(Phunuhiendai.vn) – Nhiên cứu mới về bao bì thân thiện môi trường ở Việt Nam này nhằm giúp các nhà sản xuất và chuyên gia tiếp thị hiểu sâu hơn về quan điểm và hành vi của nhóm người tiêu dùng quan tâm đến môi trường.
Chủ nhiệm công trình, tác giả, đồng thời là giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư. Chị cho biết: kết quả nghiên cứu chỉ ra được ba yếu tố chính tác động lên hành vi của người tiêu dùng, gồm: chất liệu bao bì, kỹ thuật sản xuất và sức hấp dẫn thị trường. Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam đưa ra định nghĩa đầy đủ của người tiêu dùng về bao bì thân thiện môi trường.
Nghiên cứu Định nghĩa của người tiêu dùng về bao bì thân thiện môi trường của Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư đã được công bố trên tạp chí khoa học về sản phẩm sạch Journal of Cleaner Production (Q1).
Nghịch lý về chất liệu bao bì
Theo nghiên cứu, người tiêu dùng cho rằng chất liệu nhựa không thân thiện bằng giấy hay các vật liệu phân rã được. Song Tiến sĩ Anh Thư thì cho rằng: “Cũng chính từ nhận định này mà người tiêu dùng chọn mua thực phẩm đựng trong bao bì giấy vì chất liệu này có vẻ kinh tế và bảo vệ môi trường”. Tuy nhiên, quan điểm xem bao bì giấy thân thiện với môi trường “có thể chưa đúng”.
Đánh giá vòng đời (Life Cycle Assessment – LCA) là công cụ xem xét tác động của bao bì đến môi trường bằng cách cân nhắc quy trình sản xuất bao bì, quy trình đóng gói thực phẩm, các giai đoạn vận chuyển và quản lý kết thúc vòng đời sản phẩm của các loại bao bì khác nhau.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư đã Nghiên cứu Định nghĩa của người tiêu dùng về bao bì thân thiện môi trường chỉ ra được ba yếu tố chính tác động lên hành vi của người tiêu dùng, gồm: chất liệu bao bì, kỹ thuật sản xuất và sức hấp dẫn thị trường.
Theo Tiến sĩ Anh Thư, “nếu dùng LCA để kiểm tra, so với bao bì nhựa, giấy và bìa các tông có thể tác động xấu hơn lên môi trường vì lượng nguyên liệu cần có để tạo ra bao bì đáp ứng đúng mục đích, cũng như tác động đi kèm từ khâu trồng trọt và phân rã cuối đời sản phẩm”.
Tiến sĩ Anh Thư cho biết thông tin này có thể có giá trị với các chuyên gia chiến lược, những người mong muốn hướng dẫn người tiêu dùng về yếu tố môi trường của các loại bao bì khác nhau.
Những thương hiệu lớn cũng có cơ hội mới để đi tiên phong trong việc tạo ra những sản phẩm tác động tốt hơn lên môi trường vì nghiên cứu của Tiến sĩ Anh Thư chỉ ra rằng người tiêu dùng xem bao bì thân thiện môi trường là trách nhiệm của nhà sản xuất.
Hiểu biết giới hạn về kỹ thuật sản xuất
Nghiên cứu còn tìm ra được rào cản ngăn người tiêu dùng chấp nhận bao bì thân thiện môi trường chính là việc thiếu kiến thức và hiểu biết về kỹ thuật.
“Mặc dù LCA là công cụ toàn diện và đầy đủ nhất để đánh giá mức định lượng về tác động môi trường của các loại bao bì sản phẩm khác nhau, LCA thường được dùng trong nội bộ và kết quả không được công bố với công chúng. Nếu có công bố thì những kết quả này cũng khiến công chúng bị rối vì tính phức tạp của những dữ liệu được đưa ra”, Tiến sĩ Anh Thư nói.
Bao bì thân thiện môi trường muốn được chấp nhận trên thị trường phải đáp ứng được không chỉ yêu cầu về bao bì và quy trình sản xuất thân thiện môi trường, mà còn phải hấp dẫn thị trường.
Tiến sĩ Anh Thư nhấn mạnh rằng công bố kết quả LCA cho công chúng, theo cách diễn giải đơn giản và dễ hiểu, “là cách để giải quyết vấn đề này, bằng cách kết nối những yếu tố cần có để phục vụ cho sản xuất với các tác động môi trường”.
Bà đề xuất: “Giáo dục người tiêu dùng về vòng đời của bao bì có thể là khởi đầu tốt khiến họ ý thức đầy đủ về những tác động môi trường từ quy trình này”.
Sức hấp dẫn thị trường
Theo kết quả nghiên cứu, ngoài chất liệu bao bì, người tiêu dùng còn coi trọng bao bì có thiết kế hấp dẫn, tiện dụng và giá cả hợp lý.
“Người tiêu dùng bị thu hút bởi những hình ảnh đầy màu sắc trên bao bì hơn và cho thấy họ không hài lòng với những bao bì giấy (được xem là thân thiện với môi trường) có thiết kế nghèo nàn”, Tiến sĩ Anh Thư nói.
“Điều này một lần nữa khẳng định ngoài việc phải đáp ứng chức năng bảo vệ sản phẩm theo yêu cầu của một nhóm khách hàng, bao bì thân thiện môi trường cũng phải đảm bảo tính thẩm mỹ cần có theo yêu cầu của nhóm khách hàng khác”.
Kết quả nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng Việt ưu chuộng những sản phẩm thân thiện môi trường có giá thành bằng hoặc rẻ hơn sản phẩm đựng trong bao bì thông thường.
“Nhà sản xuất sản phẩm thực phẩm đóng gói cần cân nhắc giải pháp chi phí hiệu quả đối với những bao bì thay thế thân thiện môi trường để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường và giảm bớt dấu chân môi trường”, bà nói.
“Điều này có thể cần chính phủ và các ngành nghề chung tay nhiều hơn trong việc đưa ra những quy chuẩn thiết kế bao bì đảm bảo tác động tối thiểu lên môi trường. Trông đợi người tiêu dùng yêu cầu những sản phẩm có bao bì thân thiện môi trường và chi trả mức giá cao hơn không phải là một giải pháp khả thi”.
Hoàng Hà (CLB Phụ Nữ Hiện Đại)