Khủng hoảng kinh tế đã làm giảm sút số lượng đám cưới ở Nhật Bản. Thu nhập bình quân hằng năm của một lao động nam ở độ tuổi 30 đã giảm nhiều trong vài thập kỷ qua, từ 47.000 euro xuống còn 28.000 euro. Nếu các cô gái cứ tìm kiếm người bạn đời có thu nhập cao gấp đôi mình thì chỉ có 3,5% nam giới ở lứa tuổi 30 có khả năng lọt vào mắt xanh của họ. Nhà kinh tế học người Nhật, Takuro Morinaga đề nghị đánh thuế những chàng đẹp trai độc thân và giảm thuế cho những anh chàng không đẹp trai để… giải quyết vấn đề đàn ông Nhật khó lấy vợ?
Takuro Morinaga, giảng viên kinh tế Đại học Dokkyo, ở Tokyo, đang gây xôn xao dư luận nước này với đề nghị phân chia những anh chàng độc thân thành bốn loại lớn: đẹp trai, bình thường, không đẹp trai và xấu. Nhà kinh tế này đề nghị đánh thuế 100% những anh chàng đẹp trai, nghĩa là tăng gấp đôi số thuế đánh trên thu nhập của họ. Ngược lại, những anh chàng “không đẹp trai” và “xấu” được giảm thuế lần lượt là 10% và 20%. Những anh chàng có “nhan sắc” trung bình không sao cả.
Takuro hy vọng biện pháp này có thể xóa bỏ số nam giới độc thân đang ngày một gia tăng ở xã hội Nhật? Theo thống kê năm 2010, gần 50% đàn ông Nhật ở độ tuổi 30 – 35 vẫn độc thân. Một phần vì từ đầu những năm 1990 với sự bùng nổ của bong bóng tài chính, niềm tin vào một công việc ổn định suốt đời sụp đổ. Trước đây, các cô gái luôn bị thuyết phục rằng: “Tuy anh ta không đẹp trai, nhưng có việc làm trong một công ty tốt. Lấy anh ta, con sẽ được bảo đảm suốt đời!”. Nhưng nay, việc làm và thu nhập chủ yếu dựa trên khả năng làm việc có phù hợp không. Điều này ảnh hưởng đến cả chế độ hưu trí. Chỉ một số người có được việc làm ổn định suốt đời, thu nhập ổn định và tuổi già ổn định.
Vì thế không thể đánh giá đàn ông theo một viễn ảnh dài hạn như trước, và phụ nữ ngày nay bị chinh phục bởi những anh chàng thu hút mình nhất ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đó chính là những anh chàng đẹp trai. Ngày nay, việc một anh chàng có sức hút ngoại hình cặp với hai ba cô gái cùng lúc chẳng có gì là lạ, ngày trước anh chàng này sẽ bị chỉ trích là tay “săn gái chuyên nghiệp” hay “bắt cá hai tay”! Hiện ở Nhật cũng như ở Mỹ, khoảng cách kinh tế giữa 1% kẻ được và 99% người mất đang có vấn đề, lại thêm một khoảng cách còn đáng kể hơn trong giới mày râu dựa trên khả năng thu hút phụ nữ. Theo Takuro muốn xóa bỏ khoảng cách này phải điều chỉnh thu nhập của họ.
Các nhà khảo sát về cơ cấu việc làm đã tính được số đàn ông kết hôn ở độ tuổi 25 – 30 theo từng mức thu nhập khác nhau. Hơn 70% đàn ông có mức thu nhập hằng năm trên 10 triệu yên (khoảng 95.000 euro) đã lập gia đình. Ngược lại, thu nhập càng ít thì khả năng có vợ càng giảm, và khi mức thu nhập chạm ngưỡng một triệu yên/năm (9.500 euro) thì cứ sáu người đàn ông mới có một người lập gia đình. Takuro thử đặt cho các sinh viên nữ của Đại học Dokkyo câu hỏi: “Giữa một anh chàng đẹp trai nhưng thu nhập thấp và một anh chàng không đẹp trai nhưng thu nhập cao, bạn sẽ chọn ai?”. Kết quả trả lời cho thấy những chàng không đẹp mã nhưng có thu nhập cao chiếm ưu tiên.
Từ đó Takuro Morinaga rút ra, cách duy nhất giúp các chàng xấu trai cạnh tranh với những chàng đẹp trai là điều chỉnh thu nhập. Biện pháp đơn giản nhất là đánh thuế các anh chàng đẹp trai đang độc quyền nắm giữ ưu thế chinh phục phụ nữ, nhất là những anh đã đẹp trai lại giàu, sẽ làm giảm “ưu thế” của họ và tăng cơ hội lấy vợ cho những anh chàng không đẹp trai. Những anh chàng biết mình không đẹp sẽ cảm thấy tự tin hơn với thu nhập được tăng lên nhờ vào việc giảm thuế. Nếu thu nhập của những anh chàng đẹp trai thấp hơn so với những anh chàng không đẹp trai, có thể chị em sẽ xem xét lại tiêu chuẩn chọn lựa bạn đời của mình. Nhờ đó sẽ ngăn chặn được sự gia tăng của “hội chứng độc thân” và giảm tỉ lệ sinh. Số trẻ em ra đời ở Nhật những năm gần đây liên tục giảm và cơ cấu dân số bị lão hóa nghiêm trọng. Nhưng nếu đề nghị của Takuro có lý thì ai sẽ chấm điểm hình thức cho các chàng trai? Có lẽ phải thành lập hội đồng giám khảo toàn phụ nữ?
Trịnh Trung Hòa
Theo Tạp chí Thời Trang Trẻ