Không có thời nào như thời nay, mỹ phẩm bày bán hàng loạt trong các siêu thị, cửa hàng và thậm chí la liệt ở các chợ lớn nhỏ để phục vụ cho nhu cầu làm đẹp của “thượng đế”. Sử dụng một loại mỹ phẩm không hoặc lâu mang lại kết quả như mong muốn, chủ bán lẫn “thượng đế” đã sáng chế ra một loại “thần dược” của nhan sắc để có thể làm da trắng mịn, không còn dấu hiệu của mụn. “Thần dược” đó không gì xa lạ, chính là một loại mỹ phẩm mang tên kem trộn.
5, 10 hay 11… đều là 1
Đúng như tên gọi của nó, kem trộn là một hỗn hợp của nhiều loại kem khác nhau, được những người bán hàng “quảng cáo” là phải theo công thức. Để biết thị trường kem trộn phong phú, đa dạng đến mức nào, chúng tôi đã thử làm vài “tour” vòng quanh một số chợ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Tại chợ Phạm Văn Hai “quận Tân Bình), một người bán mỹ phẩm hỏi: “Em muốn loại trộn sẵn hay mua về trộn?”. “Thành phần của kem trộn gồm những loại gì?” – Tôi hỏi. Chị chủ quầy mỹ phẩm vẫn giới thiệu tích cực, khẳng định theo đúng công thức phải là 5 loại kem. Chuyển sang quầy mỹ phẩm của một phụ nữ tầm tuổi 30, khuôn mặt thoa kem trắng bệch, che làn da đầy tàn nhang ở hai bên gò má, chị cho biết có loại trộn 5, loại trộn 10, thậm chí 11 loại kem khác nhau tùy việc thoa ở mặt hay ở da. Cuối cùng, chị hỏi tôi muốn mua loại nào để chị trộn. Giá chỉ có 40.000 đồng. Nghe đến đây không hiểu sao cả người tôi muốn phát sốt và tôi vội vàng lờ đi nơi khác.
Chúng tôi lân la sang chợ Hòa Hưng (quận 10). Lại một lần nữa, tôi đề cập đến kem trộn. Chị N, chủ quầy hóa mỹ phẩm ở chợ hỏi: “Em có sử dụng qua chưa?”. Nghe câu trả lời “chưa” của tôi, chị dịu giọng: “Nếu chưa dùng qua thì chị khuyên em đừng sử dụng. Em còn trẻ đừng nghe lời người khác nói xúi dại, hư da không có cách nào phục hồi được. Chị nói em cứ tin đi. Chị là người bán, chị rõ. Bán kem trộn cho em, chị bán được nhiều loại lắm nhưng…”. Sau đó, chị giới thiệu tôi một loại kem khác giá chỉ 25.000 đồng nhưng “công hiệu”. Lần đầu tiên đi từ chợ này sang chợ khác, tôi mới nghe được những câu nói đáng ngạc nhiên từ chính miệng của người bán mỹ phẩm – kem trộn. Thực tế, việc bán kem trộn rất lời. Cứ thử tính, mỗi hũ kem có giá trung bình rất “bèo” từ 2.000 – 7.000 đồng. Thế nhưng, chắc chắn mỗi loại người bán lấy ra chưa tới phân nửa của hũ kem gốc trộn lại với nhau. Nếu cho trộn hết các loại kem lại thì người bán vẫn còn dư chán! Mỗi “hộp” kem trộn có giá từ 25.000 – 40.000 đồng. Lợi nhuận từ việc bán kem trộn là rất cao! Và dù bản thân người bán biết tác hại của kem trộn nhưng lợi nhuận khiến họ bỏ qua tất cả.
Sau khi mua một hộp kem trộn, chúng tôi xin công thức trộn kem lấy lý do nhà ở xa khó đến mua tiếp, chị Dung, ở chợ Tân Bình đã “ra toa” cho tôi với cách trộn với thành phần như sau: 2 viên vitamin D và E ( giá 500-2.000đ/viên, không nhãn hiệu); một hộp kem lột mụn hiệu “Muôn Thuở” giá 2.000đ/hộp (được sản xuất tại Vĩnh Long, không có tên cơ sở) có tác dụng lột nhẹ; một hộp kem “Thanh Hiền” giá cũng chỉ 2.000đ/hộp (cũng sản xuất tại tỉnh Vĩnh Long) có tác dụng làm trắng da; ba hộp kem khác ghi xuất xứ Thái Lan, Trung Quốc, được gọi tên theo hình in trên hộp như “cô gái tóc xù”, “viên ngọc hồng”, “ánh trăng” có giá từ 2.000-7.000đ/ hộp. Cuối cùng phải trộn thêm hộp kem hiệu Thanh Thảo với giá 5.000đ/hộp (sản phẩm của Công ty TNHH Thanh Thảo, tỉnh Trà Vinh) có tác dụng chống dị ứng gây ngứa trên da và một tuýp pô-mát hiệu “2 con én” của Trung Quốc, có tác dụng chống viêm da.
Không cần giải thích hẳn mọi người cũng hiểu vì sao phải trộn thêm các loại kem, thuốc phòng viêm nhiễm và dị ứng da vào hũ thuốc hổ lốn ấy rồi. Có điều, kem trộn hổ lốn trong điều kiện bảo quản tại chợ, lề đường nóng lạnh tùy ngày mà hạn sử dụng là… vô cùng thì thật đáng sợ! So với giá một lần tẩy da là 5 – 7 triệu đồng tại các thẩm mỹ viện thì hỗn hợp kem tẩy trắng nêu trên quá rẻ với người có thu nhập thấp, nhưng thích làm đẹp.
Tàn phá nhan sắc không thương tiếc!
Lần nọ, tôi có dịp về Bến Tre. Rủ rê mãi, người bạn mới đồng ý đi thăm thú một vài địa điểm du lịch của Bến Tre. Một trong những địa điểm chúng tôi ghé qua là khu du lịch sinh thái Vàm Hồ thuộc huyện Ba Tri. Không may cho chúng tôi, khu du lịch này chỉ còn lại nền đất trống, cây cối ngổn ngang sau trận bão Durian vừa qua. Cảnh tượng thật thê thảm! Thế nhưng, nơi đây không hẳn chẳng còn ai. Công ty Du lịch Bến Tre vẫn cho người ở lại… giữ đất, trong số đó có chị D (42 tuổi). Hôm đến, chúng tôi chứng kiến cảnh chị D thoa lên da hai cánh tay một thứ hỗn hợp có mùi không thể tưởng tượng được. Khi được hỏi, chị cho biết là kem trộn. Mấy hôm trước, chị phải “dầm mưa dãi nắng” để dọn dẹp tàn tích của bão. Bây giờ, mọi việc đã đâu vào đấy, chị phát hiện và thu gom gần 10 lọ kem đủ loại lại. Mỗi loại chỉ còn chút ít. Bỏ đi thì tiếc, chị bèn trọn chúng lại với nhau. Chẳng làm gì lại không ra nắng thường xuyên, chị quyết định thoa hỗn hợp kem trộn để cải thiện làn da sạm nắng. Thấy tôi tỏ ý e ngại, chị giải thích: “Chính vì sợ dị ứng nên mới thoa ở hai cánh tay. Nếu có dị ứng thì chỉ cần mặc áo dài tay, chẳng ai thấy!”. Rất tiếc, chúng tôi không lưu lại lâu nên không biết được kết quả của loại kem trộn tự chế như thế nào.
Những hộp kem trộn, kem tẩy trắng không rõ nguồn gốc |
Việc sử dụng kem trộn không phải là vấn đề mới mẻ gì. Có thể nói, kem trộn đã trở thành loại mỹ phẩm được khá nhiều “thượng đế” ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không tin kem trộn là một loại hỗn hợp hóa học tàn phá nhan sắc rất dữ dội. Các chủ mỹ phẩm thường nói kem trộn phải theo công thức nhưng thực ra tầm hiểu biết của họ về thành phần hóa học rất chế, thậm chí… mù tịt. Công thức mà họ nói chủ yếu được dân bán mỹ phẩm chợ trời truyền tai và học lỏm của nhau. Kem trộn chủ yếu được “bào chế” từ loại thuốc, kem có chứa chất chống viêm, vitamin C, corticoid là con dao hai lưỡi khi sử dụng lên da sẽ gây sự lầm tưởng cho người sử dụng. Họ cứ nghĩ kem trộn đạt hiệu quả thần kỳ đến thế. Khi mới sử dụng, da trắng mịn một cách nhanh chóng. Thế nhưng sau đó 1 tháng, thậm chí 1-2 năm, da sẽ bị “xuống dốc” một cách thảm hại. Nếu ngưng sử dụng sẽ gặp các biểu hiện thường thấy là da bị teo, da mỏng, các mạch máu nổi lên, ngứa ngáy… rất khó chịu. Nói cách khác, loại hỗn hợp này nhue ma túy khiến người sử dụng phải thoa mãi lên da. Tác hại của kem trộn khiến việc điều trị rất khó khăn và vất vả. Ấy vậy mà, nhiều người vẫn tin vào loại “thần dược” này một cách mù quáng. Bác sĩ Đặng Hoàng Anh, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết: “Khi chúng tôi nói tác hại của kem trộn, mọi người không tin. Có người một mực khăng khăng rằng em sử dụng rất trắng, rất đẹp. Đến khi chính da của họ bị kem trộn tàn phá thì họ mới hiểu ra và thật sự tin”.
Trường hợp bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu điều trị do tác hại của kem trộn rất phổ biến. Điều đáng buồn là những bệnh nhân này đã được nhiều người cảnh báo tác hại của kem trộn. Tuy nhiên, họ bỏ ngoài tai tất cả, lao vào làm đẹp bằng loại “thần dược” tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Thiết nghĩ, bên cạnh việc các phương tiện truyền thông đưa tin, nên chăng các cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp nghiêm khắc hơn trong việc mua bán kem trộn.
Nguồn: Hoài Dương/ Petrotimes.vn