Rối loạn tăng động kém chú ý (ADHD) là một rối loạn làm trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập, với tỷ lệ khoảng 6 – 7% trẻ mắc trong tổng số trẻ ở độ tuổi đi học. Có nhiều yếu tố có liên quan đến tình trạng bốc đồng ở trẻ. Trong số đó, những yếu tố liên quan đến giấc ngủ, thời gian tiếp xúc màn hình và hoạt động thể chất đã được cho là có liên quan đến tình trạng bốc đồng ở trẻ em.
Với trẻ, bên cạnh những biểu hiện tăng động và kém chú ý, bốc đồng cũng là một trong những biểu hiện chính của ADHD. Trẻ có biểu hiện bốc đồng thường hành động không có suy nghĩ trước hoặc đưa ra những quyết định không có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Trẻ thường thực hiện hành động ngay sau khi có suy nghĩ trong đầu, cho dù đó chỉ là một suy nghĩ thoảng qua.
Có nhiều yếu tố có liên quan đến tình trạng bốc đồng ở trẻ. Trong số đó, những yếu tố liên quan đến giấc ngủ, thời gian tiếp xúc màn hình và hoạt động thể chất đã được cho là có liên quan đến tình trạng bốc đồng ở trẻ em. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tăng thời gian tiếp xúc màn hình và giảm thời gian ngủ có liên quan mật thiết với tình trạng tăng mức độ bốc đồng ở sinh viên đại học và thời gian tiếp xúc màn hình càng nhiều liên quan đến thời điểm ngủ càng trễ, thời gian ngủ càng ít cũng như những hậu quả khác liên quan đến học tập ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Tuy vậy, từ trước đến giờ mối liên quan này như thế nào vẫn chưa được biết rõ.
Một nghiên cứu quan sát cắt ngang từ Adolescent Brain Cognitive Development (tạm dịch Phát triển nhận thức não ở trẻ vị thành niên) đã đánh giá sự liên quan giữa biểu hiện bốc đồng với những hướng dẫn chăm sóc sức khỏe hiện tại: (1) Ngủ đủ giấc từ 9 – 11 giờ mỗi đêm, (2) Tiếp xúc màn hình ít hơn 2 giờ mỗi ngày và (3) hoạt động thể lực cường độ trung bình đến nặng ít nhất 60 phút mỗi ngày.
Tiến sĩ Michelle D. Guerrero thuộc Nhóm Nghiên cứu về Béo phì và Sống khỏe mạnh chủ động của bệnh viện nhi đồng của viện Nghiên Cứu Eastern Ontario, Canada và cộng sự, là những người đầu tiên chứng minh mối quan hệ giữa các yếu tố này. Trước đây, các nghiên cứu chỉ đề cập đến mối liên quan giữa sự bốc đồng với từng vấn đề riêng lẻ.
Nghiên cứu được thực hiện trên 4.524 trẻ từ 8 đến 11 tuổi. Phụ huynh sẽ ghi nhận số giờ ngủ trung bình hàng đêm của con mình. Trẻ tham gia sẽ trả lời về số giờ trung bình của một ngày thực hiện những hoạt động, bao gồm xem tivi, xem phim, nhắn tin và những hoạt động khác có tiếp xúc với màn hình. Tiếp theo, trẻ được đánh giá mức độ bốc đồng bằng 4 trắc nghiệm khác nhau. Trẻ cũng trả lời những câu hỏi liên quan đến số ngày trong tuần trẻ đã thực hiện những hoạt động thể chất từ 1 giờ/ngày trở lên. Cả 3 yếu tố: số giờ ngủ mỗi đêm, thời gian tiếp xúc màn hình mỗi ngày và thời gian vận động thể chất được ghi nhận cùng với điểm số của các thang đo bốc đồng.
Nghiên cứu cho thấy, chỉ có 17.7% trẻ trong nghiên cứu thực hiện được đúng những khuyến cáo về thời gian ngủ và thời gian tiếp xúc màn hình. So với những trẻ không thực hiện được đúng những khuyến cáo liên quan đến 3 yếu tố: thời gian ngủ, thời gian tiếp xúc màn hình và hoạt động thể chất, những trẻ có thời gian ngủ đủ từ 9 – 11 giờ và có thời gian tiếp xúc màn hình ít hơn 2 giờ mỗi ngày có mức độ bốc đồng thấp hơn.
Kết quả nghiên cứu không cho thấy lợi ích của hoạt động thể chất 60 phút mỗi ngày trong việc làm giảm mức độ bốc đồng. Tuy vậy, hoạt động thể chất vẫn được khuyến khích vì có lợi ích cho sức khỏe tinh thần và thể chất ở trẻ.
Cơ chế liên quan
Thời gian ngủ ít làm tăng mức độ bốc đồng thông qua những tác động sinh lý tiêu cực trên cấu trúc và chức năng của não, gây ra tình trạng buồn ngủ vào ban ngày, giảm mức độ kiểm soát và chức năng điều chỉnh, làm tăng nguy cơ lạm dụng chất và nguy cơ tự tử.
Sử dụng quá mức những công cụ số như mạng xã hội, trò chơi điện tử được chứng minh là có tác động trên não theo cơ chế tạo ra sự ham muốn tương tự như sự tác động của thức ăn ngon hoặc thuốc gây nghiện. Cơ chế này có liên quan đến việc suy giảm sự chú ý và kiểm soát nhận thức. Những trò chơi điện tử khuyến khích người chơi phản xạ nhanh và phạt khi phản xạ chậm, làm tăng mức độ bốc đồng và làm suy giảm sự phát triển những khả năng tự điều chỉnh của bản thân.
Ứng dụng trong thực tế
Việc xác định những yếu tố quyết định liên quan đến sự bốc đồng có thể cung cấp thông tin cho những can thiệp, giúp điều trị và ngăn ngừa những rối loạn tâm thần liên quan đến sự bốc đồng như những rối loạn sử dụng chất (rượu, chất gây nghiện), rối loạn ăn uống, rối loạn hành vi nghiện, những rối loạn hành vi hướng ngoại cũng như nhưng rối loạn cảm xúc dẫn đến hành vi tự hại hoặc tự tử.
Bên cạnh việc điều trị thuốc, tâm lý cho trẻ em mắc ADHD, việc đảm bảo trẻ có thời gian đủ đầy đủ và thời gian tiếp xúc màn hình phù hợp có thể làm tăng hiệu quả điều trị và ngăn ngừa những rối loạn có liên quan đến biểu hiện bốc đồng.
Những bác sĩ nhi khoa, bác sĩ tâm thần, giáo viên và phụ huynh cần giới hạn thời gian trẻ sử dụng những thiết bị có màn hình thông minh như điện thoại, máy tính bảng, ti vi, đồng thời thiết lập thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc nhằm cải thiện việc điều trị và ngăn ngừa những rối loạn tâm thần có liên quan để biểu hiện bốc đồng.
Phụ huynh nên giới hạn thời gian tiếp xúc màn hình cho con mình, đặc biệt là từ 1 đến 2 giờ trước khi ngủ giúp cho trí não và cơ thể của trẻ có được trạng thái tốt cho giấc ngủ và sắp xếp phòng ngủ thành nơi không có thiết bị điện tử.
BS Phạm Minh Triết
Nguồn: tcsuckhoe.com