1. Gửi tiết kiệm
Đây được xem là “kênh” truyền thống và an toàn nhất hiện tại. Chọn một ngân hàng có tiếng, gửi tiền vào, tùy hoàn cảnh cụ thể mà chọn phương thức gửi với mức lãi suất phù hợp nhất với mình (thông thường gửi dài hạn lãi suất sẽ cao hơn gửi ngắn hạn, nhưng nếu bạn dự kiến sẽ phải sử dụng tiền nhàn rỗi trong vài tháng tới thì lại cần chọn cách gửi ngắn hạn).
Mách nhỏ là bạn không nên để nhiều tiền trong thẻ, vì những lúc đi mua sắm, việc trong thẻ đang có nhiều tiền sẽ khiến bạn rất dễ “động lòng”. Thay vào đó, hãy chọn phương thức gửi tiết kiệm với ngày đáo hạn cố định và “giấu” luôn những quyển sổ tiết kiệm để giả vờ… quên chúng. Bằng cách này, tiền sẽ tự sinh sôi nảy nở, tuy lãi suất không nhiều nhưng ít nhất chúng luôn giúp bạn yên tâm đã có một khoản phòng xa.
2. Mua vàng
Cho dù giá vàng nhiều phen biến động, cho dù rất nhiều lần các chuyên gia kinh tế phát biểu rằng việc đầu tư vào vàng là mạo hiểm thì không ít bà nội trợ vẫn quyết định chọn cách này để “xử lý” khoản tiền nhàn rỗi của gia đình. Thực tế, một khảo sát nho nhỏ của Mẹ&Con cho thấy đến trên 80% phụ nữ Việt Nam vẫn đánh giá cao việc mua một ít nữ trang hoặc vài cây vàng để dành cho con, đề phòng những chuyện đột xuất trong cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, bạn lưu ý rằng trong trường hợp muốn chọn cách này để đầu tư tiền nhàn rỗi thì đừng nên “dồn tất cả trứng vào một rổ”. Việc chia ra nhiều “kênh” đầu tư, sử dụng tiền nhàn rỗi an toàn hơn là dồn vào chỉ một cách. Ngoài ra, nên chọn phương thức gửi vàng ở ngân hàng thay vì cất giữ ở nhà, vì đã có không ít trường hợp sau nhiều năm dành dụm lại mất trắng khi bị trộm cắp…
3. Một căn hộ giá rẻ cho thuê
Tuy bất động sản “đóng băng” nhưng việc dành dụm khoản tiền nhàn rỗi để mua một căn hộ giá vừa phải, phù hợp, sau đó cho thuê vẫn cứ là một “kênh” sáng giá. Cảm giác có một căn hộ cho thuê khiến bạn rất yên tâm (vì tài sản vẫn còn nguyên đó chứ không “chạy” đâu được).
Lợi thế của cách làm này trong giai đoạn hiện tại là bất động sản đóng băng nên các chủ đầu tư không hét giá trên trời như trước. Thậm chí không ít chủ đầu tư còn chấp nhận phương án trả một phần là bàn giao nhà, phần còn lại trả chậm không lãi suất. Khi biết cách “cân đong đo đếm” thận trọng, bạn hoàn toàn có thể sử dụng tiền tiết kiệm để mua một căn nhà và quản lý việc cho thuê, kiếm thêm thu nhập.
4. Nghĩ đến chuyện kinh doanh
Tất nhiên đây sẽ là cách mạo hiểm, ẩn chứa những rủi ro. Song, nếu bạn là người đã có nhiều kinh nghiệm, biết cách suy tính thận trọng, có một hướng kinh doanh thông minh, vừa sức thì sao lại không nhỉ?
Nhiều mẹ thay vì gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng để mỗi tháng lấy chút ít lãi suất đã đủ “liều” để mở một cửa hàng nhỏ kinh doanh, bán các sản phẩm mà mình hiểu rõ. Lúc này, đồng tiền bạn dành dụm được bước đầu sẽ chính là nền tảng tuyệt vời giúp bạn thực hiện được những giấc mơ và khiến tiền sinh ra tiền ngày một nhiều hơn.
Hãy trao đổi thật kỹ với những người có kinh nghiệm, thận trọng tìm giải pháp và nhớ là “liệu cơm gắp mắm”. Đừng dồn hết toàn bộ tiền vào việc kinh doanh cũng như đừng vội vay mượn bước đầu. Nếu không, từ chuyện có đồng ra đồng vào dư dả, bạn rất dễ biến thành… con nợ đấy!
5. Đầu tư sửa sang nhà cửa
Đây cũng là một cách sử dụng tiền nhàn rỗi đáng suy nghĩ. Nếu bạn đã may mắn có được một căn nhà thì sao lại không nhân cơ hội mình “dư dả” chút đỉnh này để đầu tư vào việc trang trí, sửa sang, để không gian sống của cả gia đình ngày càng đẹp hơn? Việc đầu tư tiền vào chính không gian sống của mình cũng không phung phí hay khiến tiền “một đi không trở lại” như bạn tưởng.
Bên cạnh việc giúp cả gia đình thêm khỏe mạnh, thư giãn hơn (một “cái giá” quá xứng đáng để bạn đầu tư tiền), việc chăm chút cho ngôi nhà sẽ khiến ngôi nhà của bạn tăng thêm giá trị, sẽ rất được giá khi sau này bạn có ý định muốn bán đi.
6. Mua bảo hiểm cho các thành viên
Bạn có thể chọn chương trình bảo hiểm phù hợp nhất với mình. Bảo hiểm tuy không sinh lời như các khoản đầu tư khác, nhưng nó được xem như một cách “làm khi lành để dành khi đau” và sẽ giúp bạn hoạch định được nhiều điều cho tương lai sau này của các con. Sau khoảng 10 năm âm thầm đóng bảo hiểm, đến một lúc nào đó, bạn sẽ bất ngờ khi nhận ra khoản tiền mình dành dụm được không hề ít ỏi chút nào.
7. “Đầu tư” vào… sức khỏe, học vấn, du lịch!
Bạn sẽ nhăn mặt bảo: “Ồ, tôi đang muốn nghĩ cách để tiền nhàn rỗi sinh ra tiền, chứ đâu phải nghĩ cách để… tiêu hết sạch tiền!”. Nhưng bạn biết không, thực tế những khoản tiền bạn đầu tư cho sức khỏe, học vấn và du lịch là những khoản không bao giờ mất đi. Chúng giống như một tài sản vô giá, hiện hữu mãi trong bạn và các thành viên.
Những chuyến du lịch xa giúp cả nhà gắn kết nhau hơn, giúp các con bạn có được trải nghiệm quý báu mà không tiền bạc nào mua nổi. Những khóa học tuy tốn kém ban đầu sẽ là kiến thức theo con mai này. Với sức khỏe cũng thế! Nếu bạn đầu tư vào các lớp học bơi, học yoga, tập gym… cho cả gia đình thì kết quả bạn thu được là mọi người sẽ luôn khỏe mạnh, giúp bạn “tiết kiệm” được rất nhiều chi phí lẽ ra hàng năm phải dành cho bệnh viện, thuốc men. Đừng tiếc những khoản “đầu tư” rất giá trị và chắc chắn “sinh lời” này.
Theo Mẹ & Con/mevacon.com.vn