Có những phụ huynh thích trợ giúp con của họ trong mọi thứ, từ việc làm bài tập thủ công cho tới chọn dụng cụ thể thao. Họ luôn sẵn sàng lao vào giải cứu cho con và làm “tài xế” cho trẻ từ chuyện này sang chuyện khác. Những phụ huynh như thế được các nhà tâm lý phương Tây gắn cho tên gọi là “cha mẹ trực thăng” – luôn lởn vởn quanh con của họ và chăm con quá kỹ.

Những đứa trẻ nhận được sự bảo hộ quá mức của cha mẹ có chút “lợi thế ngắn hạn” nếu như phải cạnh tranh với những trẻ phải tự làm mọi thứ. Thế nhưng, những đứa trẻ này sẽ sớm mất đi lợi thế cạnh tranh khi chúng trưởng thành.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về tác động lâu dài của việc nuôi dạy con theo cách bảo bọc quá kỹ và chỉ ra năm vấn đề lớn nhất mà những đứa trẻ này gặp phải khi lớn lên.

Dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe

Theo một cuộc nghiên cứu của Đại học bang Florida (Mỹ) vào năm 2016, những đứa trẻ được cha mẹ bảo hộ quá mức dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe hơn khi trưởng thành. Hầu hết chúng không học được cách tự chăm sóc sức khỏe vì cha mẹ luôn bảo chúng khi nào phải đi ngủ, khi nào cần tập thể dục và nên ăn gì.

Những phụ huynh trực thăng thường lo lắng thái quá về sức khỏe của con và liên tục nhắc con cần phải làm gì. Và một khi không có sự nhắc nhở liên tục này thì trẻ không hề quan tâm đến cơ thể của chúng.

Có khuynh hướng cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ

Những phụ huynh lúc nào cũng bảo bọc con và say mê con quá đỗi sẽ khiến trẻ nghĩ rằng chúng là trung tâm của vũ trụ. Ý niệm về sự “siêu đặc biệt” này sẽ không biến mất khi trẻ lớn lên và bước sang tuổi 18.

Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Arizona, những đứa trẻ như thế tin rằng mình xứng đáng có đặc quyền hay nhận được sự đối xử đặc biệt và dễ có kiểu suy nghĩ như “Tôi đòi hỏi những gì tốt nhất vì tôi xứng đáng với điều đó”. Nghiên cứu cũng cho thấy những người tin rằng mình hiển nhiên xứng đáng với những đặc quyền (mà không cần phải nỗ lực) có thể phải đối mặt với sự thất vọng triền miên trong cuộc sống của họ.

Những vấn đề về cảm xúc

Trẻ được bảo bọc quá mức sẽ khó học được cách điều chỉnh cảm xúc vì cha mẹ đã làm thay cho trẻ. Nếu con buồn, họ sẽ tìm cách làm con vui. Nếu trẻ giận dỗi, cha mẹ sẽ xoa dịu chúng.

Thiếu kỹ năng điều chỉnh cảm xúc sẽ là vấn đề lớn một khi trẻ phải rời xa nhà. Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Mary Washington (Virginia – Mỹ), những sinh viên đại học là con cưng được yêu chiều quá mức dễ bị trầm cảm và nhìn chung khó hài lòng với cuộc sống.

Dễ bị phụ thuộc vào thuốc

Những đứa trẻ này ít chấp nhận bất cứ sự khó chịu nào vì cha mẹ luôn che chắn để trẻ không phải chịu đau và không để cho chúng đối mặt với khó khăn, nghịch cảnh. Đó là lý do vì sao những người này rất dễ tìm đến dược phẩm – để giải quyết ngay cơn đau và muốn sự khó chịu phải ra đi ngay lập tức.

Theo một cuộc nghiên cứu của Trường Đại học Tennessee, những sinh viên được cha mẹ bảo bọc quá kỹ dễ tìm đến thuốc chống lo âu, chống trầm cảm và giảm đau.

Thiếu kỹ năng tự điều chỉnh

Con của các phụ huynh trực thăng không có nhiều thời gian tự do như những đứa trẻ khác và không có cơ hội tự giải quyết vấn đề. Vì thế, trẻ sẽ thiếu những kỹ năng cần thiết để có thể đạt được mục tiêu. Các cuộc nghiên cứu cho thấy trẻ dễ do dự, thiếu động lực cần thiết để thành công trong cuộc sống.

Những phụ huynh trực thăng cũng chỉ muốn giúp con mình thành công nhưng sau hết, cách làm này sẽ tước đoạt mất sức mạnh tinh thần mà trẻ cần có để có thể phát huy hết tiềm năng trong cuộc sống.

Dĩ nhiên, người làm cha mẹ cũng cần phải mạnh mẽ về tinh thần thì mới dám để cho con trẻ phạm một số sai lầm, cho phép chúng thất bại và có cơ hội tự giải quyết vấn đề cũng như phát triển các kỹ năng cần thiết để trở thành những người lớn khỏe mạnh và có trách nhiệm.

  • Theo Psychology Today

Nguồn: Doanh nhân Sài gòn cuối tuần/ doanhnhanplus.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc