So với nhiều chuyên khoa khác, tâm lý trong môi trường bệnh viện là một lĩnh vực còn khá mới mẻ với nhiều người. Chính vì thế, phụ huynh còn e dè khi đưa trẻ đến phòng khám tâm lý để được hỗ trợ. Đối diện với các vấn đề tâm lý ở trẻ em, phụ huynh dễ có hai cách nhìn nhận khá cực đoan. Nhiều người cho rằng ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, con trẻ sẽ không có gì để lo lắng hay buồn bã. Ở thái cực ngược lại, nhiều bậc cha mẹ lại sợ hãi và mặc cảm vì liên tưởng đến các bệnh lý “tâm thần”, “khùng điên”…

Vậy khi nào một trẻ cần gia đình quan tâm và đưa đến các phòng tham vấn trị liệu tâm lý?

 Để con phát triển toàn diện

Có hai mảng chính trong thực hành tâm lý trẻ em thường gặp. Thứ nhất là các vấn đề liên quan đến sự phát triển của trẻ. Một trẻ phát triển bình thường phải đạt được các mốc về vận động thô, vận động tinh, ngôn ngữ, nhận thức, tự lập, xã hội tương ứng với độ tuổi sinh học… Khi một trẻ hơn 18 tháng nhưng chưa thể nói được từ đơn, chưa thể chập chững bước đi hay cầm nắm bằng hai tay có thể xem là yếu tố cần lưu ý. Một lĩnh vực khác ít được quan tâm nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ là những tương tác, giao tiếp với người khác. Nếu trẻ hơn một tuổi nhưng chưa có sự phân biệt người lạ và người quen, hạn chế tiếp xúc ánh mắt, ít chơi tương tác với ba mẹ, bạn bè đồng trang lứa có thể là dấu hiệu của những rối loạn nghiêm trọng về phát triển. Khi phát hiện con gặp phải những khó khăn ấy, cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đến bệnh viện để được đánh giá phát triển, kiểm tra nguy cơ mắc các rối loạn về não bộ, phát triển…

Ngoài ra, những kỹ năng tự phục vụ bản thân cũng là điều cần thiết để chuẩn bị cho trẻ trong việc bước vào lớp học và xã hội hoá sau này. Nhiều phụ huynh vì quá thương yêu, bảo bọc con, luôn làm hết mọi việc và phục vụ con từ miếng ăn, giấc ngủ đến vệ sinh, tắm rửa. Cách thức như thế không làm trẻ phát triển tốt mà còn khiến cho các bé thiếu kỹ năng tự lập. Đến khi vào lớp mẫu giáo, vì không thể tự chăm sóc cho bản thân, trẻ dễ có những lo lắng, sợ hãi không chịu đến trường. Nhiều trẻ đến phòng khám tâm lý với những vấn đề về lo âu, sự tự tin, kỹ năng giải quyết vấn đề ở trường… mà nguồn gốc sâu xa từ việc thiếu kỹ năng tự lập.

Trẻ con cũng biết buồn???

Mảng lĩnh vực thứ hai thường gặp trong thăm khám tâm lý trẻ em là các vấn đề về stress, lo âu, căng thẳng, trầm cảm… ở các bé. Trẻ dù nhỏ đến đâu cũng cảm nhận được tất cả các cảm xúc vui, buồn, giận dữ và vẫn có thể mắc các rối loạn lo âu, trầm cảm. Cha mẹ hoặc người chăm sóc chính là những người phát hiện ra một trẻ có vấn đề tâm lý. Các bé thường có những thay đổi trong sinh hoạt, lời nói và cảm xúc thể hiện nhiều yếu tố tiêu cực… Sau giờ học, trẻ có thể trở nên thụ động, không còn hứng thú với các hoạt động vui chơi, chỉ tự nhốt mình trong phòng. Nhiều bé không chịu đến trường, thay đổi thói quen ăn uống, bỏ ăn hoặc ăn quá nhiều. Một số trẻ còn gặp các rối loạn về giấc ngủ như ngủ không yên giấc, hay có các cơn hoảng loạn ban đêm, mộng du…

Ngoài ra, khi phụ huynh nhận thấy tương tác giữa mình và trẻ không còn tốt và gây nên sự khó chịu, ảnh hưởng đến không khí gia đình cũng là lúc cha mẹ cần tìm đến sự hỗ trợ của tâm lý. Nhiều trường hợp, gia đình trải qua một biến cố lớn như chuyển nhà, thay đổi trường lớp, mất mát người thân có thể làm cho trẻ gặp nhiều khó khăn về tâm lý. Những tổn thương, mất mát sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời đứa trẻ không chỉ trong hiện tại mà còn kéo dài đến sau này. Điều này sẽ không biến mất nếu phụ huynh và trẻ không can đảm đối diện và vượt qua với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia tâm lý.

Không chỉ buồn, mà còn đau

Tại phòng khám tâm lý ở bệnh viện Nhi, nhiều trẻ được bác sĩ từ các chuyên khoa gửi đến để hỗ trợ. Đa phần các bé than phiền về các dấu hiệu như đau bụng, đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, táo bón kéo dài… Tuy nhiên, khi được thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chuyên khoa vẫn chưa ghi nhận các bất thường và không tìm ra nguyên nhân thực thể. Có thể đằng sau những triệu chứng ấy là các vấn đề có nguồn gốc tâm lý như stress, sang chấn, lo âu… Tuy nhiên, khi những cảm xúc tiêu cực không được thể hiện và hỗ trợ thì cơ thể sẽ ‘lên tiếng’ bằng những triệu chứng đau đớn, khó chịu kéo dài.

Các bác sĩ tâm thần nhi và chuyên gia tâm lý sau quá trình tiếp xúc, đánh giá đều thống nhất ý kiến những trường hợp này có thể xếp vào loại ‘Rối loạn dạng cơ thể’ (Somatoform Disorder) (F45). Qua thời gian trị liệu tâm lý cho trẻ, cùng với sự hợp tác của gia đình, các triệu chứng có thể giảm dần và biến mất.

Định nghĩa về sức khoẻ của WHO không chỉ đề cập đến tình trạng không có bệnh lý hay thương tật mà còn chú trọng đến trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần, xã hội. Vì thế, việc quan tâm đến sức khoẻ tinh thần của trẻ em tại Việt Nam là một vấn đề hết sức cần thiết để đảm bảo cho mục tiêu giúp trẻ phát triển tối ưu.

Mỗi phiên khám, đánh giá và can thiệp tâm lý trẻ em thường diễn ra trong 45 – 60 phút. Để giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian, hạn chế tình trạng chờ đợi, BV Nhi đồng Thành phố hiện triển khai hình thức đặt hẹn khám qua tổng đài. Cha mẹ có nhu cầu đưa trẻ đến khám tâm lý có thể liên hệ trước qua số tổng đài:028 2253 6688 để được tư vấn đặt hẹn với chuyên gia và lựa chọn giờ đến khám.

Chuyên gia tâm lý

Vương Nguyễn Toàn Thiện

Đơn vị Tâm lý – BV Nhi đồng Thành phố

Nguồn: .tcsuckhoe.com

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc