(Phunuhiendai.vn)-Những ai tới “Tỏa 3” sẽ trải qua vô vàn cung bậc cảm xúc, từ những phút lặng lẽ trước sự đổi thay của cuộc sống tới giằng xé giữa sự sống, cái chết hay đơn giản là những câu nói không đầu, không cuối, rất đời thường nhưng đầy suy tư.
Diễn ra từ ngày 20/12/2019 đến ngày 23/2/2020, triển lãm Tỏa 3 của Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) đã gây ấn tượng mạnh với hơn 50 tác phẩm phong phú của các nghệ sĩ trẻ Việt Nam và quốc tế.
Được chọn lựa kĩ càng bởi 2 giám tuyển: Giám đốc Nghệ thuật VCCA Mizuki Endo và nhà nghiên cứu nghệ thuật/giám tuyển độc lập Đỗ Tường Linh, các tác phẩm tại Toả 3 mang đậm dấu ấn cá nhân của từng nghệ sĩ với những thử nghiệm táo bạo.
Khu vực skydome (giếng trời) tràn ngập ánh sáng tự nhiên tại VCCA.
Nhờ thiết kế không gian theo lối phi tuyến – các tác phẩm không được trưng bày trên cùng một không gian, người xem có thể tự lạc bước chân, chọn cho mình một góc để suy tư với những tác phẩm nằm ẩn trong từng căn phòng kín đáo.
Bức tượng làm bằng xốp và đất sét “Apollo và Tô” cao 5m của nghệ sĩ Nguyễn Đình Phương
Bước vào không gian triển lãm, công chúng bất giác thấy nhỏ bé khi đứng trước tác phẩm điêu khắc “Apollo và Tô” cao 5m của nghệ sĩ Nguyễn Đình Phương. Bức tượng làm bằng xốp và đất sét được đặt ở trung tâm của triển lãm Tỏa 3 khiến bất kỳ ai cũng không khỏi suy tư trước những đường nét cắt gọt như nếp gấp thời gian hằn trên gương mặt Apollo.
Đứng lặng lại, ngước nhìn “người khổng lồ” và chú chó dưới chân, vô vàn câu hỏi bỗng xuất hiện: Tại sao lại là Apollo? Hay tại sao ánh mắt của chú chó Tô lại mang chút buồn bã? Tô chờ đợi điều gì ở con đường nhỏ trước mặt? Apollo đang nhìn xuống và thấy gì về chúng ta – những con người đang ngước mắt nhìn lên vị thần Hy Lạp? Tất cả chính là sự truy vấn về con người trong vòng quay của cuộc sống.
Bộ tác phẩm “Lò mổ” của Nguyễn Văn Đủ
Đến với bộ tác phẩm “Lò mổ” của tác giả Nguyễn Văn Đủ, khán giả sẽ phải dừng lại lâu hơn với khung cảnh có phần rùng rợn. Giống như tên gọi, loạt tác phẩm là quang cảnh lò mổ với chất ngất thịt, xương, máu đã được xử lý bằng tông màu trầm. Đứng nhìn những hình ảnh ấy, những cảm xúc ngổn ngang bất chợt ùa về, đó là những trăn trở về sự sống và cái chết, về giá trị đạo đức, về số phận của mỗi sinh linh,…
Sau những dữ dội của Nguyễn Văn Đủ, các tác phẩm điêu khắc của Lương Trịnh trên đá đen được đặt tiếp nối ngay sau đó. Trong không gian sáng tối đan xen, những tác phẩm đá nằm lặng lẽ như một sự tĩnh lặng xoa dịu tâm trạng, kéo người xem vào hành trình thời gian, đi tìm cội nguồn của sự tồn tại.
Các tác phẩm điêu khắc làm bằng đá đen của nghệ sĩ Lương Trịnh.
Ở một góc yên tĩnh khác, tác phẩm sắp đặt “6m vuông từ năm 79” với câu chuyện từ hiện thực của chính gia đình tác giả Phan Anh tái hiện câu chuyện về người bà, về gia đình như một lời nhắc nhở tới cội nguồn, về những nỗ lực mưu sinh trong cuộc sống vốn khắc nghiệt. Những khung cửa sờn màu, ngổn ngang chất chứa suy tư về sự “vật đổi sao dời” của thời gian, không gian và cả cuộc đời con người.
Tác phẩm “6m vuông từ năm 79” của nghệ sĩ Phan Anh.
“Khởi nguồn của sắc màu” của tác giả Quỳnh Lâm khiến khán giả có cảm giác bước vào cánh đồng hoa. Thế nhưng, trên cánh đồng ấy, Quỳnh Lâm khiến người xem phải suy tư vì sự tàn lụi của những đóa hoa. Đó là điều tất yếu phải xảy đến như quy luật chung của tự nhiên. Nhưng, trong dòng chảy của thời gian, sự lụi tàn đó cũng có thể là mở màn cho một khởi đầu mới.
Tác phẩm “Đây là câu chuyện của tôi đấy” của tác giả Nguyễn Văn Duy
Với tác phẩm “Đây là câu chuyện của tôi đấy” vẽ bằng acrylic trên tường, Nguyễn Văn Duy lại đặt ra vô vàn câu hội thoại với chính mình. Những câu chuyện không đầu, không cuối, tưởng chừng như ngây ngô. Thế nhưng, có lẽ đâu đó trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng có lúc nói những điều tương tự với bản thân mình.
Đến “Tỏa 3”, người xem không chỉ giới hạn mình trong “nghệ thuật của người Việt” mà còn được chiêm ngưỡng tác phẩm của những nghệ sĩ nước ngoài đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Series tác phẩm của nhóm tác giả Andrea Orejarena và Caleb Stein là những khoảnh khắc đời thường được tái hiện trong nhiều chất liệu cũng như cách thức khác nhau, từ in phóng ảnh trên giấy bạc, carbon, in lụa, cho tới tranh vẽ mực, tranh màu nước và cả video được dàn dựng lồng ghép công phu và tỉ mỉ.
Tác phẩm video “Đã lâu không gặp” của hai nghệ sĩ Andrea Orejarena và Caleb Stein
Triển lãm Tỏa 3 mở cửa tự do đến hết ngày 23/2/2020 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) ở B1 – R3, Vincom Mega Mall Royal city (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Trong khuôn khổ triển lãm, VCCA sẽ tổ chức các buổi trò chuyện với các nghệ sĩ vào ngày 21/12, 4/1 và 15/2. Chương trình chi tiết sẽ được cập nhật trên website và trang fanpage chính thức của trung tâm.
V.G
*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media