Đây là câu chuyện được ghi lại từ lời kể của anh Nguyễn Văn An, công nhân đóng gói một công ty sản xuất bao bì ở quận Bình Tân, TP HCM.

Chủ nhật vừa rồi thằng bạn chung phòng trọ đột nhiên nổi hứng rủ tôi lấy xe chạy vòng vòng chơi. Hai thằng gởi xe rồi thả bộ vô Thảo Cầm viên. Chơi chán hai đứa tôi cuốc bộ ra kênh Nhiêu Lộc hóng gió. Bạn tôi kêu đói đúng lúc hai đứa đi ngang quán cơm tấm ven đường. Đắn đo một chút, tôi quyết định ghé vào mua 2 hộp cơm thịt kho trứng. Khi nghe tính tiền 60.000 đồng, bạn tôi nhăn mặt: “Mắc quá. Biết vậy hồi nãy mua ổ bánh mì không ăn đỡ rồi về phòng trọ nấu mì ăn”. Tôi kéo tay hắn: “Lâu lâu mới ăn một lần mà. Đi đi, ở đó cằn nhằn người ta chửi cho bây giờ”.

Hai đứa tôi ngồi bên bờ kênh, mở cơm hộp ra ăn, vừa ngắm cảnh. Chợt bạn tôi nhìn thấy mấy con cá dưới kênh hả họng hớp không khí, hắn chỉ vô mấy con cá: “Tụi này bị ngộp nè. Chắc nước dơ, thiếu dưỡng khí nên nó phải ngoi lên để thở. Nhìn tụi nó ngáp ngáp tội nghiệp quá, không biết sống nổi không?”.

Nghe từ “ngáp ngáp” từ miệng bạn, bất giác tôi thấy tức cười rồi liên tưởng tới cuộc sống mình. Hình như tôi và thằng bạn cũng nhiều bạn bè khác ở công ty cũng đang “ngáp ngáp” như mấy con cá kia.

Mấy tháng vừa qua, công ty không tăng ca nên thu nhập của tôi chỉ được khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng, nhỉnh hơn lương tối thiểu một chút. Lãnh lương ra, tôi lập tức trích ngay 1 triệu gửi về quê cho mẹ. Số còn lại được phân chia theo thứ tự ưu tiên: tiền nhà trọ, điện, nước mất khoảng 1 triệu đồng; tiền ăn là 1,5 triệu đồng (khoản này có thể bớt bằng cách ăn mì gói để bù cho những khoản chi đột xuất) tiền xăng xe khoảng 400.000 đồng, tiền điện thoại 100.000 đồng và mấy thứ linh tinh khác như sữa tắm, dầu gội, xà bông, kem đánh răng… cũng khoảng 100.000 đồng. Như vậy là 4 triệu đồng của tôi đã yên vị đâu vào đấy.

Tin không: Tôi đang sống khỏe với 3 triệu đồng mỗi tháng! - Ảnh 1.

Định nghĩa về mức sống trung lưu đã thay đổi: Với rau đậu qua ngày, những người lao động này vẫn “sống khỏe”. ẢNH: TƯ LIỆU BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Tôi là thằng đàn ông chưa vợ, không uống rượu, không hút thuốc, không cà phê, cũng chẳng la cà. Sáng tôi đi làm, chiều về phòng trọ. Ăn cơm xong là tôi đi loanh quanh vài vòng rồi tắm rửa và ngủ. Cuộc sống thật đơn giản. Không tivi, không sách báo, chẳng bạn bè, học hành thì lại càng không.

Tôi năm nay 27 tuổi, làm công nhân được 8 năm. Khi mới vào Sài Gòn cũng có nhiều ước vọng: Nào là tìm được công việc ổn định, lương cao; nào là tích lũy thu nhập để mua một miếng đất cất ngôi nhà nho nhỏ ở ngoại thành rồi về quê cưới cô bạn học; nào là học thêm để thỏa ước mơ đại học mà ngày xưa đã phải tạm gác lại vì miếng cơm, manh áo…

Theo ngày tháng, những ước vọng ấy cạn dần. Tôi giờ chỉ có một mong ước duy nhất là không bị ốm đau, bệnh tật. Mà ông trời cũng thương nên suốt bao nhiêu năm qua tôi chẳng hề nóng lạnh, nhức đầu. Tôi nghĩ mình may mắn và bằng lòng với điều đó.

Tuy vậy lắm lúc cũng thấy buồn vu vơ.

Mấy hôm trước thằng bạn đồng hương giận vì nó mời đám đầy tháng con mà tôi không dự.

Tết năm rồi mẹ tôi lại trách sao 8 năm qua không về thăm nhà, thăm mẹ.

Cô bạn học ngoài quê đã đi lấy chồng vì không thể đợi chờ trong vô vọng.

Đôi lúc cũng muốn có cái này, cái kia nhưng rồi thấy khó, lại thôi…

Mà muốn cũng đâu được vì cái gì cũng đòi hỏi phải có tiền. Đó là thứ duy nhất tôi không có.

Vậy nên chỉ mong sao cứ luôn khỏe khoắn như bây giờ.

Mọi người tin không, cái thằng tôi vẫn đang sống khỏe, sống phong lưu (như lời vị nào đó trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia) với 3 triệu đồng mỗi tháng.

Thật đó.

Lê Quân
Theo Người Lao Động
Bệnh viện Hạnh Phúc