Cơ sở dữ liệu từ nghiên cứu khoa học cho thấy thực hành thiền định giúp kiểm soát và quản lý stress trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có biết, chánh niệm cũng giúp bạn kiểm soát mức đường huyết của mình?

Một nghiên cứu gần đây của Đại học Brown phát hành trên Tạp chí Hành vi & Sức khỏe (The Journal of Health Behavior) đã chỉ ra sự liên hệ giữa mức độ chánh niệm và mức đường huyết.

duonghuyet.jpg
Thực tập thiền có lợi cho đường huyết 

Càng chánh niệm, đường huyết càng ổn định

Người nào có sự chánh niệm càng cao thì mức đường huyết càng ở mức khỏe mạnh. Đường huyết có thể giúp “thông tin” nguy cơ phát triển chứng tiểu đường tuýp 2 và các rối loạn chuyển hóa khác.

Tuy chưa đưa ra lý giải nhưng các chuyên gia đã dẫn ra các nghiên cứu trước về tác dụng của thiền hay sự thực hành chánh niệm trong hiện tại. Các nghiên cứu đều khẳng định chánh niệm giúp giảm nguy cơ béo phì và giúp chúng ta có trạng thái tinh thần tốt hơn nhờ tự kiểm soát được các vấn đề của cuộc sống.

Để tìm hiểu mối liên hệ giữa chánh niệm và mức đường huyết, tác giả nghiên cứu Eric Loucks – chuyên gia dịch tễ học Đại học Brown quan sát 399 người tham gia một nghiên cứu có tên là New England Family Study. Theo đó, người tham gia thực hiện các bài test về tâm lý và thể chất, trong đó có test về đường huyết và các cấp độ chánh niệm (thông qua Đánh giá Mindful Attention Awareness Scale, gọi tắt là MAAS – bảng câu hỏi gồm 15 câu đánh giá điểm chánh niệm từ 1-7).

Các thông tin về sức khỏe và nhân khẩu học (chỉ số khối cơ thể BMI, huyết áp, mức độ stress và suy nhược tinh thần, học vấn,…) cũng được thu thập.

Kết quả cho thấy người có điểm MAAS cao nhất (6 hoặc 7 điểm) có mức đường huyết an toàn hơn 35% so vớ người có điểm MAAS thấp (dưới 4 điểm).

Mức đường huyết cao có liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2 nhưng nghiên cứu này không chỉ ra mối tương quan trực tiếp giữa tiểu đường và chánh niệm.

Các chuyên gia khẳng định, người có điểm chánh niệm MAAS cao thì giảm được 20% mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, ông cho rằng số lượng nghiên cứu chưa đủ lớn để có thể khái quát hóa kết quả này.

Nghiên cứu này được xem là tiền đề cho các nghiên cứu đi tìm hiểu mối liên hệ trực tiếp giữa chánh niệm và bệnh tiểu đường. Qua đó, có thể thấy rằng thực tập chánh niệm nên được dạy và được học rộng rãi để giảm các nguy cơ bệnh tật trên bình diện thói quen mỗi ngày của mỗi chúng ta – tác giả đúc kết.

Trần Trọng Hiếu (Theo Huffington Post)

Bệnh viện Hạnh Phúc