Bạn gọi điện mời mọc “Rau nhà tôi lên tốt rồi, nhà đã có rau sạch tự trồng để ăn và đãi khách. Hôm nào rảnh thì ghé nhà tôi ăn bữa rau tươi, rau sạch nhà trồng nhé”.
Vậy là dù bận rộn ngập đầu, cuối cùng, bạn cũng đã thu xếp thời gian, tự trồng rau sạch tại nhà. Cái kế hoạch ấy nảy sinh trong một lần anh và tôi cùng ghé vào ăn trưa ở một quán cơm nọ. Hôm ấy anh đã mất không ít thời gian để… đấu tranh với đĩa rau muống luộc. Là dân Bắc, đã quen ăn rau hàng ngày từ khi mới lên ba lên năm, nên anh cũng như tôi, ăn cơm mà không có rau thì cứ thấy thiêu thiếu cho dù thịt cá có ê hề. Đĩa rau muống chủ quán lại luộc khéo, xanh rờn, nhìn là muốn đụng đũa liền. Chỉ cần có chút nước mắm ngon, chấm rau ấy vào là đủ để lùa gọn gàng cả đĩa cơm vào bụng mà chẳng cần tới quyền trợ giúp từ thịt, cá. Nhưng khổ, chừng nửa tháng trước đó, bạn vừa bị “Tào Tháo đuổi” nguyên một ngày trời sau khi ăn rau muống luộc ở một quán nọ, nên đang ít nhiều e ngại món rau khi đi ăn quán. Đó đã là lần thứ mấy không nhớ nữa mà anh bị trúng thực từ món rau vốn rất dân dã, rất hiền lành, nhưng vì trong quá trình trồng trọt, mua bán hay chế biến, do coi thường những yêu cầu về an toàn thực phẩm, người ta đã biến nó thành món rau độc.
Thế là nỗi thèm rau của bạn đã phải qua một cuộc giằng co, đấu đá với nỗi e sợ rau quán. Đã có vài lần anh tặc lưỡi đánh liều gắp lên một cọng rau muống. Nhưng cọng rau ấy chả đến được miệng người mà chỉ lơ lửng trên không một lát rồi lại được trở về đĩa rau, còn gương mặt bạn vừa có vẻ ngại ngần, vừa có phần tiêng tiếc.
Cuối cùng, sức khỏe cũng chiến thắng khoái khẩu. Anh gạt đĩa rau muống luộc sang một bên, không ngó ngàng tới nó nữa. Tôi thì không mấy bận tâm đĩa rau ấy, bởi sau một vài lần cũng mang vạ vì ăn rau ở quán, đã gần như nói không với món rau ở các quán ăn mà mình chưa có sự tin tưởng. Xong bữa cơm, bạn bảo sẽ quyết tâm dành thời gian trồng rau tại nhà, vừa để có rau sạch bảo đảm sức khỏe, vừa có thể ăn rau một cách thật sướng miệng vì sẽ không có bất cứ một chút lăn tăn, ngại ngần nào như khi ăn rau ở quán hay mua rau ở chợ, thậm chí là rau trong siêu thị. Tôi đồng cảm với bạn bởi từ khi không còn được ăn rau hái trong vườn như hồi còn ở quê nhà, dù vẫn luôn thích món rau, nhưng tôi đã không còn cái cảm giác cực đã miệng khi ăn rau nữa. Nỗi lo nhỡ ăn phải rau không sạch, không an toàn đã làm ảnh hưởng ít nhiều tới con tì con vị rồi.
Mà cái nỗi thèm rau sạch, thèm thực phẩm sạch có lẽ đang là nỗi thèm chung của phần nhiều người Việt. Đấy, cứ nhìn xung quanh hay đọc trên báo, sẽ thấy khối người như bạn tôi, làm việc trong những lĩnh vực phi nông nghiệp nhưng lại đang phải trở thành những nông dân tại gia bất đắc dĩ, chỉ để có miếng rau sạch trong bữa ăn hàng ngày. Nhiều người là dân công sở lại phải bớt xén thời gian làm việc để kiêm nhà cung cấp rau quê, thực phẩm quê mà chắc chắn là sạch cho đồng nghiệp, bạn bè.
Là nước nông nghiệp từ khi lập quốc đến giờ nhưng cái ăn vẫn luôn là nỗi lo lắng thường trực với đại đa số người dân Việt Nam. Có lẽ thế mà trong tiếng Việt, chữ “ăn” còn được dùng để nói về rất nhiều hành vi khác của con người, cả tốt lẫn xấu. Nào là ăn học, ăn nói, làm ăn, ăn trộm, ăn xin, ăn tiền, ăn hối lộ, ăn quỵt… Đến cả chuyện quan hệ trai gái, chữ ăn cũng lẻn vào: ăn nằm. Cái đói, miếng ăn đã xô đẩy nhiều nhân vật trong các truyện ngắn của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… vào cảnh u tối đến cùng cực, không lối thoát.
Từ khi Việt Nam xuất khẩu gạo trở lại vào năm 1989 và vững chân trong tốp 3 những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cái đói gần như không còn là nỗi lo lắng nữa. Tất nhiên, đây đó vẫn còn nhiều hộ, nhiều người thiếu gạo nhiều ngày, nhiều tháng trong năm, nhưng cái đói của họ không phải vì nước ta thiếu gạo, mà bởi những nguyên nhân khác. Tuy nhiên, nỗi lo về cái đói vừa qua đi, thì tình trạng mất an toàn thực phẩm lại ào ào tới, khi mà vì lợi nhuận người ta sẵn sàng lạm dụng hóa chất, chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản, chế biến thực phẩm… Vậy là miếng ăn vẫn chưa thôi ám ảnh người Việt, thậm chí còn gây lo lắng về sức khỏe nhiều hơn là thuở đói nghèo.
Hết thời thèm ăn no là thời thèm ăn sạch. Nỗi thèm ấy, còn đeo đẳng đến bao giờ?
Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn online