Trong triển lãm lần này, họa sĩ Phương Lương chọn lọc ra 14 tác phẩm sơn dầu tiêu biểu trong serie tranh về “Người đàn bà” để giới thiệu với công chúng. Mỗi một tác phẩm đều mang một cái tên đầy ấn tượng, thể hiện sự nhất quán, chặt chẽ trong tư duy sáng tác và mạch cảm hứng dạt dào của họa sĩ.
Đó là những góc nhìn, những “tư thế” của người đàn bà được họa sĩ phác họa một cách đầy táo bạo và mạnh mẽ: Người đàn bà bước vào đời, Người đàn bà ở quá khứ và hiện tại, Người đàn bà ở tương lai, Người đàn bà lạ, Người đàn bà và những người đàn bàn khác, Người đàn bà có hai tâm hồn, Người đàn bà ngồi trên mây, Người đàn bà chơi với Mặt Trời…
Họa sĩ Phương Lương và Tiến sĩ Hà Thanh Vân (trái)
“Đàn bà” tuy là một đề tài quen thuộc, nhưng Phương Lương đã chọn cách tiếp cận đào sâu vào nội tâm, cá tính của chủ thể thay vì gợi tả đối tượng qua vẻ ngoài. “Người đàn bà” của Phương Lương là một người đàn bà mạnh mẽ khác lạ và mang một tâm hồn bí ẩn.
Hình tượng ấy vượt ra khỏi định những kiến muôn thuở về nữ giới, nó vừa lạ lẫm vừa sâu sắc, được thể hiện qua phong cách hội họa biểu hiện (expressionism) – phong cách được đặc trưng bởi lối tạo hình “đập vào thị giác”, màu sắc kịch tính, mang đến cho người xem cảm xúc trực diện, mạnh và chân thực.
Bên cạnh tạo hình lạ mắt, điểm đáng chú ý trong loạt tranh của Phương Lương là nguyên tắc dùng màu được cô gọi là “kiệm màu” và nét vẽ được xây dựng bởi những đường cong, đường lượn sóng chuyển động tự do. Mỗi bức tranh của cô chỉ tập trung vào 2-3 tone màu chủ đạo, ưu tiên cho những gam màu mạnh như đỏ-đen-xanh.
Thế giới hình tượng trong tranh Phương Lương là tập hợp của những đường cong, uốn lượn tự do, kéo dài từ điểm bắt đầu cho đến điểm kết thúc, mà không hề có một đường thẳng, đường xiên nào. Vì cô cho rằng, những đường cong, tự thân nó có khả năng gợi ra 2 trạng thái biểu cảm đối lập nhau: vừa uyển chuyển, nhẹ nhàng vừa mạnh bạo, điên đảo.
Giám tuyển Tobi Trần trò chuyện với họa sĩ Phương Lương
Giám tuyển độc lập Tobi Trần sau khi xem 1 vòng triển lãm đã có những chia sẻ như sau: “Điều đầu tiên mình ấn tượng đó là các tác phẩm triển lãm lần này vô cùng văn minh, giàu chất thơ và đâu đó phảng phất tính chuyển động của điện ảnh. Dù chỉ có 14 tác phẩm được trưng bày trong triển lãm lần này nhưng mỗi bức sẽ để lại cảm xúc rất sâu sắc cho người xem tranh.
Cách sử dụng màu sắc theo dãy màu đậm tạo tính bộc phát cực tốt trong tranh của Lương Phương nhưng kèm theo đó là sự cân bằng đáng nể với một cô gái chỉ mới quyết định theo nghiệp họa sĩ chưa đầy 5 năm. Cách tạo hình người đàn bà của Lương Phương đầy tính phản kháng, tự sự nhưng lại mang đến một sự hấp dẫn rất riêng, đầy kích thích và nhân văn. Tôi đã đứng lại rất lâu một số tác phẩm để chiêm ngưỡng cơ thể của “đàn bà” và câu chuyện của người đàn bà ấy.
Có một điều mình thấy đáng tiếc đó là dù họa sĩ đã tạo ra những tác phẩm rất có chiều sâu về cả màu sắc, đường nét lẫn nội dung nhưng ánh sáng tại triển lãm không phát huy tác dụng để làm bật lên những cuốn hút nên có của tác phẩm. Mình hơi tiếc vì có vài lần phải dừng lại vì bị ngắt cảm xúc do ánh sáng hỗ trợ không như mong đợi.
14 tác phẩm nhưng cũng đủ phần nào phản ánh được nhân sinh quan và những bộc bạch của Lương Phương đối với hội họa và tông giọng của những người phụ nữ độc lập ở hiện tại.
Chúc mừng em, họa sĩ Phương Lương, một số ít họa sĩ trẻ của Việt Nam mà chỉ cần ngắm tranh là biết tên và nhắm mắt là tưởng tượng ra được đường nét, màu sắc của họa sĩ”.
Họa sĩ Phương Lương (sinh năm 1992), tên thật là Lương Ngọc Khánh Phương, sinh ra và lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh. Cô tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vào năm 2014. Năm 2017, cô tốt nghiệp cùng lúc thạc sĩ ngành Ngôn ngữ học và Thạc sĩ ngành Việt Nam học tại Việt Nam. Cho đến nay, cô đã có 8 năm công tác trong ngành giáo dục, với vai trò là giảng viên. Là một họa sĩ tự học, quá trình sáng tác của Phương Lương bắt đầu từ năm 2020. Tuy chỉ mới sáng tác trong 5 năm gần đây nhưng ngay từ đầu, cô đã bộc lộ cá tính và lối tư duy rất riêng trong các tác phẩm hội họa. Cô đã tham gia 14 triển lãm trong nước được tổ chức tại: TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng. Sắp tới đây, cô sẽ tham gia triển lãm tại Hà Lan, diễn ra vào tháng 10/2024. Phong cách tạo hình của Phương Lương nghiêng về chủ nghĩa biểu hiện (expressionism), bút pháp mạnh mẽ, màu sắc kịch tính, hình tượng táo bạo. Cô từng thử sức với nhiều đề tài sáng tác: mối quan hệ giữa con người với con người; sự xung đột giữa các giá trị cơ bản (tiền tài, địa vị, tri thức, lý tưởng); suy tư về hành trình của sự sống và cái chết. Đặc biệt, gần đây cô tập trung vẽ loạt tranh đề tài “Người đàn bà”, với góc nhìn vừa lạ lẫm vừa sâu sắc. Cô chia sẻ: “Trong tác phẩm nghệ thuật, có tư tưởng của người nghệ sĩ, nhưng nghệ thuật không phải là phương tiện nhồi nhét ý tưởng, tư tưởng. Trước một tác phẩm mà phải diễn giải quá nhiều thì người xem sẽ “ngộp thở”. Nghệ thuật là sự thể hiện chân thực và đa dạng những suy nghĩ, cảm xúc của người nghệ sĩ, gồm cả những điều người ta không biết phải nói ra bằng lời như thế nào”. Cũng vì thế mà trong hội họa của cô, ta thấy những góc nhìn trực diện đầy thách thức, cho ta cảm giác về sự mạnh mẽ, gai góc và đôi khi ma mị. |
Triển lãm sẽ kéo dài đến 20/7, tại TomuraLee Gallery (số 24 đường số 1, phường An Khánh, TP. Thủ Đức, TP.HCM).
Hồng Sơn
( CLB Phụ Nữ Hiện Đại)