(Phụ Nữ Hiện Đại) – Trong khi nhiều người vẫn lo ngại về tình bằng hữu giữa con người và công nghệ thì cuốn sách Mối quan hệ 5.0 tiết lộ rằng những sự kết nối mới mẻ này không nguy hiểm như chúng ta nghĩ, mà thay vào đó, có thể khiến đời sống xã hội và cảm xúc của chúng ta trở nên phong phú và đa dạng hơn. Song, chúng ta phải đặt câu hỏi: Thời đại của mối quan hệ 5.0 như thế nào? Chúng ta nên chuẩn bị như thế nào cho một thời đại như vậy? Ai đã sẵn sàng tận dụng những thay đổi này, và tại sao?
Cuốn sách Mối quan hệ 5.0 của tác giả Elyakim Kislev sẽ dẫn người đọc ra khỏi nỗi sợ hãi và đi vào một thực tại mới. Nó mở ra những câu hỏi cơ bản đằng sau những điều thiết yếu như tình bằng hữu, niềm tin, và tình yêu, đồng thời cung cấp những ý kiến thú vị và bất ngờ về tương lai trong những năm sắp tới.
Trong cuốn sách gồm 02 chương và 12 phần bao gồm nhiều chủ đề nhỏ xoay quanh.
- Chương 01 tập trung về Mối quan hệ 1.0, 2.0, 3.0, 4.0
- Chương 02 phân tích sâu hơn về Mối quan hệ 5.0 liên quan đến nhận thức, giác quan, thể xác và định hướng tương lai.
Trích đoạn sách:
Không phải lúc nào chúng ta cũng yêu một người ở tất cả các khía cạnh của họ, thường thì chúng ta yêu một người vì những đặc điểm của người đó: nụ cười, cử chỉ dễ thương, cách suy nghĩ hay khiếu hài hước. Cũng có khi người đó mang đến cho chúng ta một cảm giác nào đó, hoặc chúng ta cảm thấy rằng mình có thể tin tưởng vào người này hơn những người khác. Chúng ta muốn khám phá người có thể mang đến cho chúng ta những cảm xúc dễ chịu và khích lệ chúng ta nói chuyện nhiều hơn, đồng thời cũng gửi đi thông điệp rằng chúng ta là người đáng được khao khát, đặc biệt, tài năng, hấp dẫn và dí dỏm. Thông thường, tất cả những yếu tố này sẽ kết hợp lại với nhau để khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn, hạnh phúc hơn và thư thái hơn khi ở bên cạnh người đó.
Chúng ta cũng làm như vậy trước khi gặp đối tượng tiềm năng. Mặc dù không cần dùng đến bất kỳ công nghệ tinh vi nào, hầu hết chúng ta đều sẽ xem xét người này gần giống như cách chúng ta lựa chọn các sản phẩm trên Amazon. Chúng ta kiểm tra thân thế của đối tượng tiềm năng đó: trình độ học vấn, tuổi tác, gia đình, quan điểm chính trị và thậm chí là lịch sử tình trường. Chúng ta đo đếm xem người này có thể trở thành một nửa hoàn hảo của mình không để bảo vệ và hỗ trợ chúng ta trong mỗi bước thăng trầm của cuộc sống, từ ổn định kinh tế, sinh con, cho đến đóng vai trò một chỗ dựa về tinh thần.
Sau đó, chúng ta bắt đầu nảy sinh tình cảm với người đó vì họ đáp ứng các nhu cầu của chúng ta ở một mức độ nào đó. Hãy thử nghĩ về một mối quan hệ mà bạn (hoặc những người khác) từng có và duy trì trong ít nhất một hoặc hai năm, bạn sẽ nhận ra được tất cả các giai đoạn trên. Dù rằng ban đầu là sự hào hứng, một cảm giác về “phép màu” và một cảm giác khó lý giải rằng bạn và người đó là “một cặp trời sinh”, nhưng có lẽ mọi thứ sẽ trở nên chân thật khi các hợp phần của mối liên kết đó tự bộc lộ ra ngoài. Sau khi hẹn hò một thời gian, bạn bắt đầu hiểu hơn về người đó. Có thể ban đầu bạn thích mọi thứ về người đó, nhưng đến giai đoạn về sau, bạn sẽ bắt đầu có cái nhìn cụ thể hơn về những điểm bạn thích và không thích về đối tượng của mình. Mọi người vẫn thường xuyên nói về những mặt được và chưa được ở đối tượng mà họ đang gặp gỡ, hẹn hò hoặc kết hôn. Mối quan hệ này có lẽ sẽ kéo dài bao lâu tùy theo ý thích của bạn bởi những điểm cộng ở người đó vẫn nhiều hơn những điểm trừ.
Điểm mấu chốt ở đây là, chúng ta thường phân tích mối quan hệ giữa mình với người khác, ngay cả trong trường hợp chúng ta có những cảm xúc mãnh liệt dành cho họ. Thực ra, cảm xúc của chúng ta phát triển rất nhiều lần, dựa trên tất cả các đặc điểm của họ.
Công ty CP Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media