Chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo được tổ chức tại Nhật Bản vào năm 2020, trong vòng 5 năm tới (2015- 2020), Nhật Bản dự kiến tiếp nhận một lượng lớn tu nghiệp sinh trong lĩnh vực xây dựng để chuẩn bị cho các công trình thể thao phục vụ Olympic. Ngoài ra, kỹ sư thiết kế, kỹ sư cơ khí, điều dưỡng, hộ lý… Nhật Bản đang có nhu cầu tuyển dụng cao. Đây là cơ hội cho lao động Việt Nam (LĐVN) nâng cao kiến thức, tay nghề.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), thời gian gần đây, số thực tập sinh Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản đang gia tăng. Trong năm 2014, mỗi tháng có khoảng 1.700-1.900 LĐVN đi làm việc tại Nhật. Theo ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), Việt Nam bắt đầu hợp tác thực hiện chương trình đưa tu nghiệp sinh sang Nhật Bản từ năm 1992.
Trong vài năm trở lại đây, số lượng tu nghiệp sinh sang Nhật Bản tu nghiệp tăng rất nhanh vì các nghiệp đoàn Nhật Bản đánh giá cao LĐVN ở tính cần cù, ham học hỏi và tiếp thu nhanh. Nếu như trước đây, thực tập sinh Việt Nam được Nhật Bản tiếp nhận chủ yếu trong các ngành cơ khí, điện tử, dệt may, thì 3 năm gần đây, Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong hầu hết các ngành nghề từ xây dựng, cơ khí chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may, điều dưỡng, hộ lý… Trong đó, đặc biệt ưu tiên nguồn lao động nữ . Đáng chú ý, nhu cầu tiếp nhận tu nghiệp sinh ngành xây dựng dự báo sẽ tăng mạnh thời gian tới do Nhật đang chuẩn bị các công trình phục vụ cho Thế vận hội Tokyo được tổ chức vào năm 2020. Như vậy, ngoài tiếp nhận những tu nghiệp sinh mới, phía Nhật cũng xem xét việc tiếp nhận lại các thực tập sinh xây dựng đã hoàn thành hợp đồng về nước trước đây.
Cũng theo ông Nam, nếu thị trường XKLĐ Đài Loan, Malaysia, Trung Đông… được xem là thị trường để xóa đói giảm nghèo, thì Nhật Bản là thị trường cao cấp. Bởi đến Nhật Bản, LĐVN sẽ không chỉ được nâng cao kiến thức mà còn có thu nhập khá với mức lương thấp nhất là 14 triệu đồng/tháng; điều dưỡng viên, hộ lý mức lương có thể lên đến 45 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, thời điểm cuối năm 2014 và đầu năm 2015, phía Nhật Bản rất quan tâm đến LĐVN (tăng 160% so với năm 2013). Thực tế, Nhật Bản đã mở cửa rộng hơn với LĐVN sau khi các thỏa thuận liên Chính phủ được ký kết. Cụ thể là bớt khắt khe hơn với các chỉ tiêu tuyển dụng đầu vào, từ chiều cao, trình độ học vấn, ngoại ngữ, tay nghề hay thời gian đăng ký xuất cảnh cũng được rút ngắn… để NLĐVN dễ dàng vượt qua các đợt thi tuyển. Tuy nhiên, bớt khắt khe không có nghĩa là dễ dãi. Dù nhiều đơn hàng, nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam sơ suất trong tuyển dụng, đào tạo để có nguồn LĐ dồi dào, chất lượng tốt thì sẽ tự đánh mất đơn hàng với đối tác. “Để tránh rủi ro cho NLĐ khi tham gia đăng ký với các DN, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tăng cường công tác giám sát từ khâu giới thiệu DN với Tổ chức tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO). Chỉ những doanh nghiệp nào có bộ máy cán bộ chuyên trách về thị trường Nhật Bản đủ năng lực và có cơ sở đào tạo đáp ứng được yêu cầu của thị trường Nhật Bản, Cục mới ký tiến cử với JITCO.
Cục cũng tăng cường công tác thông tin (cụ thể trên trang thông tin điện tử của Cục), cung cấp danh sách các công ty có giấy phép XKLĐ với thông tin chi tiết như địa chỉ, số điện thoại, danh sách các công ty được phép đưa thực tập sinh đi Nhật Bản cũng như danh sách các đăng ký hợp đồng đã được Cục chấp thuận (tính đến 23/12/2014, Cục cho phép 160 DN được đưa thực tập sinh đi Nhật). Các thông tin này được cập nhật thường xuyên để NLĐ có nhu cầu đi làm việc tại Nhật Bản có đủ thông tin khi muốn tìm kiếm và lựa chọn công ty phù hợp với mình. Ngoài ra, NLĐ có thể tham khảo thêm thông tin tại trang thông tin điện tử của Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước hoặc gọi điện tới đường dây nóng của Cục theo số điện thoại 04 38249517 để được giải đáp”, ông Nam cho biết.
Năm 2015, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, vì thế, việc chuyển dịch LĐ là tất yếu. LĐVN sẽ phải đương đầu với những thách thức cạnh tranh trong thị trường lao động quốc tế. Việc được ưu tiên tuyển dụng sang thị trường tiềm năng và khó tính như Nhật Bản là tín hiệu lạc quan về một tương lai tốt đẹp cho XKLĐ của Việt Nam nhưng rất cần chiến lược tổng thể, dài hạn để tiềm năng phát huy thành hiệu quả thiết thực.
H.Thành
Theo Báo Lao Động Thủ Đô