra đời. Để quy mô dân số đạt và chất lượng dân số được tăng cao, chúng tôi tập trung truyền thông giáo dục, giảm tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng. Chúng tôi có nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn cho gia đình khó khăn, chăm sóc sức khỏe sinh sản ngoài kế hoạch hóa gia đình, phối hợp với các bệnh viện chuyên ngành để tăng cường thiết bị chữa trị vô sinh. Kết hợp với Bộ y tế tăng cường tiêm chủng mở rộng đạt tỉ lệ, hạn chế tỷ lệ suy dinh dưỡng cho bào thai.

Chúng tôi đã có thông qua Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về chất lượng con người Việt Nam, đề tài sàng lọc sau sinh ở Đại học Y Dược, đề tài để trợ giúp và lưu trữ tinh trùng. Từ đó, chúng tôi báo cáo với Liên Hợp Quốc kêu gọi sự hỗ trợ của quỹ dân số Liên Hợp Quốc. Từ đó, giảm quy mô dân số nhưng tăng chất lượng con người và tập trung sức khỏe sinh sản, giảm được tỷ lệ nạo phá thai, mang thai ngoài ý muốn. Năm 1999 chúng ta được giải thưởng Liên Hợp Quốc. Vinh dự khi tôi đã đến văn phòng Liên Hợp Quốc tại New York để nhận giải thưởng.

Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến thăm bệnh nhân ở các Bệnh viện tỉnh, huyện.

 3/ Là nữ Bộ trưởng Y tế đầu tiên giai đoạn 2002-2007, những vấn đề nào khó khăn nhất, bà quan tâm nhiều nhất, tập trung nhiều nhất trong giai đoạn này?

Đối với ngành y tế là một ngành rất nhạy cảm và áp lực vì ảnh hưởng đến sức khỏe sinh mệnh mỗi người dân, đòi hỏi chúng ta không được sai sót. Trong xã hội hiện nay giữa cái đúng và cái sai, giữa cái tích cực và không tích cực, giữa trách nhiệm và không trách nhiệm, giữa cho phép và không cho phép đôi khi cũng chưa rõ ràng. Cơ cấu bệnh tật thì luôn luôn thay đổi, chúng ta là nước nghèo thu nhập bình quân thấp, đầu tư y tế cho nhân dân cũng còn khó khăn.

May mắn, khi làm Bộ trưởng Y tế, tôi đã có 5 năm kinh nghiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế, đặc biệt là ngành dân số cũng gắn liền với ngành y tế, đặc biệt là nhu cầu về chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân càng ngày càng cao. Vấn đề quan tâm đầu tiên lúc đó cũng là vấn đề người dân quan tâm về khám chữa bệnh, làm sao để bệnh nhân được điều trị mà không phân biệt giàu nghèo. Tôi đã cố gắng cùng với các anh em, nối tiếp nhiệm vụ của Bộ trưởng trước, xây dựng ngay đề án kế hoạch khám chữa bệnh cho người nghèo, bảo hiểm y tế cho người nghèo. Với Quyết định 139, đã giải quyết được việc khám chữa bệnh cho người nghèo.

Vấn đề quan tâm thứ hai là công tác đào tạo, bởi nhân lực thiếu rất nhiều, bình quân thầy thuốc trên đầu dân rất ít, bác sĩ trong vùng sâu vùng xa không có, điều dưỡng, kỹ thuật viên cũng thiếu, lúc đó chúng ta cũng chưa đào tạo sâu vào vấn đề cận lâm sàng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Đối với đồng bằng Sông Cửu Long chỉ có một trường đại học ở TPHCM, cho nên khó khăn trong đào tạo, không có một tiến sĩ, không có một phó giáo sư. Vì thế, lúc đó tôi tập trung đầu tư vào mở trường Đại học Y dược Cần Thơ nâng lên từ khoa Y đại học Cần Thơ trong vòng 7 tháng. Tôi xây dựng đề án và trình chính phủ tôi cho nâng trường Cao đẳng Điều dưỡng Nam Định thành Đại Học. Nâng trường Cao đẳng Tuệ Tĩnh – chủ trương Đông Tây Y kết hợp thành Học viện YHCT, có thể đào tạo 3 cấp. Hiện nay, trường đã có nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ trình độ cao. Với trường CĐ Kỹ thuật Y tế Hải Dương, đã xây dựng và nâng cấp lên thành trường Đại học. Từ đó có phương pháp giảng dạy và thực hành, ứng dụng công nghệ cao các nước đưa vào.

Nhìn chung, các chính sách mà tôi tập trung là khám chữa bệnh cho người cận nghèo, thứ hai là đào tạo liên tục cho tuyến cơ sở cho cán bộ y tế, thứ ba là chính sách nâng đầu tư ngân sách cho y tế tuyến huyện từ đó hỗ trợ cho tuyến xã, gán lên cho tuyến tỉnh thành phố.

Lễ ký kết thư thỏa thuận giữa Bộ trưởng Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam Trần Thị Trung Chiến với cựu Tổng thồng Bill Clinton – Chủ tịch Quỹ Clinton về hỗ trợ mở rộng chương trình điều trị HIV/AIDS cho trẻ em, năm 2006.

 4/ Bà là Bộ trưởng và đồng thời là Chủ tịch Hội phòng chống HIV/AIDS đến nay và Việt Nam có thành công đáng kể. Theo Bà, thì kết quả nào đáng ghi nhận?

Trong chương trình phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam chúng ta là một trong những quốc gia có thành tựu lớn, hạn chế tỷ lệ hệ nhiễm HIV và những chính sách chăm sóc sức khỏe cho những người HIV. Ngoài ra chúng ta còn có những ý chính sách đề nghị hỗ trợ của thế giới dành cho những người HIV/AIDS. Ngoài ra còn có nguồn tài trợ ARV đối với tất cả những người mẹ đang mang thai đang bị nhiễm HIV. Sau đó, Tổng thống Bush đã có viện trợ về HIV khẩn cấp và Việt Nam cũng nhận được sự viện trợ đó khi tôi nhận làm chức Chủ Tịch Hiệp hội khóa XIV. Thực tế, trước đây tỷ lệ HIV ở tuổi đã cao nhưng hiện nay độ tuổi lây nhiễm HIV còn rất trẻ, có những em đã tốt nghiệp đại học, có những em là sinh viên và có những em vì bất mãn gia đình dẫn đến tiêm chích ma túy. Làm sao để đào tạo những em đã bị lây nhiễm HIV trở thành điều dưỡng thì chắc chắn em sẽ cảm thông cho người bệnh và hiểu sâu sắc hơn.

Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến tiếp nhận những tấm lòng hảo tâm cho quỹ Vòng tay nhân ái 6/2007.

Chúng tôi sẽ kêu gọi một số doanh nhân, tổ chức trong đó có quỹ Vòng tay nhân ái hỗ trợ chúng tôi cùng dự án ADB. Đầu tiên chúng tôi xây dựng chương trình đào tạo theo Bộ y tế, kết hợp với trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, Quảng Ninh, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, qua các nguồn tài trợ đó, các em được đào tạo và có công ăn việc làm, có ý thức phòng chống HIV cho mình và cả bạn bè của mình.  Ngoài ra họ nhận thức được giá trị của bản thân và còn giúp đỡ được rất nhiều người cùng hoàn cảnh. Đó là người dạy đặc biệt, chương trình đặc biệt và học sinh đặc biệt.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm dự lễ bàn giao công việc Bộ trưởng Bộ Y tế GS. TS. Đỗ Nguyên Phương với TTND. PGS. TS. BS Trần Thị Trung Chiến, ngày 16/8/2002.

5/ Từ một cô giao liên, trở thành cô y tá, Bác sĩ trong những năm chống Mỹ và liên tục phấn đấu để trở thành TTND, PGS, TS, lãnh đạo cao nhất của ngành y tế trong 2 nhiệm kỳ, bài học mà bà muốn nhắn gửi đến lớp trẻ đó là gì?

Trong cuộc đời tôi được Nhà nước cho đi đào tạo để phục vụ cho ngành y tế. Sau khi vào ngành y tế tôi cảm thấy đó là một nhiệm vụ rất nặng nề và khó khăn nhưng là một niềm vui, đó là niềm vui khi tôi được chăm sóc người bệnh, chữa được người bệnh và khi họ khỏi được bệnh. Thời chiến tranh cũng vậy, mình cứu được một chiến sĩ nào đó mình cảm thấy niềm hạnh phúc đó đối với mình, cho nên cái khó khăn vất vả cũng có nhưng niềm vui đến với mình rất lớn cho nên càng ngày càng yêu nghề nhiều hơn. Thời trẻ, mình rất nhút nhát, rất sợ ma, sợ bệnh lây nhiễm, sợ máu… nhưng khi vào nghề rồi mình yêu nghề nhiều hơn, công việc như thấm vào máu của mình và suy nghĩ của mình lúc nào cũng nhớ về công việc. Đó là niềm vui và động lực cho bản thân mình.

Mình chỉ muốn nhắn gửi đến thế hệ trẻ là hiện nay y học của Việt Nam chúng ta rất phát triển, thầy thuốc được đào tạo, kiến thức trình độ được nâng lên khi chúng ta hội nhập, được cập nhật liên tục và đầy đủ. Tay nghề thầy thuốc Việt Nam không thua kém các nước. Vấn đề là cần quan tâm chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, bảo hiểm y tế gia đình nghèo, gia đình chính sách. Nhu cầu xã hội hiện nay khi khám chữa bệnh khác hơn so với ngày xưa, người bệnh muốn được chữa trị tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn thuốc men, thiết bị, thầy thuốc. Tôi muốn nhắn gửi đến các thầy thuốc trẻ, đã vào ngành y tế rồi thì chúng ta cần phải có lương tâm của người thầy thuốc, cần phải hi sinh để chúng ta có thể chăm sóc làm cho người bệnh tốt hơn, có một câu “trời không bao giờ phụ người tốt” khi chúng ta đã làm tốt rồi thì tấm lòng đó, tình cảm đó người ta sẽ không bao giờ quên. Cần phải nghĩ làm được gì cho ngành, làm được gì cho bệnh nhân và làm sao để nâng được tài năng của mình để cứu chữa cho người bệnh đó tốt hơn, đó chính là hạnh phúc, cần phải khiêm nhường học tập liên tục, học để cho bản thân mình, học để chia sẻ cho những người khác giúp đỡ nhiều người khác, hỗ trợ lẫn nhau, hỗ trợ bệnh nhân tốt hơn. Đó chính là lương tâm của người thầy thuốc.

6/ Đến nay, bà đã tham gia viết 15 cuốn sách chuyên ngành và đồng chủ biên 13 đầu sách khác, những gì mà bà muốn chuyển tải đến cho cộng đồng?

Khi viết sách, tôi phải đọc, phải nắm được tình hình về khoa học, về quản lý, phải nghiên cứu và bám sát thực tế, phải trao đổi học tập các thầy giáo xung quanh mình, nhất là những đề tài đi vào khoa học kỹ thuật. Tôi đã có 2 đề tài chủ nhiệm cấp Nhà nước, 10 đề tài cấp bộ. Từ những đề tài đó, mình đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm và viết thành sách để giảng dạy cho những sinh viên đi vào thực tế và giúp quản lý nhà nước như thế nào. Qua đó, ban hành nghị quyết, những hành động cụ thể trong ngành y tế mình sẽ sát thực tế hơn, cụ thể sống động hơn.

Nhiều anh em hỏi tôi là tại sao làm Bộ trưởng rồi mà còn đi dạy học, tôi cũng nói đùa là tôi đi dạy, tôi phải đọc tài liệu và cập nhật tài liệu thì dạy mới sinh động được, mới thực tế được. Thêm nữa, mình đi dạy không phải theo cách của bộ trưởng mà mình là một người thầy giáo. Mình có cơ hội giao tiếp với những người thầy giáo xung quanh.

7/ Khi nghỉ hưu, bà tiếp tục đồng hành cùng các hành trình về nguồn, xông xáo trên mọi miền Tổ quốc với nhiều hoạt động như tri ân đồng đội, bà là Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ Vòng tay nhân ái, đồng thời tích cực ủng hộ Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng, xây dựng khu di tích lịch sử – văn hóa Ban dân y TW Cục miền Nam, điều gì khiến bà vẫn không ngơi nghỉ như vậy?

Lúc thành lập Quỹ vòng tay nhân ái là khi tôi còn làm ở Bộ Y tế, Tôi làm chủ tịch hội đồng quản lý quỹ. Lúc đó Báo Sức Khỏe Đời Sống cập nhật thông tin tình hình khám bệnh của người nghèo, nên tôi mới nghĩ ra nên có quỹ. Tôi đã tiếp xúc với những trường hợp bị ngộ độc nấm ở khu vực miền núi phía Bắc ở bệnh viện Bạch Mai nếu như sử dụng những loại thuốc đặc trị khá đắt 40 – 50 triệu, nếu không có thì bệnh nhân sẽ tử vong. Ngoài ra, có những trường hợp nếu như bệnh nhân không có đủ số tiền lớn để chữa trị thì làm sao có thể cứu chữa được bệnh nhân kịp thời? Để thành lập quỹ, chúng tôi phải thông qua Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt. Lúc đầu, quỹ được tổ chức Hà Lan đóng góp, về sau, tuy quỹ còn ít, nhưng vẫn cố gắng để duy trì để có thể cứu chữa được các trẻ em nghèo ở nhiều vùng cao vùng xa có hoàn cảnh khó khăn. Hiện Quỹ Vòng tay nhân ái còn khoảng 2 tỉ để hỗ trợ cho lũ lụt thiên tai.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến và GS. Nguyễn Đình Hối chúc Tết gia đình Nguyên Bộ trưởng, Anh hùng lao động, GS. Nguyễn Văn Hưởng.

Về học bổng Nguyễn Văn Hưởng, chủ yếu tập trung hỗ trợ cho sinh viên Y nghèo. Nếu các em hưởng được học bổng đó thì em phải nhớ mãi sự đóng góp của nhân dân, của nhà hảo tâm, để chúng ta cần phải làm gì với người bệnh, để tận tâm hướng đến người bệnh không phân biệt giàu nghèo.

Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương – Côn Đảo.

Với việc xây dựng khu di tích được thực hiện khi tôi nghỉ hưu, thăm hỏi, hỗ trợ gia đình anh em tham gia chiến trường miền Nam gặp khó khăn, qua đó, làm tấm gương đó giáo dục truyền thống của ngành y tế cho thế hệ trẻ. Sau đó, chúng tôi đã thành lập câu lạc bộ mở rộng ra các tỉnh thành lân cận và lập ra ban vận động. Mục đích khi xây dựng khu di tích, để tái hiện lại những hoạt động y tế miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, xây dựng tại Tây Ninh cạnh khu di tích trung ương Cục Miền Nam. Khu di tích có diện tích khoảng 4.000 mét vuông, đồng thời đặt tượng tưởng niệm các danh nhân như Phạm Ngọc Thạch, Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác, Nguyễn Văn Hưởng, Yersin Alexander. Hàng năm trong ngày 30 tháng 4, chúng tôi đều tổ chức cho trường Đại học Phạm Ngọc Thạch, trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, trường y tế Tây Ninh giao lưu để kết nạp Đoàn cho hàng trăm đoàn viên, kết nạp Đảng cho 20 Đảng viên tại khu di tích. Qua đó, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tương lai để nhớ đến những thế hệ đi trước là đóng góp cho nền y tế của nước nhà.

8/ Hiện nay, bà đang điều hành Phòng khám BV Đại học y dược 1. Nguyên nhân vì sao bà không nghỉ ngơi mà dành thời gian cho việc điều hành này?

Phòng khám Đại học Y Dược thực hiện theo mô hình Công – Tư hợp tác, xã hội hóa trong ngành y tế.  Tôi cũng muốn có một nơi mà mình tổ chức khám chăm sóc cho người bệnh thật tốt, với sự chăm sóc chất lượng. Tôi đã tham gia chỉ đạo điều hành phòng khám gần 2 năm nay. Đến nay, phòng khám hoạt động 2 năm, góp phần giảm tải cho bệnh viện Đại học Y Dược và cho các cơ sở y tế.

Bộ Y Tế cho rằng là đây là mô hình thí điểm hợp tác công tư để có hiệu quả trong vận hành khám chữa trị cho nhân dân. Vừa rồi Sở y tế vừa kiểm tra thực hiện 23 tiêu chí của một phòng khám thì chúng tôi được Bộ y tế chấm điểm là 3.91 đạt được kết quả tốt và đứng thứ 7 trên vài ngàn phòng khám.

Nguồn: tcsuckhoe.com

http://www.tcsuckhoe.com/tro-chuyen-cung-ttnd-pgs-ts-bs-tran-thi-trung-chien-nguyen-bo-truong-bo-y-te-ca-doi-vi-su-nghiep-y-te/

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc