Thực thế, với số vốn ít ỏi ban đầu là 150 triệu đồng của mẹ và những máy móc cơ bản được Việt Nam hoá bởi ông anh rể, tôi đã tạo được doanh số hàng tháng trong sáu tháng đầu tiên gấp năm lần số vốn ban đầu.
Chắc chắn bạn sẽ rất thắc mắc là tôi làm cách nào?
Tôi khởi đầu cơ nghiệp gia đình là do bị rơi vào thế bắt buộc. Số là mẹ tôi muốn cải thiện kinh tế gia đình bằng sản phẩm bao bì trong khi ba tôi làm cho một công ty Đài Loan chuyên về ngành hàng này.
Thế là mẹ tôi âm thầm nhờ ông anh rể có hiểu biết về cơ khí đi len lén học cách chế máy làm bao bì. Còn tôi, đang làm cho một trong bốn công ty kiểm toán “BIG 4” cũng vì chữ hiếu mà quay về phụ gia đình, mà theo mọi người là hy vọng tôi là người học nhiều nhất và sẽ làm một cách chính quy nhất.
Trước hết và đầu tiên là NIỀM TIN, gia đình tôi tạo được niềm tin cho những người đi theo chúng tôi.
Tôi hoạch định: sử dụng 1/3 số tiền đang có để trả lương và những chi tiêu cần thiết cho công ty tồn tại như điện, nước, điện thoại… còn lại 2/3 là để trả cho nguyên vật liệu theo như kế hoạch. Mọi chi tiêu tôi theo dõi kỹ càng vì bản thân gia đình không có nhiều tiền nên không có thể tiêu hoang.
Khi bạn khởi nghiệp, nên nhớ, tiền của bạn sẽ nằm nhiều nhất trong mớ hàng tồn kho (tức là nguyên vật liệu và thành phẩm nói chung) cho nên nếu bạn giải quyết được không phải bỏ tiền ngay ra mua hàng hoá để đến khi bạn bán và (quan trọng hơn) là thu được tiền mới phải thanh toán tiền mua hàng thì câu chuyện về vốn sẽ trở nên nhẹ nhàng.
Cách tôi làm như sau: vì ba tôi làm trong ngành mặc dù đã nghỉ công ty Đài Loan nhưng ba tôi khá uy tín nên khi ba tôi ra làm, các nhà cung cấp vẫn bán hàng cho chúng tôi. Tôi đưa họ đi xem những gì chúng tôi đang làm và chúng tôi có gì để họ có niềm tin và cho thiếu nợ.
Chuyến giao hàng đầu tiên, tôi dùng 2/3 số tiền nói trên trả cho họ để tạo lòng tin và những chuyến xe giao hàng tiếp sau sẽ là cho công nợ. Tôi đưa ra hình thức thanh toán thuận tiện cho họ là cuối tháng kết sổ, ngày 15 tháng sau tôi trả hết số tiền nợ tháng trước đó sau khi đối chiếu.
Vậy tôi làm gì trong 45 ngày đó để quản lý dòng tiền mà có tiền trả nợ đúng hạn.
Đầu tháng tôi sẽ kêu nhiều hàng hơn vào tập trung sản xuất và bán hàng, tôi chấp nhận những khoản bán thu tiền mặt (gọi chung là hàng chợ) với lợi nhuận thấp hay ngay cả có đơn hàng số lượng nhiều nhưng hoà vốn để giải quyết vấn đề dòng tiền cho nhà cung cấp.
Các khoản lương và chi cần thiết cho sự tồn tại của công ty hoặc khi cần dòng tiền tôi có thể giảm giá 10% cho các đơn hàng chợ đặt trước lấy sau (thật ra thì khách hàng của tôi cũng chẳng cần lấy hết một lần vì họ không có chỗ để).
Còn tôi lời nhiều hơn từ những khách hàng cho họ công nợ (gọi chung là khách hàng công ty). Nhờ vậy mà từ khi lập xưởng cho tới nay, chưa bao giờ công ty thanh toán nợ trễ hạn cho nhà cung cấp. Một điều quan trọng là tôi không tham lời nhiều và tôi cũng không tham khách hàng nhiều, điều tôi cần là khách hàng tốt và phù hợp với mục tiêu dòng tiền của tôi.
Chính vì vậy mà khi hướng dẫn cho các bạn trẻ khởi nghiệp tôi luôn nhấn mạnh đến việc quản lý dòng tiền và tạo ra sản phẩm hoặc quản lý sản phẩm để tạo ra hai dòng tiền phù hợp: (1) tạo sản phẩm phụ (có thể sau này nó là sản phẩm chính cũng không chừng) thu dòng tiền ngắn (tức là những sản phẩm đại chúng dễ bán, có thể không lời nhiều nhưng dễ thu tiền); và (2) tạo sản phẩm chính thu dòng tiền dài (thường thì lợi nhuận cao hơn nhưng thời gian thanh toán chậm hơn).
Nguyên tắc căn bản là bạn phải tồn tại trước khi nói tới lợi nhuận. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trồng lan Nhật mất 2,5 năm mới bắt đầu có thu hoạch thì mình có thể trồng những cây cho lá (người ta dùng để cắm hoa) để có nguồn tiền mặt mỗi ngày hoặc bán cây giống để có tiền chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu để tồn tại.
Ngay cả người làm nghệ thuật nếu biết suy nghĩ về điều này cũng có thể sống tốt, như vợ tôi từng mua một bộ tranh bốn mùa bằng gỗ sơn với hình ảnh những cái cây (thân thì giống hệt nhau) chỉ khác lá cây và màu sắc thể hiện bốn mùa xuân hạ thu đông, giá chỉ 600.000 đồng, treo khá đẹp, có thể sản xuất hàng loạt.
Tôi nghĩ đọc tới đây bạn đã có một suy nghĩ khác về chuyện vốn liếng trong khởi nghiệp. Vốn không phải vấn đê,̀ mà vấn đề chính là niềm tin. Bạn không có vốn, bạn có thể vay bạn bè, người thân nếu họ tin bạn.
Bạn có thể mua chịu của nhà cung cấp hay bán rẻ thu tiền trước hoặc tạo ra một mô hình kinh doanh tốt để người ta đưa trước sản phẩm và chỉ thu tiền khi mình bán được.
Vốn chỉ là một yếu tố mà chúng ta có thể xoay xở được trong bộ ba tam giác các yếu tố thành công của một nhà khởi nghiệp là tài lực (vốn), đam mê và tài năng.
Theo Trương Cẩm Minh/ Thế giới Tiếp thị/ tiepthithegioi.vn