Có một bệnh viện lâu đời nhất Sài Gòn nằm giữa lòng thành phố, là nơi được người thành phố thương quý tin yêu, xem như một tấm lá chắn trước những trận dịch bệnh. Đó là bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM. Ngay từ khi ngày mới thành lập, bệnh viện đã gắn với việc điều trị các bệnh lây nhiễm. Và chính thức từ năm 1976, trở thành bệnh viện chuyên khoa Nhiễm trùng – Truyền nhiễm hạng Nhất, nhận nhiệm vụ do Bộ Y tế giao: làm trung tâm điều trị, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tuyến cuối đảm trách khu vực phía Nam, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Trải qua gần 160 năm, từ cái tên ban đầu là bệnh viện Chợ Quán, nay là bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới – là một quá trình phát triển gắn liền với những thay đổi lớn lao trong diễn biến của các dịch bệnh nhiễm trùng – truyền nhiễm; từ bệnh nhiễm – nhiệt đới cổ điển trước đây như dịch hạch, dịch thương hàn, sốt rét, não mô cầu, bạch hầu, uốn ván, sốt xuất huyết Dengue đến nay thêm các bệnh truyền nhiễm mới hoặc đang trỗi dậy như SARS, dịch tả, zika, cúm gia cầm H5N1 trên người, cúm A/H1N1, MERS CoV và gần đây nhất là dịch Covid-19.
Trong cuộc trò chuyện này, kính mời quí độc giả lắng nghe những chia sẻ của Thầy thuốc ưu tú, TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, để thêm biết và thêm nể phục tập thể nhân viên y tế và công việc ở nơi đầu sóng ngọn gió đối diện và ngăn chặn dịch bệnh.
1/ Những ngày đầu năm 2020 đánh dấu một sự kiện không thể quên đối với toàn thể nhân loại và y tế thế giới, với ngành y tế VN – nói chung và với BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM – nói riêng, khi BV là 1 trong những tuyến đầu chống dịch đầy căng thẳng, áp lực từ những ngày đầu tiên dịch Covid-19 xuất hiện. BS ấn tượng nhất là những câu chuyện nào trong mùa dịch Covid-19 vừa qua tại BV mình quản lý?
Phải nói là có rất nhiều điều ấn tượng về những tháng ngày chống dịch COVID 19 vừa qua. Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ đến mức tuyệt vời của mọi thành viên trong xã hội, điều đó thể hiện ở các điểm như sau:
- Đó là sự phối hợp nhịp nhàng hiệu quả trong đội ngũ y bác sĩ điều dưỡng trực tiếp chăm sóc BN, giữa nhân viên y tế khối lâm sàng và cận lâm sàng, giữa nhân viên hệ Điều trị với hệ Y tế Dự phòng – Kiểm dịch Quốc tế và đặc biệt là sự hỗ trợ cực kỳ hiệu quả của lực lượng bộ đội và công an. Có những con người xưa giờ chưa hề cùng làm việc với nhau, vậy mà khi hợp lại thành một đội hình đã có thể cùng nhau thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình.
- Cũng trong đại dịch lịch sử này mà trí tuệ của các chuyên gia đầu ngành từ các Trung tâm lớn trong cả nước đã tập trung lại thông qua các cuộc hội chẩn trực tuyến để cùng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất có thể.
- Đó còn là sự quan tâm hỗ trợ và động viên về mặt tinh thần lẫn vật chất của cả xã hội dành cho ngành Y tế. Từ người dân bình thường trong nước đến kiều bào các nước, phóng viên các Báo Đài, những doanh nhân và doanh nghiệp, các văn nghệ sĩ, những cô chú hưu trí, những mạnh thường quân ẩn danh… đều dốc lòng quan tâm và đóng góp vật chất và tinh thần vào chiến thắng dịch bệnh trong giai đoạn vừa qua.
2/ BV đã điều trị thành công rất nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19. Trong đó, ngoạn mục nhất là ca bệnh nhân 91, qua nhiều lần thập tử nhất sinh, sau đó đã âm tính với Covid và hiện đang hồi phục ngoạn mục. BS có thể chia sẻ thêm về ca đặc biệt mà bạn bè thế giới cũng phải nghiêng mình ngưỡng mộ?
Có giai đoạn kéo dài hơn 2 tháng liền tại BV Bệnh Nhiệt Đới, bệnh nhân 91 luôn trong tình trạng nguy kịch, tổn thương đa phủ tạng và phổi chỉ còn không quá 10% hoạt động. Bệnh nhân bị các biến chứng do nhiễm SARS CoV2 cùng với nhiễm khuẩn bệnh viện bởi các tác nhân vi nấm, vi khuẩn đa kháng… Trong giai đoạn đó bệnh nhân sống được là nhờ hoàn toàn vào hệ thống ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể), máy thở, máy lọc máu và các thuốc vận mạch. BV Bệnh Nhiệt Đới đã thành lập một ê kíp hồi sức tích cực gồm 04 BS và 16 điều dưỡng cùng với 04 BS chuyên khoa hồi sức tích cực của BV Chợ Rẫy có kinh nghiệm nhiều năm về hồi sức hô hấp và kỹ thuật ECMO để chăm sóc bệnh nhân liên tục. Một nhóm hội chẩn online trên nền tảng viber được thiết lập và làm việc bất kể ngày đêm. Nhóm này có hơn 30 người bao gồm các Bác sĩ, Điều Dưỡng, Dược Sĩ Lâm sàng, chuyên gia Vi sinh, Huyết học, Hồi sức Nội – Ngoại khoa từ các BV Bệnh Nhiệt Đới, BV Chợ Rẫy, Trường ĐHYD TP.HCM, BV Bạch Mai… để cùng với ê kíp hồi sức theo dõi sát diễn tiến của bệnh nhân, kịp thời hội chẩn để có các quyết định xử lý phù hợp nhất. Đã có nhiều đêm ê kíp này gần như không ngủ để trực cùng ê kíp trực tại chỗ hội chẩn và đưa ra các y lệnh xử lý rất quyết đoán, tức thì để giải quyết các biến chứng có thể gây tử vong cho bệnh nhân ngay thời điểm ấy. Có lẽ một phần do may mắn chúng ta không có nhiều ca bệnh nặng cùng lúc nên đã có thể tập trung toàn bộ nguồn lực tốt nhất để cứu sống bệnh nhân 91. Cuối cùng nỗ lực của cả một tập thể đã được đền đáp bằng kết quả hồi phục không tưởng của bệnh nhân 91 và ông ấy đã về được quê hương mình vào ngày 12/7 vừa rồi!
3/ Bệnh truyền nhiễm luôn là một thách thức bất tận của y học, bởi các nhóm bệnh thật sự mới trỗi dậy và các bệnh dịch tái trỗi dậy. Theo BS, đó là những bệnh nào?
Đúng vậy, bệnh truyền nhiễm luôn là một thách thức bất tận của y học. Cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm mãi mãi vẫn là cuộc đua không hồi kết, giữa sự hiểu biết giới hạn của con người, nhằm tìm ra biện pháp điều trị hiệu quả và sự tấn công sang người của các vi sinh vật vốn hiện diện và đột biến tạo nên chủng mới thường xuyên liên tục trên các loài sinh vật khác chung quanh ta (bệnh mới trỗi dậy) cũng như sự “tinh ranh” biến đổi cấu trúc để thoát khỏi hệ thống miễn dịch bảo vệ hoặc để đề kháng lại các thuốc kháng vi sinh vật (bệnh tái trỗi dậy). Sự thay đổi và tiến hóa vốn là bản chất của các vi sinh vật trong cuộc cạnh tranh sinh tồn của thế giới tự nhiên suốt hàng triệu năm qua. Con người với tư cách là một sinh vật – sinh vật thượng đẳng có tư duy, vẫn phải liên tục tham gia cuộc cạnh tranh sinh tồn này.
Những bệnh mới trỗi dậy đáng lưu ý hiện nay là nhóm các bệnh do virus lây từ động vật sang người như nhóm coronavirus (COVID 19 mới đây và MERS-CoV, SARS-CoV trước đây); nhóm virus cúm gia cầm (H5N1, H7N9…), EBOLA, Nipah virus, Sốt xuất huyết Crimean-Congo, bệnh do virus Zika, nhiễm Chikungunya, Hantavirus, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết dengue…
4/ BS vừa nói “Các bệnh tái trỗi dậy, cũng nguy hiểm không kém trước sự “tinh ranh” biến đổi, đề kháng lại của các tác nhân vi sinh vật, vi khuẩn, virus”. Điều này được hiểu như thế nào, thưa BS?
Các bệnh trước đây đã bị đẩy lùi hiện nay cũng đang lăm le xuất hiện trở lại như dịch hạch, bạch hầu, dịch tả, thủy đậu, sởi, sốt bại liệt, lao đa kháng thuốc, nhiễm các chủng vi khuẩn đa kháng như tụ cầu vàng kháng mehticilline, kháng vancomycin, các trực khuẩn gram âm đa kháng thuốc…
Và điều này đặt ra những lưu ý gì cho ngành y tế cũng như cho cộng đồng?
Đối với những bệnh đã có vac xin dự phòng thì tạo miễn dịch chủ động bằng tiêm chủng vac xin là một trong những công cụ phòng chống bệnh tật cơ bản và mạnh mẽ nhất trong lịch sử y tế công cộng. Tuy nhiên đã có sự gián đoạn các chương trình tiêm chủng do đại dịch COVID-19 có nguy cơ làm mất đi hàng thập kỷ tiến bộ chống lại các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Mới đây dịch bạch hầu bùng phát trên khu vực Tây Nguyên cũng là do hậu quả của việc tiêm chủng vac xin chưa đầy đủ.
Đối với những bệnh lý do vi khuẩn đa kháng việc quản lý sử dụng kháng sinh một cách nghiêm túc thông qua các chương trình chính sách quốc gia là bắt buộc. Việc sử dụng kháng sinh tùy tiện bừa bãi có nguy cơ đến một lúc nào đó nhân loại sẽ không còn kháng sinh hiệu quả để đối phó với các vi khuẩn đa kháng thuốc.
Các vi sinh vật từ các động vật hoang dã luôn rình rập chờ đợi cơ hội để đột biến cấu trúc và lây sang người. Khoảng 70% bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật. Các bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người như: Cúm gia cầm (A/H1N1, A/H7N9…), bệnh dại, sốt xuất huyết, các bệnh viêm não – viêm màng não, liên cầu lợn, bệnh giun sán… ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế xã hội. Để phòng chống các bệnh lây từ động vật sang người, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với thịt động vật khi giết mổ, mà nên sử dụng các dụng cụ bảo hộ như găng tay, khẩu trang y tế. Cần vệ sinh sạch thịt động vật sau khi giết mổ, tránh để dính các chất cặn bã, dư thừa sau khi giết mổ để giảm nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh vào thịt thành phẩm. Không sử dụng những sản phẩm từ động vật bị bệnh, ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, động vật hoang dại, để chế biến thực phẩm. Không ăn các sản phẩm từ động vật chưa nấu chín. Tăng cường ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt và vệ sinh môi trường.
5/ BV Bệnh Nhiệt Đới được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là bệnh viện tuyến cuối khu vực phía Nam, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa BS?
BV Bệnh Nhiệt Đới trực thuộc Sở Y Tế TP.HCM, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối về truyền nhiễm – nhiễm trùng khu vực phía Nam, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. BV chịu trách nhiệm hỗ trợ về mặt chuyên môn cho các bệnh viện tỉnh trong khu vực.
6/ BV đã có hàng trăm công trình nghiên cứu y học về bệnh nhiễm trùng, bệnh nhiệt đới, được công bố trên các tạp chí Y khoa nổi tiếng trên thế giới. Các kết quả nghiên cứu được sử dụng để làm chứng cứ xây dựng nhiều khuyến cáo, hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị ở cấp quốc gia và quốc tế như sốt rét, sốt xuất huyết, Cúm A/H5N1… BS có thể nói thêm về điều này?
Là một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về truyền nhiễm tại khu vực phía Nam, BV đã có cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức khoa học nổi tiếng trên thế giới để tiên hành các công trình nghiên cứu y học về bệnh nhiễm trùng, bệnh nhiệt đới như Đại Học Oxford, Cambridge của Anh Quốc, Đại học Harvard, Duke, Hoa Kỳ; Đại Học Melbourne Úc, Đại học Nagasaki Nhật Bản; với tổ chức CDC Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế Thế giới… Đã có hàng trăm công trình công bố trên các tạp chí y khoa hàng đầu thế giới như Science, Nature, New England Journal of Medicine, Lancet, Clinical Infectious Diseases… Nhiều kết quả nghiên cứu làm cơ sở để xây dựng các khuyến cáo, hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị của WHO như thương hàn, tay chân miệng, sốt rét, sốt xuất huyết, Cúm A/H5N1… cũng như đóng góp xây dựng các phác đồ điều trị của Bộ Y Tế Việt Nam.
7/ Nhìn chung, đầu tư cho chuyên ngành nhiễm khá tốn kém, bên cạnh khoa phòng, trang thiết bị để chẩn đoán vi sinh… để điều trị chuyên sâu như: máy thở, máy trao đổi oxy ngoài phổi ECMO, lọc máu… Thực tế, BV đã được trang bị các trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu điều trị?
Để đầu tư cho chuyên ngành truyền nhiễm có thể đủ năng lực đối phó với các bệnh mới trỗi dậy và tái trỗi dậy, cần đầu tư các phương tiện chẩn đoán (labo chẩn đoán vi sinh hiện đại với các kỹ thuật sinh học phân tử, giải mã trình tự gen, máy CT Scan, MRI, siêu âm.), các phương tiện để phục vụ cho điều trị chuyên sâu như máy thở cao cấp, máy trao đổi oxy ngoài phổi ECMO, lọc máu… Các phương tiện cách ly bệnh nhân bảo đảm phòng chống lây lan như phòng áp lực âm… cũng như phòng xét nghiệm đảm bảo mức độ an toàn sinh học cao.
BV Bệnh nhiệt đới đã được UBNDTP cung cấp kinh phí để trang bị những trang thiết bị cần thiết cho nhu cầu hoạt động chuyên ngành. Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, bệnh viện được trang bị thêm hệ thống labo xét nghiệm đạt tầm khu vực, có khả năng xét nghiệm phát hiện mọi tác nhân gây bệnh mới/tái trỗi dậy. Trong đại dịch Covid vừa rồi, được sự tài trợ của nhiều nhà hảo tâm, bệnh viện đã trang bị thêm các phòng áp lực âm hiện đại để cách ly điều trị các bệnh nhân mắc các bệnh nguy hiểm, bảo đảm không lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như lây chéo cho các bệnh nhân khác.
Trong dự án hợp tác với Đại Học Oxford Anh Quốc, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ xây dựng khoa hồi sức tích cực chuyên sâu về bệnh nhiễm trùng được trang bị bởi các thiết bị y tế hiện đại áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, trí tuệ nhân tạo… nhằm kịp thời phát hiện cũng như hỗ trợ tốt hơn quá trình theo dõi diễn tiến bệnh.
8/ Cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm mãi mãi vẫn là cuộc đua không hồi kết. Theo BS, điều đó đặt ra những gì cho ngành truyền nhiễm của VN nói chung, cũng như BV Bệnh Nhiệt Đới nói riêng?
Bệnh truyền nhiễm là căn bệnh phổ biến tại các nước vùng nhiệt đới, các nước đang phát triển. Cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm lại là cuộc đua không hồi kết. Cần có sự đầu tư nghiêm túc và đúng mức của các cấp chính quyền không chỉ cho chuyên ngành truyền nhiễm mà cả hệ thống y tế dự phòng – công cộng. Việc đầu tư không chỉ là kinh phí, cơ sở vật chất trang thiết bị, mà quan trọng hơn là đầu tư nhân lực cho ngành.
9/ “Nhiễm” thường đồng nghĩa với nguy cơ lây cao. Làm việc trong môi trường hiện tại có làm cho các BS, nhân viên y tế tâm tư, trăn trở?
Chuyên ngành nhiễm đồng nghĩa với nguy cơ lây cao bởi phải thường xuyên tiếp xúc với các bệnh lây. Vì sợ lây, vì nguy cơ phơi nhiễm, lây nhiễm là có thật nên cứ đến bất cứ một BV đa khoa nào cũng vậy, chúng ta sẽ nhận ra khoa Nhiễm luôn được bố trí nằm sâu trong tận cùng của khuôn viên bệnh viện, cách biệt hẳn so với các khoa khác, và thường là gần … nhà xác!
Nhiều bạn sinh viên mới ra trường vẫn còn e ngại khi được phân công hoặc khi chọn chuyên khoa Nhiễm. Đã có một số trường hợp sau đó xin nghỉ vì gia đình lo lắng, không đồng ý cho con em mình theo ngành này.
Tuy nhiên nếu tạo được một môi trường làm việc thân thiện, vui vẻ, điều kiện học tập nghiên cứu khoa học nâng cao trình độ kèm với chế độ lương bổng hợp lý, có chế độ ưu đãi đặc thù nghề nghiệp tương đối… thì nhân viên y tế sẽ tích cực cống hiến. Thực tế tại BV Bệnh Nhiệt Đới trong suốt nhiều năm qua, số trường hợp bỏ việc, chuyển ngành sau khi đã công tác trên 5 năm là rất thấp. Rất nhiều nhân viên y tế đã gắn bó với chuyên ngành Nhiễm trong suốt nhiều chục năm, làm từ lúc mới ra trường cho đến khi nghỉ hưu.
Mắc các bệnh truyền nhiễm đa phần là những người nghèo, rất nghèo, hoàn cảnh khó khăn, thường ở vùng sâu vùng xa, không có bảo hiểm y tế, hầu như không chích ngừa phòng bệnh nên khi bệnh lại là bệnh nặng. Do nghèo nên khi bệnh nặng lắm rồi mới đến BV. Khi đó, chi phí điều trị rất cao bởi phải làm các chẩn đoán chuyên sâu, dùng thuốc đặc trị, thậm chí là nhiều ca phải thở máy, lọc thận dài ngày như những ca sốt rét nặng, uốn ván, viêm não… Bệnh nhân không có khả năng chi trả. Tuy nhiên nhân viên y tế chúng tôi không thể bỏ rơi bệnh nhân, để bệnh nhân chết vì không có tiền trị bệnh. Chúng tôi tìm mọi cách để xoay xở như phải sử dụng kinh phí hoạt động của bệnh viện để bù vào, kêu gọi hỗ trợ các tổ chức từ thiện, các nhà mạnh thường quân và nhờ cả báo chí chung tay giúp đỡ. Từ khi tất cả các bệnh viện phải chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, thu nhập của nhân viên y tế không còn được ngân sách nhà nước chi trả mà phải dựa hoàn toàn vào nguồn thu viện phí của bệnh viện thì việc điều trị cho các bệnh nhân nghèo mắc bệnh hiểm nghèo mà không làm giảm thu nhập của nhân viên y tế là một thách thức thật sự trong công tác quản lý bệnh viện. Làm chuyên ngành truyền nhiễm chắc chắn không thể làm giàu được, nhưng cũng phải bảo đảm thu nhập thỏa đáng để có thể giữ chân nhân viên y tế, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường đầy cạnh tranh này.
10/ Chuyên ngành nhiễm rất đặc biệt, bởi phải thường xuyên tiếp xúc với các bệnh lây. Và nguy cơ phơi nhiễm, lây nhiễm là có thật. Vì sao BS chọn ngành truyền nhiễm và gắn bó cho đến bây giờ?
Tất cả đều là cơ duyên. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 1990, tôi đậu bác sĩ nội trú và được phân công về chuyên ngành truyền nhiễm. Với tôi, lúc bấy giờ suy nghĩ rất đơn giản, nhiễm là bệnh phổ biến của xứ nhiệt đới, như vậy không sợ thất nghiệp! Trong thời gian Nội trú, tôi dần dần thích thú các bệnh truyền nhiễm. Đây là loại bệnh duy nhất khác với các nhóm bệnh Nội – Ngoại khoa khác ở chỗ người bệnh khi vào viện có thể trong tình trạng thập tử nhất sinh, có thể chết ngay trước mắt nhân viên y tế nhưng nếu trị khỏi bệnh thì có thể lại bình phục hoàn toàn trở lại như trước khi bệnh. Mỗi loại bệnh có một cơ chế lây bệnh riêng, môt cơ chế sinh bệnh riêng và cách thức điều trị cũng không có bệnh nào giống bệnh nào! Đặc biệt ngay trong năm cuối cùng của chương trình đào tạo BS Nội trú, năm 1993, lần đầu tiên tôi tham gia cùng BV chống dịch thương hàn ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Tại đây, mỗi ngày chúng tôi khám và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân từ những vùng đồng sâu ra. Cũng là lần đầu tiên tôi được học cách sử dụng những thiết bị dã chiến đến mức thô sơ, như dùng nồi hấp bánh bao để thực hiện cấy máu nhanh chóng phát hiện vi khuẩn thương hàn ngay tại thực địa! Có dịp đối chiếu những kiến thức trong sách vở với thực tế, được tập tễnh tham gia nghiên cứu khoa học về vi khuẩn “thương hàn đa kháng kháng sinh”. Được đi theo những “bậc lão thành – chuyên gia về dịch bệnh” như BS Đoàn Thúy Ba (lúc đó là Thứ trưởng BYT), GS Nguyễn Tăng Ấm (nguyên Thứ trưởng BYT), BS Trần Tịnh Hiền, BS Nguyễn Thế Dũng… Đó là những trải nghiệm không thể nào quên trong cuộc đời làm nghề của mình.
Chuyên ngành Nhiễm phải thường xuyên tiếp xúc với các bệnh lây, nguy cơ mắc bệnh và tử vong là có thật, thu nhập lại không cao. Tôi đứng vững và theo đuổi nghề nghiệp trong suốt 30 năm qua là do tôi đã được đứng vào trong một đội ngũ của các bậc Thầy, các bậc đàn anh và đồng nghiệp cùng chuyên ngành. Thầy tôi, cố GS. BS Nguyễn Duy Thanh, người đã có công đặt nền móng đào tạo các thế hệ BS chuyên khoa truyền nhiễm cho khu vực phía Nam, cùng với các lớp đàn anh đã xây dựng được một BV chuyên khoa truyền nhiễm, cũng như một mạng lưới các BS chuyên khoa nhiễm cho các BV trong khu vực. Đó là một tập thể những người thầy thuốc gắn bó với nghề, không nề hà khó khăn, nguy hiểm, tận tâm phục vụ cho bệnh nhân với yêu cầu chuyên môn ở mức cao nhất có thể. Ngay từ khi còn là BS nội trú, tôi đã được các Thầy, các đàn anh “truyền lửa” cho, khi cùng tham gia chống dịch bệnh qua những chuyến đi về các tỉnh vùng sâu vùng xa. Hôm nay, chúng tôi đang là những người “giữ lửa” và làm tiếp nhiệm vụ truyền lửa cho các thế hệ trẻ hơn. Bệnh truyền nhiễm luôn là một thách thức bất tận của y học và chúng tôi sẽ duy trì và phát triển đội ngũ các chiến binh để tiếp tục tham gia cuộc chiến không có hồi kết này!
Cám ơn BS đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!
Xin cám ơn Thầy thuốc ưu tú, TS. BS NGUYỄN VĂN VĨNH CHÂU,
Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM
Nguồn: tcsuckhoe.com