Thực phẩm hữu cơ đang trở thành một trào lưu tiêu dùng cũng như đầu tư, khởi nghiệp tại Việt Nam khi liên tục có các nhà đầu tư mới tuyên bố tham gia vào lĩnh vực này. Và, phân biệt hàng sạch, hàng bẩn là rất khó với người tiêu dùng. Đâu là hướng đi?
Thực phẩm hữu cơ đang trở thành một trào lưu tiêu dùng cũng như đầu tư, khởi nghiệp tại Việt Nam khi liên tục có các nhà đầu tư mới tuyên bố tham gia vào lĩnh vực này. Và, phân biệt hàng sạch, hàng bẩn là rất khó với người tiêu dùng. Đâu là hướng đi?
Trong một cuộc hội thảo do trung tâm BSA tổ chức vào tháng 4 vừa qua, ông Lê Thành, đại diện công ty Organic Life cho biết sẽ đầu tư 1.500ha đất tại Tây Ninh để canh tác hữu cơ.
Các sản phẩm mà công ty này hướng đến là mía đường, hạt hướng dương và một số loại nông sản khác để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thêm nhiều nhà đầu tư mới
Ông Lê Thành cũng cho biết, đơn vị này cũng đang phối hợp với các đơn vị sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ khác trong nước để phát triển một chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm hữu cơ tại TP.HCM và Hà Nội.
Một công ty tiếng tăm trong đầu tư nông nghiệp là Thành Thành Công (TTC) mới đây cũng cho biết họ sẽ chuyển một phần diện tích trồng mía tại Tây Ninh sang canh tác hữu cơ để từ đó sản xuất đường hữu cơ.
Trước đó, TTC đã đầu tư vào công ty xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) để sản xuất nước dừa đóng hộp hữu cơ để xuất khẩu sang Mỹ và EU.
Trước đó, công ty cổ phần TH True Milk cũng tuyên bố tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ khi đầu tư sản xuất rau hữu cơ và sữa hữu cơ. Sản phẩm dự kiến sẽ ra thị trường vào cuối năm 2016.
Không chỉ có các nhà đầu tư lớn, hàng loạt các công ty nhỏ và các cá nhân cũng đang đua nhau đầu tư nông nghiệp hữu cơ, với hy vọng trở thành những nhà tiên phong để chiếm lĩnh thị trường còn khá mới mẻ nhưng cũng đầy tiềm năng này tại Việt Nam.
Lý do mà họ đưa ra là người tiêu dùng Việt Nam đang mất lòng tin vào các loại thực phẩm hiện có, ngay cả các loại thực phẩm gắn mác… sạch.
Trong khi nhiều đơn vị mới đang tỏ ra rất hào hứng và lạc quan trong đầu tư các dự án canh tác và sản xuất hữu cơ, thì các đơn vị đã đầu tư vào lĩnh vực này lại khá e dè khi mở rộng. Bởi thực tế các dự án đầu tư sản xuất hữu cơ không phải đều thành công, thậm chí có thể thất bại.
Thận trọng mở rộng
Sau khi đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế cho trang trại rau tại Quảng Ninh vào cuối năm 2014, đến nay đã quá thời gian gia hạn chứng nhận nhưng bà V. chủ trang trại này cho hay chưa có ý định gia hạn, vì không hiệu quả.
Đầu tư vào trang trại rộng 7ha với số tiền cả chục tỉ đồng nhưng chưa đầy một năm sau, trang trại này hầu như không có sản phẩm trên thị trường. Bà V cho hay, canh tác theo phương thức hữu cơ khó hơn bà tưởng tượng nhiều.
Dù thời gian đầu làm khá tốt nhưng càng về sau sâu bệnh nhiều hơn dẫn đến khó kiểm soát, nhiều lúc phải huỷ cả vườn rau vì nấm bệnh.
Hơn nữa, thị trường đầu ra lại rất bấp bênh do kênh tiêu thụ còn rất hạn chế. Sản phẩm canh tác theo phương thức hữu cơ có giá cao hơn 2 – 3 lần sản phẩm thường, nên các cửa hàng thực phẩm sạch thông thường không lấy bán.
Một ví dụ khác là công ty Viễn Phú. Dù có trang trại hữu cơ có quy mô thuộc hàng lớn nhất Việt Nam nhưng ông Võ Minh Khải, giám đốc công ty cổ phần Viễn Phú (Cà Mau) cho hay đang gặp rất nhiều khó khăn trong duy trì và phát triển.
Dù hàng sản xuất tới đâu bán hết tới đó nhưng theo ông Khải, đầu tư vào nông nghiệp nhất là nông nghiệp hữu cơ tốn rất nhiều công sức và tiền của, nhưng nguồn thu lại chậm và ít.
“Dù đơn hàng của tôi nhiều không đủ đáp ứng nhưng vốn liếng đã đầu tư hết vào cải tạo đất và xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay không đủ vốn để mở rộng sản xuất”, ông Khải chia sẻ.
Ông Khải cũng cho biết, Việt Nam chưa có một hành lang pháp lý để bảo vệ người sản xuất sản phẩm hữu cơ thực sự với những người tự nhận mình sản xuất hữu cơ, nên dẫn tới tình trạng lập lờ trong nguồn gốc và chất lượng sản phẩm hữu cơ trên thị trường.
Bà Phạm Phương Thảo, giám đốc hệ thống phân phối thực phẩm hữu cơ Organica cho hay, thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam còn mới và vẫn đang tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Hiện đơn vị này đang chuẩn bị khai trương thêm cửa hàng thứ ba tại TPHCM và một cửa hàng tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, bà Thảo lại cho hay, cửa hàng có thể mở thêm nhưng nguồn cung thực phẩm hữu cơ mới là vấn đề khó.
Cho đến nay, Việt Nam cũng chỉ có khoảng mười đơn vị được cấp chứng nhận hữu cơ với chủng loại sản phẩm rất khiêm tốn. Trong khi đó, nhiều người nói sản xuất hữu cơ nhưng không có gì đảm bảo nên các công ty không dám bán hàng.
“Đang có tình trạng người làm hữu cơ không biết bán đi đâu trong khi người kinh doanh không có hàng bán. Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý cụ thể về thực phẩm hữu cơ để vừa khuyến khích người sản xuất, cũng như bảo vệ các đơn vị kinh doanh”, bà Thảo nói.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, tổng giám đốc công ty Vinamit, làm nông nghiệp hữu cơ không thể có ba từ: tình cảm, thông cảm và thoải mái. Với cách làm ồ ạt hiện nay, ông Viên rất sợ đến một ngày nào đó, chúng ta làm nông nghiệp hữu cơ giống như làm VietGAP, và khi đó không còn ai tin, ai mua nữa.
Sáng 12/5, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp bộ Khoa học và công nghệ, UBND TPHCM và hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp organic Việt Nam – xu hướng phát triển và xúc tiến liên kết sản xuất tiêu thụ”.
Hội thảo nhằm giới thiệu tiềm năng phát triển và quảng bá, xúc tiến liên kết, hợp tác đầu tư sản xuất, cung ứng và phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp organic của
Việt Nam.Buổi chiều, ban tổ chức tổ chức buổi gặp mặt xúc tiến đầu tư và thương mại trong nước và quốc tế cho ngành nông nghiệp hữu cơ Việt Nam từ 1h30 – 3h giữa lãnh đạo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Theo Phương Thảo
Thế Giới Tiếp Thị