Dù trời mưa nhưng rất nhiều khán giả gần xa tìm đến Phòng trà Nam Quang (TP.HCM) vào tối 20.8 để ủng hộ đêm nhạc Gõ cửa trái tim. Họ đến không chỉ với mong muốn được nghe lại những nhạc phẩm bất hủ của “vua nhạc sến” Vinh Sử mà còn vì ủng hộ cho người nhạc sĩ đang lâm vào cảnh khốn cùng.

Ngay từ sớm, nhiều khán giả đã kéo chật kín Phòng trà Nam Quang (TP.HCM) với tâm trạng mong chờ, xúc động. Có những khán giả ở các quận vùng ven, có những người ở tận Bình Dương, Đồng Nai cũng đến với đêm nhạc và không ít người đã phải đứng suốt gần 3 tiếng đồng hồ vì không còn đủ chỗ ngồi. Điều này chứng tỏ rất nhiều người yêu mến và cảm thông người nhạc sỹ là cha đẻ của những bản tình ca gắn bó với nhiều thế hệ khán giả một cách vô cùng gần gũi và bình dân.

vinhsu1Xúc động đêm nhạc ủng hộ ‘vua nhạc sến’ Vinh Sử

Đơn giản là những nhạc phẩm của nhạc sĩ Vinh Sử đã đi vào lòng người từ rất lâu. Là Nhẫn cỏ cho em, là Gõ cửa trái tim, là Người phu kéo mo cau, Hai bàn tay trắng, Đêm lang thang, Chuyến xe lam chiều… những ca khúc đã in sâu trong lòng người yêu nhạc Việt Nam suốt mấy thập kỷ qua từ thuở chỉ được nghe qua những chiếc băng casette.

Trong đêm nhạc này, khán giả lại được nghe những nhạc phẩm bất hủ ấy qua tiếng hát của Đàm Vĩnh Hưng, Đình Văn, Chế Thanh, Hà Vân… Khi những ca khúc quen thuộc vang lên, khán giả lại nhẩm theo lời bài hát, lại nhịp chân theo từng giai điệu, khơi gợi về miền ký ức xa xưa.

Anh Quang, nhà ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), một khán giả của chương trình, không ngại đường sá xa xôi chở vợ con đến với đêm nhạc. Anh tâm sự: “Mê nhạc sến, đặc biệt là nhạc của ông Vinh Sử từ thời trai trẻ rồi giờ nghe tin nhạc sĩ lâm vào hoàn cảnh khó khăn, chịu không thấu nên chiều nay dọn hàng thiệt sớm để chở bà xã và con gái đến với đêm nhạc này. Giá vé bằng cả ngày buôn bán ở chợ nhưng được cái là giúp người nhạc sĩ mình yêu thích, thấy hạnh phúc gì đâu”.

Không chỉ khán giả, những ca sĩ tham gia chương trình cũng xúc động không kém khi hát lại các ca khúc nổi tiếng của “vua nhạc sến” và kể về những kỷ niệm với các ca khúc này.

Được biết, tất cả ca sĩ tham gia chương trình đều hát không cát sê. Có những ca sĩ bận việc riêng như Cẩm Ly không thể tham gia chương trình nhưng vẫn gửi số tiền 5 triệu đồng để giúp đỡ nhạc sĩ Vinh Sử. Ca sĩ Ngọc Sơn bận rộn với lịch diễn nên gửi 10 triệu đồng ủng hộ đêm nhạc.

Có mặt trong chương trình từ khá sớm nhưng do sức khỏe yếu, nhạc sĩ Vinh Sử chỉ có thể ngồi dưới hàng ghế khán giả, khi bước lên sân khấu ông cũng cần phải có người đỡ và không đứng được lâu. Dẫu vậy, nhạc sĩ vẫn không quên gửi lời cảm tạ đến mọi người.

Nhạc sĩ Vinh Sử xúc động cho biết: “Tôi muốn nói nhiều lắm nhưng không biết gì để nói, chỉ mong gửi lời cảm tạ đến tất cả khán giả đã đến đây ủng hộ cho đêm nhạc”.

Ấy vậy mà khi nhắc đến ca khúc Gõ cửa trái tim – chủ đề của đêm nhạc, nhạc sĩ Vinh Sử vẫn hóm hỉnh cho biết: “Bài này tôi viết lâu nhất. Tôi xấu trai mà toàn yêu những người con gái rất đẹp nên tôi gõ hoài mà trái tim người ta không có mở. Giờ bệnh hoạn sắp chết mà gõ hoài vẫn… chưa tới”.

Khép lại đêm nhạc, ngoài số tiền bán vé (có hai loại vé: 300.000 và 500.000 đồng) còn có 32 triệu đồng và 100 USD quyên góp tại chỗ từ khán giả. Toàn bộ số tiền sẽ được tổng kết và chuyển giao cho nhạc sĩ Vinh Sử tiếp tục chữa bệnh.


Nhạc sĩ Vinh Sử ngồi ở hàng ghế khán giả trong suốt đêm nhạc


Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mang đến hai ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Vinh Sử là Đêm lang thang và Xóa tên người tình

Đích thân anh mang thùng quyên góp xuống từng bàn vận động khán giả.

Ca sĩ Đình Văn

Ca sĩ Hà Vân
  

Ca sĩ Chế Thanh  

 

Nhạc sĩ Vinh Sử được mệnh danh là “vua nhạc sến” với các ca khúc được nhiều người yêu thích như Nhẫn cỏ cho em, Gõ cửa trái tim, Người phu kéo mo cau, Hai bàn tay trắng, Đêm lang thang, Chuyến xe lam chiều, Vòng nhẫn cưới, Đoạn buồn đêm mưa, Qua ngõ nhà em, Hai mái nhà tranh, Mưa bụi, Tình đẹp mùa chôm chôm…Thời hoàng kim của nhạc sĩ Vinh Sử là vào trước năm 1975 với tiền tác quyền từ các ca khúc đủ để ông tậu xe hơi. Tuy nhiên, những năm tháng sau này, “vua nhạc sến” lại lâm vào cảnh khốn cùng. Ngôi nhà ông đang ở tại một khu lao động nghèo ở quận 7, TP.HCM chỉ vỏn vẹn 5 m2 và là nhà trả góp chưa xong.Hơn 70 tuổi, ông lại mang trong mình nhiều căn bệnh, trong đó nặng nhất là căn bệnh ung thư trực tràng. Tính đến nay ông đã trải qua 4 lần phẫu thuật do di căn và giờ đang phải đeo hậu môn giả. Từ 68 kg, bây giờ ông còn hơn 40 kg, đi đứng rất khó khăn.

Trong khi đó, nguồn thu nhập duy nhất của ông chỉ là tiền bản quyền được khoảng 4-5 triệu đồng, lãnh theo quý.

 

Nguồn: TT hợp tác cùng Saigongiaitri.net

Bệnh viện Hạnh Phúc