Trung thành với kinh doanh rau sạch gần 15 năm qua, BigGreen hiện đã trở thành tên tuổi lớn khi xây dựng được chuỗi liên kết từ SX đến cung ứng rau quả sạch.

BigGreen đã mở rộng mạng lưới ra thị trường Hà Nội với hệ thống cửa hàng bán lẻ, cung cấp cho siêu thị, các bếp ăn tập thể…với số lượng hàng trăm tấn rau/tháng.

GĐ Cty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam (BigGreen), anh Nguyễn Tiến Hưng tiết lộ, chính Cty anh hơn 7 năm qua vẫn đều đặn bán rau, hoa quả hằng ngày cho bữa ăn của gia đình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.

BigGreen đã xây dựng được mối liên kết với nhiều HTX, đơn vị SX rau an toàn tại nhiều vùng rau lớn trên cả nước như Mộc Châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng )… cũng như các vùng cây ăn quả, tạo nguồn hàng ổn định, nhất là các loại rau trái vụ tiêu thụ tại thị trường Hà Nội với sản lượng trung bình từ 5-7 tấn rau các loại/ngày, 300 tấn hoa quả các loại/tháng.

Với tốc độ tăng khách hàng và lượng tiêu thụ từ 30 – 35%/năm, BigGreen đang ấp ủ nhiều chiến lược lớn để dần phủ sóng cung cấp rau, hoa quả an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.

Anh Nguyễn Tiến Hưng đã có những chia sẻ với NNVN về cách làm để BigGreen thành công với mảng kinh doanh vốn rất nhiều khó khăn này.

Việc đảm bảo chất lượng, nhất là tồn dư thuốc BVTV trên rau quả là vấn đề rất đau đầu. Sản phẩm rau, hoa quả của BigGreen chủ yếu do các HTX cung cấp. Làm thế nào Cty có thể quản lí được?

Yêu cầu đầu tiên phải là tính pháp lí. Các vùng rau, hoa quả cung cấp cho BigGreen ít nhất phải được cơ quan chức năng cấp chứng nhận VietGAP.

Sản phẩm đã có chứng nhận VietGAP thì nghĩa là đã sạch. Lâu nay nhiều nơi ở Hà Nội trưng biển bán rau sạch, nhưng vùng SX không có chứng nhận VietGAP, không được cơ quan chức năng nào kiểm tra giám sát thì có gì chứng minh nó là sạch?

Các vùng rau VietGAP của chúng tôi liên kết SX tiêu thụ phần lớn gắn liền với các chương trình, dự án về rau sạch, nhất là các dự án rau an toàn, rau sạch của Bộ NN-PTNT như Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Viện Nghiên cứu Rau quả…

NNN 1

Cty thường xuyên cử 3 kỹ sư, phối hợp với nhân viên của các dự án để giám sát quá trình SX. Sở dĩ chúng tôi chọn các vùng rau quả VietGAP gắn với các dự án bởi nông dân ở đó được đào tạo bài bản, có ý thức và trình độ SX theo VietGAP.

Căn bản nhất, họ có khả năng SX được sản phẩm an toàn để chúng tôi bán. Khi cần chủng loại gì, giống gì, thời gian nào, số lượng khoảng bao nhiêu, yêu cầu chất lượng ra sao… họ hoàn toàn có thể đáp ứng.

Các dự án cũng quy tụ nhiều chuyên gia làm rau sạch đầu ngành, họ phối hợp và tư vấn cho nông dân cũng như Cty chúng tôi rất kịp thời.

Khi dự án rút đi, đa số các vùng nguyên liệu mà Cty chúng tôi liên kết như tại Mộc Châu, Hà Nội, Đà Lạt… hiện nay vẫn đang tiếp tục cung cấp nguyên liệu bền vững cho Cty.

Sản phẩm phôi thai ban đầu của Cty chúng tôi có mặt trên thị trường cách đây hơn 10 năm cũng bắt nguồn từ một dự án do Viện Môi trường Nông nghiệp, lúc ấy là PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn làm Viện trưởng thực hiện tại Hòa Bình.

Nhiều Cty kinh doanh rau ở Hà Nội đã bị phát hiện trà trộn cả “rau bẩn” giả danh thành rau sạch để bán. Vậy có gì đảm bảo rằng sản phẩm của BigGreen khi đến tay người tiêu dùng là sạch?

BigGreen không kinh doanh kiểu “mua đứt bán đoạn”, mà chỉ lấy hàng trực tiếp từ các vùng SX do Cty ký hợp đồng liên kết với các HTX, không qua bất kỳ nguồn trung gian nào.

Tại các vùng SX, chúng tôi ký hợp đồng trách nhiệm, quy định chặt chẽ về yêu cầu đảm bảo nguồn gốc, chất lượng. Do các vùng rau quả cung cấp cho BigGreen đều SX theo VietGAP, có nhật ký SX chặt chẽ nên mỗi lô hàng, chúng tôi dễ dàng truy xuất ngược nguồn gốc tới từng hộ, từng ruộng và có thể phát hiện ra quy trình SX, vi phạm về dư lượng nằm ở công đoạn nào, nguyên nhân ra sao.

Nếu phát hiện lô hàng nào dính vi phạm về chất lượng, dư lượng thuốc BVTV thì lập tức hủy hợp đồng bao tiêu. Do nông dân được ký hợp đồng bao tiêu giá rất ổn định, luôn cao hơn thị trường nên họ cũng không dại gì vi phạm để rồi phải tìm đường tiêu thụ bấp bênh.

Để giám sát chặt chẽ đảm bảo tránh rủi ro trên đường vận chuyển, mỗi HTX chúng tôi tổ chức các nhóm SX, người đứng đầu nhóm phải có trách nhiệm giám sát quá trình đóng gói, vận chuyển, đương nhiên họ được hưởng chế độ đãi ngộ cao hơn các hộ khác.

Trước khi chuyển hàng về Cty tại Hà Nội, các bao gói, kiện hàng phải được dán tem niêm phong, có chữ ký của nhóm trưởng hoặc nhân viên kỹ thuật của Cty.

Đối với hoạt động kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng, BigGreen nhận được sự giám sát rất kỹ của nhiều cơ quan chức năng ngành y tế lẫn nông nghiệp như Cục BVTV, Chi cục BVTV Hà Nội, Chi cục Quản lí chất lượng Nông lâm thủy sản…

NNN 2Một số khách hàng nước ngoài thăm vùng SX rau VietGAP của BigGreen tại Mộc Châu (Sơn La) và cửa hàng tại Hà Nội

Một số khách hàng nước ngoài thăm vùng SX rau VietGAP của BigGreen tại Mộc Châu (Sơn La) và cửa hàng tại Hà Nội Nếu như nhiều cơ sở kinh doanh rau quả bị cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra thường rất sợ thì Cty chúng tôi lại rất hoan nghênh, thậm chí xin được lấy thêm nhiều mẫu kiểm tra thường xuyên hơn.

Bởi có kiểm tra giám sát, chúng tôi mới truy xuất ngược xem vì sao vi phạm, vi phạm chỗ nào để khắc phục. Chẳng hạn mỗi cửa hàng tiêu chuẩn định kỳ chỉ được lấy 2 mẫu/lần kiểm tra, trong khi BigGreen có khi có hàng trăm mẫu/tháng được các cơ quan kiểm tra đa dư lượng.

Cty cũng xác định đối tượng khách hàng chính phải có nhu cầu thực sự về vệ sinh ATTP, như các siêu thị lớn, các nhà ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng có yêu cầu kiểm tra ngặt nghèo về vệ sinh ATTP, chứ không phải là những nơi chỉ cần bộ hồ sơ đối phó cơ quan chức năng.

Hiện BigGreen cung cấp rau, hoa quả cho đa số nhà ăn của các trường học quốc tế uy tín tại Hà Nội, tiêu biểu như hệ thống trường mầm non Sakura (Nhật Bản). Hàng tháng, họ đều gửi mẫu rau sang tận Nhật để kiểm tra lại về chất lượng. Vì vậy nếu anh làm bậy, chụp giật thì chẳng thể nào bền được.

Rau VietGAP luôn phải bán giá cao hơn “hàng chợ”, trong khi người tiêu thụ lại ít. Đây là bài toán nan giải khiến không ít người thất bại khi kinh doanh mặt hàng này. BigGreen có cách nào vượt qua khó khăn này?

Giai đoạn đầu đúng là hết sức chật vật, và cũng chẳng còn cách nào khác là phải chấp nhận gian nan. Là thạc sỹ nông nghiệp từng công tác ổn định trong cơ quan nhà nước, tôi đã phải vay mượn tứ bề, thuyết phục gia đình cắm hết sổ đỏ để thuê cửa hàng, bán từng bó rau, có khi 5 nghìn đồng đổ xăng cũng phải đi vay.

Mừng là bây giờ thị hiếu, kiến thức tiêu dùng của người dân Hà Nội đã dần cải thiện, họ ngày càng tìm tới rau sạch, có địa chỉ nhiều hơn. Nhưng làm rau sạch vẫn phải chấp nhận kiên trì, tăng trưởng chậm nhưng phải giữ chữ tín hàng đầu.

Đúng là rau sạch giá thường phải cao hơn giá chợ từ 15 – 20%. Nhưng đặc điểm của thị trường rau sạch là lượng khách hàng khá bền vững, có am hiểu và yêu cầu về vệ sinh ATTP. Khi đã xây dựng được lòng tin, dù giá có cao hơn thị trường một chút cũng không phải là vấn đề quan trọng với khách hàng.

Nhờ tiêu thụ ổn định, chúng tôi cũng có điều kiện để duy trì giá bán lẫn giá thu mua cho nông dân ổn định. Thường thì việc điều chỉnh giá ngắn nhất cũng phải một tháng/lần, đa số là 3-5 tháng mới điều chỉnh giá bán một lần.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

BigGreen hiện có 3 cửa hàng bán lẻ rau sạch tại Hà Nội gồm: Số 113 Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân); số 109E3 Thái Thịnh (quận Đống Đa) và số 44 Ngọc Khánh (quận Ba Đình). Đầu năm 2016, Cty sẽ tiếp tục mở thêm một số cửa hàng bán lẻ khác. Người tiêu dùng, đối tác có nhu cầu hợp tác với BigGreen có thể liên hệ trực tiếp với anh Nguyễn Tiến Hưng, GĐ Cty theo số ĐT: 0936.995.998

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Bệnh viện Hạnh Phúc