Có bao giờ bạn làm xong một việc, và tự nhủ trong đầu: “Ôi mình ngu quá, mình thật tệ!” – Và bạn mất cả vài ngày sau để trách giận chính bản thân vì hành động sai lầm vừa qua? 

Cảm giác đó xảy ra với tôi rất thường xuyên vài năm trước. Tôi thường tự nhủ: “Tôi đã viết bài này không tốt, tôi quá tệ hại!”, “Tại sao tôi lại nói một thứ vớ vẩn như vậy với bạn, tôi đã làm tổn thương bạn mình!”, “Tôi đúng là đứa con đáng xấu hổ!”, “Tại sao tôi có thể ăn mặc ngu ngốc như vậy đến cuộc họp?” – Hàng trăm câu tự kiểm điểm như vậy đi xuyên qua đầu óc tôi như mũi khoan. Chúng tự kiểm, và hành hạ và khiến tôi liên tục tự xấu hổ vì những gì mình mắc phải.

Nhưng tệ hơn, là những lời tự đay nghiến đó dần thiết lập sâu kín trong tâm trí tôi sự khó chịu, dằn vặt, mà mỗi khi trong đời sống xảy ra tình huống tương tự, tâm trí tôi như bị kích thích quay trở lại với sự khổ sở đã cũ.

Cả cơ thể đều chịu đựng cảm giác đó.

Một lần, tôi mặc áo sơ mi đen đến một buổi lễ, và người đồng nghiệp luôn miệng bảo: “Tại sao em lại mặc áo đen? Em không biết quy định là mặc áo trắng hả?” – Và chị nói to lên cho nhiều người cùng nghe. Tôi cúi mặt. Xấu hổ. Ngại ngùng. Thấy mình thật ngu xuẩn vì là đứa duy nhất mặc áo sơ mi đen giữa rừng người mặc sơ mi trắng.

Tôi trở nên cực kỳ lo sợ đến những buổi lễ lớn, vì cứ nghĩ lại cảm giác mình sẽ mặc đồ sai và trở thành một con ngu như vậy.

Nhưng tôi vừa đọc một số bài nói về sự tự phê bình của con người. Não chúng ta sẽ luôn có xu hướng quá khắt khe với bản thân hoặc quá hào phóng kiêu hãnh về chính mình. Nó không có khả năng đánh giá đúng những gì xảy ra với chính nó.

Sự tự phê phán thường cưỡng ép ta đến cực đỉnh của sự thất bại trong tâm trí. Nó khiến ta thấy mình tồi tệ, không xứng đáng, thấy mình sai lầm, ngớ ngẩn, hành xử ngu ngốc. Nó làm ta bối rối không dám tin vào lời khen mà mọi người dành cho mình. Nó khiến ta cắm đầu truy tìm căn nguyên vì sao mình thật tồi tệ, trong khi thực tế không tệ đến thế. Nó đánh giá một lỗi lầm là một cuộc sai phạm xứng đáng bỏ tù cả tâm trí.

Trong khi đó, thế giới đâu có sụp đổ vì một sai lầm cỏn con, và ta chẳng chết ngay được vì một câu nói ngớ ngẩn hay một sai lầm bé mọn.

Đến lượt mình, sự tự phê phán hành hạ tâm can ta.

Bạn có thể thấy chính mình nói với người yêu: “Anh không xứng với em, dù anh yêu em rất nhiều” – Xứng đáng là gì – khi người yêu bạn cần bạn, còn bạn lại tự nhận xét mình “không xứng” để làm tổn thương cả hai?

Bạn có thể sẽ nghĩ  “em thật là một người con tồi tệ, không xứng với cha mẹ kỳ vọng.” – Câu hỏi là, em có chắc cha mẹ đang kỳ vọng những gì em tưởng tượng không?

Bạn sẽ xem được vô số bộ phim, tiểu thuyết, truyện ngắn, với những mô-tuyp quen thuộc như mẫu câu trên. Nó “rèn luyện” trong đầu ta một bi kịch tưởng tượng về sự tự phê phán và hành hạ bản thân. Một dạng khổ dâm chẳng cần lý lẽ.

Khi ý thức về điều này, tôi phát hiện quá nhiều những thứ trong thị trường giải trí như phim ảnh, phim truyền hình, âm nhạc… đều sử dụng tâm lý tự phê bình và tự hành hạ này để tạo thành cảm giác kịch tính. Có thể bạn thấy hay, thấy đau xót, thương cảm, nhưng về lâu dài, những thứ này sẽ khiến bạn suy nghĩ y như nó – tự hành hạ tâm trí và tâm hồn chỉ vì nghĩ rằng như vậy là thời thượng hay đúng đắn.

Sự tự phê phán quá mức là căn nguyên gây ra sự ngờ vực không ngừng về bản thân, nghi ngờ mình có thể làm được điều gì đó, coi nhẹ những thành quả bản thân làm được, tự lùi lại không đủ can đảm thực hiện những gì mình khao khát, và thường xuyên lo lắng, căng thẳng vì sao mình chẳng đủ giỏi như người đời.

Thực tế là, bạn có thể sẽ mắc lại sai lầm lần trước mình phạm phải. Việc cần làm là điều chỉnh chỗ sai chứ không phải nguyền rủa bản thân là ngu ngốc. Với những thứ chẳng thể làm lại được, bạn có tự hành hạ mình thêm 1.000 ngày nữa thì cũng chẳng thay đổi được tình hình. Mỗi ngày bạn đều ngủ dậy, ăn, và làm điều gì đó mới. Sao phải biến ngày mới thành địa ngục vì một sai lầm không thể sửa chữa?

Sự tự phê bình có thể tốt, trong chừng mực nào đó, là giúp bạn tự nhìn lại những gì chưa ổn để sửa đổi. Đi xa hơn khỏi chừng mực đó, nó là sự hành hạ. Bạn có thể đọc bài viết ở đây (1) để tìm cách biến sự tự phê bình thành sự tự cảm thông.

Thay vì tự nguyền rủa, hãy dành cho bản thân những lời an ủi, săn sóc, hãy yêu tâm trí mình, hãy giúp nó vượt qua điều sai gặp phải. Thay vì chửi “mình ngu quá”, hãy thử nghĩ “mình sẽ làm tốt hơn lần tới, mình sẽ tập luyện”. Tự chăm sóc tâm trí bằng lời lẽ tử tế là thứ sẽ trấn an, bình ổn và giúp bạn có động lực thay đổi.

Hãy ghi chép lại những khi mình thấy muốn chửi bới, nguyền rủa bản thân. Đó là lúc bạn cần chậm lại, cần một chút tử tế như khi đối xử với bạn bè thân. Bạn đâu chửi mắng người bạn thân đúng không? Vậy tại sao lại tự làm khổ mình? – Ghi chép lại có thể khiến 6 tháng, 1 năm sau khi nhìn lại, bạn sẽ thấy cái lỗi lầm khổng lồ mà bạn tưởng mình sắp làm nổ tung thế giới thực ra bé xíu, bạn có thể thay đổi, làm khác đi, hoặc trở nên tốt hơn theo cách hoàn toàn khác. Mỗi khi nhìn lại lỗi lầm từ xa, bạn sẽ thấy mình đâu tệ quá như vậy.

Ở bài trước, tôi từng viết “tâm hồn là một cái cây”, vậy bạn đừng dùng chân chà giẫm lên cái cây đó, đừng dùng lửa đốt nó, đừng dùng lời cay độc tưới nó. Hãy vỗ về, hãy nói nhỏ nhẹ, hãy an ủi, hãy chạm vào vai khi nó khóc, hãy đỡ nó khi nó ngả trong gió mưa.

Chính bạn, khi thành thật yêu tâm hồn, sẽ chăm sóc nó như người bạn thân mà bạn thường tử tế.

Khải Đơn

 

Theo https://www.ipick.vn/bai-viet/song-moi-tuan-tran-trong-ton-thuong-cham-soc-minh-bang-su-tu-te

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc